Ngày 12/08/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 58/2023/NĐ-CP (“Nghị định 58”) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2019/NĐ-CP (“Nghị định 37”) quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch. Tại đây, ATA Legal Services xin tổng hợp, phân tích một số nội dung đáng chú ý của Nghị định 58, cụ thể như sau:
1. Chính thức ban hành cơ chế huy động và sử dụng nguồn lực hỗ trợ hoạt động quy hoạch
Luật Quy hoạch 2017 cho phép và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động quy hoạch nhưng vẫn phải đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch. Tuy nhiên, Luật Quy hoạch 2017 và Nghị định 37 không quy định cụ thể các cơ chế, chính sách trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực hỗ trợ hoạt động quy hoạch của các tổ chức, cá nhân trong nước/nước ngoài. Trên thực tiễn, chính những chủ đầu tư trong quá trình chuẩn bị đầu tư dự án đã thực hiện công tác tài trợ cho quá trình lập quy dưới hình thức phổ biến là tài trợ bằng sản phẩm quy hoạch (thông thường là nhiệm vụ quy hoạch và đồ án quy hoạch) hoặc tài trợ bằng nguồn kinh phí để thực hiện lập quy hoạch cho khu vực thực hiện dự án. Việc này vô hình chung dẫn đến một vấn đề đó là sản phẩm quy hoạch rất dễ bị xây dựng hoặc điều chỉnh theo tính chủ quan, duy ý chí của chủ đầu tư đó.
Sau khi Nghị định 58 được ban hành đã quy định cụ thể hơn vấn đề huy động và sử dụng nguồn lực hỗ trợ hoạt động quy hoạch, trong đó ghi nhận các hình thức huy động nguồn lực và các nguyên tắc trong việc huy động những nguồn lực này, cụ thể như sau:
a. Về nguồn lực hỗ trợ: Nghị định 58 ghi nhận nhiều loại nguồn lực hỗ trợ hoạt động quy hoạch bao gồm cả tài trợ bằng tiền và hiện vật, từ tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài. Cụ thể:
- Vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức (áp dụng đối với chủ thể hỗ trợ nguồn lực là tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam);
- Kinh phí của cơ quan, tổ chức cá nhân Việt Nam;
- Kết quả nghiên cứu của cơ quan, tổ chức, chuyên gia; tài trợ giải thưởng cho tổ chức, cá nhân có ý tưởng quy hoạch được lựa chọn trên cơ sở kết quả thi tuyển ý tưởng quy hoạch do cơ quan lập quy hoạch tổ chức (nếu có); đầu vào để tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, nghiên cứu, khảo sát, đào tạo.
b. Về nguyên tắc tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ: Phải đảm bảo/đáp ứng các nguyên tắc sau:
- Bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; đúng mục tiêu, mục đích; tiết kiệm, hiệu quả;
- Tự nguyện; vì lợi ích chung của cộng đồng và xã hội, không vụ lợi;
- Không tiếp nhận hỗ trợ nguồn lực của tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài cho việc xây dựng và thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch.
Việc đưa ra các nguyên tắc, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc khách quan, vì lợi ích chung đã thể hiện mục tiêu đảm bảo giảm thiểu vấn đề lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của các tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình xây dựng và thẩm định quy hoạch. Tuy nhiên, để triển khai nguyên tắc này, chúng tôi cho rằng vẫn cần các quy định cụ thể về tiêu chí và điều kiện dành cho các tổ chức, cá nhân tài trợ quy hoạch cũng như cần xác định rõ các phương pháp hoặc cơ sở để đánh giá, xét duyệt việc tiếp nhận tài trợ từ các tổ chức, cá nhân.
2. Nội dung quy hoạch tỉnh yêu cầu lập danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện của tỉnh
Theo đó, Nghị định 58 yêu cầu trong quy hoạch tỉnh phải xác định danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện chứ không chỉ là đưa ra các nguyên tắc, luận chứng để xây dựng danh mục này như trước đây. Điều này sẽ tăng tính nghiêm túc, cẩn trọng trong quá trình lập quy hoạch, tăng tính cam kết triển khai, thực hiện quy hoạch của cả chính quyền và nhà đầu tư, tránh tình trạng quy hoạch treo hoặc việc điều chỉnh quy hoạch bừa bãi.
3. Bổ sung trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc lập, phê duyệt, thẩm định quy hoạch
Nghị định 58 yêu cầu các cơ quan tổ chức lập và cơ quan lập các quy hoạch cấp quốc gia (quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia…) quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh… theo quy định phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu trong hồ sơ quy hoạch, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về bí mật nhà nước và pháp luật có liên quan khác.
Bên cạnh đó, Nghị định 58 cũng đề ra trách nhiệm cao hơn đối với thành viên Hội đồng thẩm định, không chỉ trong phạm vi “cá nhân” thành viên mà liên đới đến trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mà thành viên đó đang công tác; cụ thể như: thành viên Hội đồng thẩm định chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch, Thủ trưởng cơ quan nơi thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch công tác và trước pháp luật về những ý kiến tham gia thẩm định đối với hồ sơ trình thẩm định quy hoạch.
Các quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tổ chức lập, cơ quan lập và những cá nhân có trách nhiệm trong việc thu thập, rà soát, đánh giá số liệu, đánh giá, thẩm định quy hoạch nhằm đảm bảo tính hiệu quả, khách quan trong quá trình lập quy hoạch.
4. Kéo dài thời hạn lập quy hoạch
Nghị định 58 kéo dài hơn thời hạn lập quy hoạch so với quy định tại Nghị định 37, cụ thể như sau:
Loại quy hoạch |
Thời hạn lập quy hoạch |
|
Nghị định 37 |
Nghị định 58 |
|
Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng |
không quá 30 tháng tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt |
không quá 36 tháng tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt |
Quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh |
không quá 24 tháng tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt |
không quá 30 tháng tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt |
Hợp phần quy hoạch (áp dụng với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch vùng) |
không quá 18 tháng |
không quá 20 tháng |
Gia hạn thời gian lập quy hoạch |
không có quy định |
không quá 12 tháng |
Trên thực tế, thời hạn lập quy hoạch dù đã được ghi nhận trong Nghị định 37 nhưng thời hạn thực tế thường kéo dài hơn rất nhiều. Việc điều chỉnh kéo dài thời hạn theo chúng tôi là phù hợp với thực tiễn.
5. Quy định rõ về quy trình lập, ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch
Luật Quy hoạch 2017 chỉ quy định: kế hoạch thực hiện quy hoạch được ban hành sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt và không có quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban hành, phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch. Vấn đề này được làm rõ tại Nghị định 58, cụ thể như sau:
5.1. Về thẩm quyền phê duyệt kế hoạch
Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phân theo phạm vi, cấp độ của quy hoạch:
- Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia;
- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh;
5.2. Về trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch
a. Đối với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng
- Việc xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia thuộc trách nhiệm của cơ quan đầu mối là các Bộ, cơ quan ngang bộ.
- Theo đó, cơ quan đầu mối phải gửi dự thảo lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương liên quan để hoàn thiện dự thảo trước khi chính thức trình Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, ban hành.
b. Đối với các quy hoạch tỉnh
- Việc xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh thuộc trách nhiệm của cơ quan đầu mối lập quy hoạch xây dựng cấp tỉnh (Sở Quy hoạch Kiến trúc) trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
- Việc lấy ý kiến đối với dự thảo quy hoạch tỉnh được chia thành 2 cấp và được triển khai theo trình tự:
- Lần 1 – sau khi có dự thảo: lấy ý kiến các sở, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan, tổ chức có liên quan (nếu có) trên địa bàn;
- Lần 2 – sau khi đã tiếp thu ý kiến và hoàn thiện dự thảo từ đợt lấy ý kiến lần 1: lấy ý kiến các bộ, cơ quang ngang bộ;
- Sau khi đã tiếp thu ý kiến và hoàn thiện dự thảo kế hoạch, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.
Nghị định 58 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/08/2023. Quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch trước ngày Nghị định 58 có hiệu lực thi hành mà chưa gửi xin ý kiến hoặc chưa trình thẩm định thì không phải phê duyệt lại nhiệm vụ lập quy hoạch.
Bình luận: