Nước là một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia và mỗi địa phương. Với sự biến đổi khí hậu toàn cầu cùng với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa đòi hỏi nhu cầu nước cho sản xuất và sinh hoạt ngày càng gia tăng về cả số lượng và chất lượng, dẫn tới nguồn tài nguyên nước bị khai thác, sử dụng quá mức. Trong thời gian gần đây, hàng loạt các khu vực trong tình trạng nguồn nước sạch bị ô nhiễm, cạn kiệt, đặc biệt tập trung ở các thành phố lớn nước ta, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân và hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Trước thực trạng trên, Luật Tài nguyên nước sửa đổi năm 2023 được ban hành nhằm hoàn thiện và khắc phục các bất cập trong các quy định, đảm bảo phù hợp với với thực tiễn, luật hóa một số quy định trong các văn bản dưới luật và bổ sung các chính sách mới để tăng cường các biện pháp phục hồi, phát triển nguồn nước, đảm bảo quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia và quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Vì vậy, với chuyên đề pháp lý “LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC 2023 – CẤP NƯỚC CHO SINH HOẠT VÀ NÔNG NGHIỆP CŨNG PHẢI NỘP TIỀN CẤP QUYỀN KHAI THÁC TÀI NGUYÊN NƯỚC”, ATA Legal Services sẽ tổng hợp những điểm mới quan trọng, đáng chú ý của Luật Tài nguyên nước 2023, đồng thời đưa ra đánh giá về sự tác động của những quy định này đối với người dân và doanh nghiệp.
1. Luật Tài nguyên nước 2023 nhấn mạnh vấn đề điều phối và phục hồi nguồn nước
1.1. Vấn đề điều phối và phục hồi nguồn nước là một trong những nội dung quan trọng được bổ sung trong Phạm vi điều chỉnh của Luật mới
Ngay tại Điều 1 xác định phạm vi điều chỉnh của Luật, các nhà làm luật đã bổ sung thêm những nội dung mới của Luật Tài nguyên nước 2023 bên cạnh các quy định về việc quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước đó là các quy định điều chỉnh vấn đề điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển tài nguyên nước. Những nội dung này được thể hiện tại nhiều điều khoản và trở thành điểm nhấn xuyên suốt tại Luật mới.
1.2. Bổ sung nhiều khái niệm cơ bản trong quản lý, điều phối, phục hồi nguồn tài nguyên nước
Luật Tài nguyên nước 2023 bổ sung thêm một số khái niệm có ý nghĩa quan trọng, nhấn mạnh vai trò của công tác điều phối, phục hồi nguồn tài nguyên nước như: Chức năng nguồn nước; Phục hồi nguồn nước; Tái sử dụng nước; Sử dụng nước tuần hoàn.
- Chức năng nguồn nước là khả năng cung cấp giá trị, lợi ích của nguồn nước cho các mục đích sử dụng nước. Theo đó, nguồn nước được phân chức năng ngay từ đầu sẽ giúp tăng cường tính hiệu quả trong việc quản lý, khai thác, sử dụng;
- Phục hồi nguồn nước là biện pháp cải thiện số lượng, chất lượng nước nhằm khôi phục dòng chảy, chức năng nguồn nước, nâng cao giá trị về kinh tế, sinh thái, văn hoá, lịch sử gắn liền với nguồn nước;
- Tái sử dụng nguồn nước là hoạt động sử dụng lại nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phù hợp với mục đích sử dụng nước.
- Sử dụng nước tuần hoàn là quá trình sử dụng lại nước trong một chu trình hoạt động sản xuất.
1.3. Sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư trong lĩnh vực tài nguyên nước, đặc biệt là cho công tác điều phối, phục hồi tài nguyên nước
Luật Tài nguyên nước 2023 bổ sung một số quy định về cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động liên quan về tài nguyên nước bao gồm:
- Ưu tiên tích trữ nước, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân ở các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện tiếp cận nước sinh hoạt cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác.
- Khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; bảo vệ, phát triển nguồn nước, nguồn sinh thủy; tích trữ nước và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; điều hòa, phân phối tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra.
- Khuyến khích tổ chức, cá nhân xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để quản lý, bảo vệ, phục hồi, phát triển nguồn nước; khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; xử lý nước biển thành nước ngọt; thu gom, sử dụng nước mưa, bổ sung nhân tạo nước dưới đất; phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra.
Các tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra ở trên sẽ được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ hoặc miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Chi tiết các trường hợp được miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã được nêu tại Mục 4 của Chuyên đề này.
Có thể nói rằng, Luật Tài nguyên nước 2023 bổ sung thêm chính sách này nhằm đa dạng hóa các nguồn lực để thu hút đầu tư, ưu đãi, hỗ trợ, khi tham gia các hoạt động từ nguồn vốn xã hội hóa trong bảo vệ, phát triển, cải tạo, phục hồi nguồn nước, các công trình trữ nước.
1.4. Nhiều hành vi thuộc diện bị nghiêm cấm được bổ sung là những hành vi vi phạm trong công tác điều phối, phục hồi tài nguyên nước
Điều 8 Luật Tài nguyên nước năm 2023 đã bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:
- Lấn, lấp sông, suối, kênh, mương, rạch; đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây trái phép gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ, kênh, rạch nhưng không có biện pháp khắc phục.
- Khai thác trái phép bùn, đất và các loại khoáng sản khác trên sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa, trong hành lang bảo vệ nguồn nước.
- Phá hoại các công trình điều tiết, tích trữ nước.
- Làm sai lệch thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước.
- Xây dựng công trình điều tiết, tích trữ nước, phát triển nguồn nước trái quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan.
1.5. Việc phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước phải được lập thành kế hoạch, chương trình, đề án tổng thể
Hoạt động lập danh mục, kế hoạch phục hồi nguồn nước được hướng dẫn cụ thể theo trình tự như sau:
- Lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm cần phục hồi;
- Xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi các dòng sông, đoạn sông cạn kiệt, không có dòng chảy, ô nhiễm nghiêm trọng trong danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm cần phục hồi, bố trí nguồn lực thực hiện.
- Điều chỉnh chế độ vận hành, bổ sung, nâng cấp các công trình điều tiết, tích trữ nước, xây dựng các đập, hồ chứa, trạm bơm, công trình dẫn nước, nạo vét nhằm dâng nước, tiếp nước, khôi phục dòng chảy, cải thiện, nâng cao khả năng lưu thông dòng chảy, số lượng, chất lượng nguồn nước, bổ sung nhân tạo nước dưới đất; xử lý ô nhiễm môi trường; xử lý, kiểm soát nước thải; sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước.
Bộ Tài nguyên Môi trường là cơ quan chủ trì tổ chức lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm cần phục hồi; xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
1.6. Khuyến khích các dự án khai thác, sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước
Hiện nay, tình trạng nguồn nước sử dụng trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất, kinh doanh đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, không ngừng gia tăng cả về mức độ lẫn quy mô, Trước thực té đó, để bảo đảm cấp nước bền vững và bảo vệ tài nguyên nước, việc xây dựng một chiến lược tổng hợp quản lý hệ thống nước bền vững với mục tiêu bảo đảm an toàn trong cấp nước, bảo vệ môi trường nhằm phát triển kinh tế - xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết. Tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nội dung về tuần hoàn tài nguyên nói chung và tài nguyên nước nói riêng là chính sách đã được khuyến khích thực hiện. Do vậy, Luật Tài nguyên nước 2023 đã bước đầu đưa ra nội dung về sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước vừa là một trong những biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, vừa để phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan.
a. Yêu cầu các dự án khai thác, sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước được chia thành 03 mức độ:
- Khuyến khích áp dụng: Các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước ngay trong giai đoạn xây dựng dự án.
- Có lộ trình buộc áp dụng: Tuỳ theo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước đối với các dự án tại các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước;
- Bắt buộc áp dụng ngay: Các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải tại các khu vực có nguồn nước mặt không còn khả năng chịu tải phải có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước hoặc có phương án xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng nước mặt trước khi thải vào nguồn nước theo quy định.
b. Các chính sách ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả:
- Dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thực hiện giải pháp sử dụng tuần hoàn nước, tái sử dụng nước được xem xét giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước;
- Tổ chức, cá nhân đầu tư sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; thu gom, sử dụng nước mưa; sử dụng nước được khử muối từ nước mặn, đầu tư thiết bị, công nghệ tiết kiệm nước được ưu đãi theo quy định của pháp luật.
2. Phân định rõ các chức năng nguồn nước và bổ sung các quy định quản lý tài nguyên nước theo chức năng nguồn nước
2.1. Phân định rõ chức năng nguồn nước
Chức năng nguồn nước là một trong các căn cứ để lựa chọn các giải pháp bảo vệ nguồn nước, cải tạo, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; quyết định việc chấp thuận, phê duyệt, cấp phép cho các dự án có xả nước thải vào nguồn nước theo quy định. Luật Tài nguyên nước 2023 đã quy định rõ nguồn nước có các chức năng cụ thể như sau:
- Cấp nước cho sinh hoạt;
- Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản;
- Cấp nước cho sản xuất công nghiệp; kinh doanh, dịch vụ;
- Cấp nước cho thủy điện;
- Bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng và giá trị văn hóa;
- Giao thông đường thủy nội địa, hàng hải;
- Tạo cảnh quan, môi trường; phát triển du lịch; bảo vệ sự phát triển hệ sinh thái thủy sinh; bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học; trữ, tiêu thoát lũ.
2.2. Thẩm quyền phân vùng chức năng nguồn nước
Việc phân vùng chức năng nguồn nước mặt được xác định trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh đối với nguồn nước mặt liên tỉnh và trong quy hoạch tỉnh đối với nguồn nước mặt nội tỉnh.
Đồng thời, Luật Tài nguyên nước 2023 cũng phân định rõ trách nhiệm cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức thực hiện như sau:
- Bộ Tài nguyên - Môi trường: Tổ chức rà soát chức năng nguồn nước trong quá trình rà soát quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Tổ chức rà soát chúc năng nguồn nước trong quy hoạch tỉnh.
- Đối với trường hợp chưa có quy hoạch/quy hoạch chưa thể hiện chức năng nguồn nước:
- Bộ Tài nguyên - Môi trường xác định, công bố chức năng đối với nguồn nước mặt liên tỉnh;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định, công bố chức năng đối với nguồn nước mặt nội tỉnh.
Ngoài ra, chức năng nguồn nước sẽ được xem xét, điều chỉnh trong 02 trường hợp sau: (i) Có sự thay đổi về yêu cầu bảo vệ nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; (ii) Có sự thay đổi lớn về khả năng đáp ứng của nguồn nước mà chưa có biện pháp khắc phục.
2.3. Các quy định mới trong vấn đề bảo vệ nguồn nước theo từng chức năng
a. Đối với nguồn nước sinh hoạt
Luật Tài nguyên nước 2023 bổ sung trường hợp các công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì cần có sự tham gia phối hợp thực hiện của Bộ Xây dựng và Bộ Công an trong việc lên phương án bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân vẫn phải có trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt, phát hiện hành vi gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt và kịp thời báo cho Ủy ban nhân dân nơi gần nhất, thay vì như trước đây chỉ quy định chung chung là báo cho cơ quan có thẩm quyền dẫn tới sự lúng túng trong việc triển khai thực hiện.
b. Đối với nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khai thác khoáng sản và các hoạt động khác
Cụ thể, Luật Tài nguyên nước 2023 bổ sung thêm trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như sau:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý nhà nước đối với việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong hoạt động sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật bảo đảm không gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến chức năng nguồn nước;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với các moong khai thác khoáng sản, đất, vật liệu xây dựng sau khi dừng khai thác tạo thành hồ để điều hòa, tích trữ nước, cấp nước, tạo cảnh quan khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật có liên quan và cập nhật, bổ sung vào danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh và danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp.
c. Đối với nguồn nước có chức năng bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng
Đối với việc bảo vệ nguồn nước liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa, Luật Tài nguyên nước 2023 bổ sung các quy định mới đối với nguồn nước có chức năng này. Theo đó, Luật xác định rõ các nguồn nước liên quan đến hoạt động này bao gồm:
- Nguồn nước gắn liền với vùng đất ngập nước quan trọng, khu bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn nước có giá trị đa dạng sinh học cao theo quy định của pháp luật;
- Nguồn nước gắn liền với hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng hoặc khoanh vùng bảo vệ theo quy định có liên quan.
Đồng thời, Luật cũng quy định việc kiểm soát, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và các hoạt động trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước nêu trên không được làm ảnh hưởng đến chức năng bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học và phát triển du lịch của nguồn nước.
Ngoài ra, nhằm thực hiện mục tiêu và chính sách phục hồi, bảo vệ các nguồn tài nguyên nước nói chung và nguồn nước có chức năng bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng nói riêng, Luật Tài nguyên nước 2023 cũng bổ sung thêm quy định về việc Nhà nước ưu tiên bảo vệ và phục hồi các nguồn nước nêu trên khi bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.
3. Bổ sung nhiều nội dung bảo vệ tài nguyên nước phù hợp với từng nguồn nước, trong đó chú trọng việc bảo vệ nguồn nước dưới đất
Ngoài việc bổ sung các quy định quản lý tài nguyên nước theo chức năng, thì Luật Tài nguyên nước 2023 cũng bổ sung nhiều nội dung bảo vệ tài nguyên nước phù hợp với từng nguồn nước, trong đó chú trọng các vấn đề liên quan đến bảo vệ nguồn nước dưới đất.
3.1. Nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngưỡng khai thác nước dưới đất trong công tác quản lý tài nguyên nước
Cụ thể, Ngưỡng khai thác nước dưới đất là một trong những căn cứ để xem xét trong quá trình thẩm định và quyết định, phê duyệt các nhiệm vụ sau đây:
a) Quy hoạch về tài nguyên nước; quy hoạch tỉnh và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước; ban hành vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất;
b) Phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông; phục hồi nguồn nước dưới đất bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm;
c) Cấp phép thăm dò, khai thác nước dưới đất;
d) Các dự án, giải pháp bổ sung nhân tạo nước dưới đất.
3.2. Quy định chi tiết các giải pháp bảo vệ nước dưới đất
- Việc bảo vệ nước dưới đất phải được UBND tỉnh thống nhất thực hiện;
- UBND tỉnh phải ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ nước dưới đất. Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất phải ban hành trong thời hạn không quá 03 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành và định kỳ 05 năm được xem xét, điều chỉnh hoặc điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ nguồn nước.
- UBND tỉnh xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Trường hợp tổ chức, cá nhân đã được cấp phép khai thác nước dưới đất trong vùng hạn chế khai thác nước dưới đất thì được tiếp tục khai thác đến hết thời hạn hiệu lực của giấy phép và được cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép nếu đủ điều kiện nhưng không vượt quá lưu lượng nước khai thác đã được cấp phép.
- Các giếng khoan phục vụ cho công tác thăm dò, điều tra nguồn nước, địa chất, khoáng sản đều phải được trám lấp khi bị hỏng hoặc không còn sử dụng nữa.
- Tất cả các hoạt động khoan, đào xuống lòng đất đều phải bảo đảm yêu cầu về bảo vệ nguồn nước dưới đất.
4. Khai thác nước phục vụ cấp cho sinh hoạt và nông nghiệp cũng phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước
4.1. Bổ sung quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với các hoạt động cấp cho sinh hoạt và nông nghiệp
Các trường hợp được bổ sung vào diện phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước gồm:
- Khai thác nước mặt, nước dưới đất để phục vụ hoạt động cấp cho sinh hoạt;
- Khai thác nước mặt, nước dưới đất để phục vụ hoạt động cấp cho nông nghiệp.
Việc bổ sung nội dung này sẽ làm tăng giá thành nước của các đơn vị cấp nước bởi giá nước được xác định trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí trong quá trình khai thác, sản xuất, phân phối và tiêu thụ. Trong tình hình nền kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn như hiện nay, quy định này có thể sẽ gia tăng thêm áp lực cho cả doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng. Tuy nhiên, về lâu dài, quy định này là cần thiết, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc khai thác, sử dụng nước, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ nguồn tài nguyên nước đang có nguy cơ cạn kiệt.
4.2. Làm rõ các trường hợp không phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước
- Khai thác nước biển;
- Khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất công nghiệp, thủy điện, thủy lợi, thể thao, du lịch, kinh doanh, dịch vụ, tạo nguồn, ngăn mặn, chống ngập, tạo cảnh quan trong các trường hợp không phải kê khai, cấp phép, đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước và trường hợp hộ gia đình khai thác nước dưới đất để sử dụng cho sinh hoạt của mình.
- Khai thác tài nguyên nước cho mục đích tạo nguồn, ngăn mặn, chống ngập, tạo cảnh quan (thuộc trường hợp nêu tại Mục 5.2(a) Chuyên đề này).
Ngoài ra, Luật cũng quy định các trường hợp tạm thời chưa phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, cụ thể:
- Khai thác nước mặt, nước dưới đất để cấp cho sinh hoạt đã được cấp giấy phép về tài nguyên nước trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt theo quy định của Luật này và hoàn thành việc kê khai tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước chậm nhất là ngày 31/12/2025.
- Khai thác nước mặt, nước dưới đất để cấp cho nông nghiệp đã được cấp giấy phép về tài nguyên nước trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không thuộc đối tượng nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo Luật Tài nguyên nước 2012 thì không phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đến hết thời hạn ghi trong giấy phép về tài nguyên nước.
4.3. Bổ sung các trường hợp được miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước
a. Trường hợp được miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước
- Khai thác nước để cấp cho sinh hoạt của người dân khu vực biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Dự án có hạng mục công trình khai thác nước đã được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh theo bảo lãnh Chính phủ;
- Trong thời gian công trình khai thác nước bị hư hỏng do sự cố bất khả kháng không thể tiếp tục khai thác hoặc phải tạm dừng khai thác.
b. Trường hợp được giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước
- Các công trình khai thác nước phải cắt, giảm lượng nước khai thác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Các dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thực hiện giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước;
- Hồ chứa đã vận hành phải điều chỉnh, bổ sung dung tích phòng lũ cho hạ du so với nhiệm vụ của hồ chứa đã được phê duyệt;
- Khai thác nước cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
5. Tăng cường quản lý công tác kê khai, đăng ký và cấp phép khai thác tài nguyên nước
5.1. Hộ gia đình khai thác nước dưới đất để sử dụng cho sinh hoạt phải thực hiện kê khai
Theo quy định tại Luật Tài nguyên nước 2012, việc khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt của hộ gia đình không phải thực hiện đăng ký, không phải xin phép. Tuy nhiên, Luật Tài nguyên nước 2023 bắt buộc các hộ gia đình khai thác nước dưới đất để sử dụng cho sinh hoạt của mình phải thực hiện kê khai để quản lý. Đây là điểm mới của Luật Tài nguyên nước 2023 được đánh giá là sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều hộ dân khi phần lớn các hộ dân ở vùng nông thôn đang khai thác, sử dụng nước dưới đất để phục vụ sinh hoạt hằng ngày là lấy từ giếng tự khoan.
Việc kê khai khai thác nước dưới đất để sử dụng cho mục đích sinh hoạt của hộ gia đình do Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận và được lùi thời hạn đến ngày 01/07/2026, muộn hai năm so với thời hạn có hiệu lực của Luật này để có thời gian đưa ra các cơ chế hướng dẫn thực hiện phù hợp.
5.2. Bổ sung các trường hợp phải xin cấp phép khai thác tài nguyên nước
Việc cấp phép tài nguyên nước là một trong các biện pháp để quản lý, kiểm soát được hoạt động khai thác nước của tổ chức, cá nhân. Từ đó, đánh giá được nhu cầu khai thác, sử dụng nước để có các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên nước phù hợp. Đồng thời, việc cấp phép tài nguyên nước và thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cũng góp phần nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên nước.
a. Các trường hợp phải có Giấy phép khai thác tài nguyên nước: Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất công nghiệp, thủy điện, thủy lợi, thể thao, du lịch, kinh doanh, dịch vụ, tạo nguồn, ngăn mặn, chống ngập, tạo cảnh quan và các mục đích khác phải có giấy phép khai thác tài nguyên nước tương ứng với loại nguồn nước khai thác theo quy định, trừ các trường hợp theo quy định bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân không phải kê khai, cấp phép khai thác tài nguyên nước, đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước;
- Trường hợp hộ gia đình khai thác nước dưới đất để sử dụng cho sinh hoạt của mình phải thực hiện kê khai để quản lý;
- Trường hợp tổ chức, cá nhân đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước;
Trường hợp khai thác nước dưới đất còn phải có giấy phép thăm dò nước dưới đất trước khi xây dựng công trình.
b. Các trường hợp phải đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước, bao gồm:
- Khai thác nước mặt quy mô vừa để sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản;
- Khai thác nước dưới đất quy mô nhỏ để sử dụng cho các mục đích ngoài mục đích quy định tại điểm a khoản 3 và khoản 4 Điều này;
- Sử dụng nước dưới đất tự chảy trong moong khai thác khoáng sản để tuyển quặng tại moong hoặc bơm hút nước để tháo khô lượng nước tự chảy vào moong khai thác khoáng sản;
- Khai thác nước biển quy mô vừa để sử dụng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản trên đảo, đất liền;
- Công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch có quy mô vừa và nhỏ với mục đích tạo nguồn, ngăn mặn, chống ngập, tạo cảnh quan;
- Sử dụng mặt nước sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ có quy mô không thuộc trường hợp quy định tại điểm h khoản 3 Điều này; sử dụng mặt nước hồ chứa để sản xuất điện mặt trời;
- Đào sông, suối; đào hồ, ao, kênh, mương, rạch để tạo không gian thu, trữ nước, dẫn nước, tạo cảnh quan có quy mô không thuộc trường hợp theo quy định.
5.3. Nghĩa vụ đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với những trường hợp không phải đăng ký, cấp phép theo Luật Tài nguyên nước 2012
- Trường hợp công trình thủy lợi đã xây dựng và khai thác trước ngày 01/01/2013 mà chưa được đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước trước ngày Luật này có hiệu lực thì phải hoàn thành thủ tục đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật này chậm nhất là ngày 30/6/2027.
- Tổ chức, cá nhân thuộc một trong các trường hợp (1) có hồ, ao, kênh, mương, rạch để tạo không gian thu, trữ nước, dẫn nước, tạo cảnh quan; (2) sử dụng mặt nước sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ có quy mô không thuộc trường hợp quy mô nhỏ theo quy định; (3) sử dụng mặt nước hồ chứa để sản xuất điện mặt trời trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì phải hoàn thành thủ tục đăng ký sử dụng tài nguyên nước theo quy định của Luật này chậm nhất là ngày 30/6/2026.
5.4. Tăng thời hạn của giấy phép tài nguyên nước
Loại giấy phép |
Luật Tài nguyên nước 2012 |
Luật Tài nguyên nước 2023 |
Giấy phép khai thác nước mặt |
- Thời hạn tối đa 05 năm, tối thiểu 05 năm; - Được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối thiểu 03 năm và tối đa 10 năm. |
- Thời hạn tối đa 10 năm, tối thiểu 05 năm; - Được gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn 05 năm. |
Giấy phép khai thác nước biển |
- Thời hạn tối đa 15 năm, tối thiểu 10 năm; - Được gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn 10 năm. |
|
Giấy phép thăm dò nước dưới đất |
- Thời hạn 02 năm; - Được gia hạn 01 lần với thời gian gia hạn không quá 01 năm. |
|
Giấy phép khai thác nước dưới đất |
- Thời hạn tối đa 10 năm, tối thiểu 03 năm; - Được gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối thiểu 02 năm và tối đa 05 năm. |
- Thời hạn tối đa 05 năm, tối thiểu 03 năm; - Được gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn 03 năm. |
6. Bỏ quy trình giải quyết tranh chấp đối với tài nguyên nước tại các cơ quan quản lý
Theo quy định hiện hành, khi xảy ra tranh chấp liên quan đến tài nguyên nước, các bên phải giải quyết tại các cơ quan quản lý theo cấp tương ứng gồm Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tài nguyên - Môi trường. Trường hợp các bên không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp thì mới được đưa vụ việc ra giải quyết tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Tuy nhiên, tại Luật Tài nguyên nước 2023, các quy định về giải quyết tranh chấp nêu trên đã được xóa bỏ. Việc giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước sẽ được thực hiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền nhằm đảm bảo thống nhất với quy định pháp luật về tố tụng dân sự.
Có thể nói rằng, Luật Tài nguyên nước năm 2023 được ban hành đã tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, phù hợp, đảm bảo an ninh nguồn nước, tập trung phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; đồng thời phân định rõ trách nhiệm và tăng cường thống nhất quản lý tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước. Có thể nói, Luật 2023 có rất nhiều điểm sáng như Vấn đề khai thác, sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; việc gia tăng quyền lợi, ưu đãi đối với các hoạt động điều phối và phục hồi nguồn nước; việc quy định rõ, ràng buộc thêm nhiều nghĩa vụ, trách nhiệm đối với các cơ quan quản lý và cả tổ chức, cá nhân trong vấn đề khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước, v.v.. Những quy định này theo đánh giá của chúng tôi sẽ có thể mở ra những quan điểm mới và tạo ra những cách làm mới trong công tác quản lý cũng như hoạt động khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo hướng tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn và an toàn hơn.
Bình luận: