CƠ QUAN THUẾ CHỈ ĐƯỢC YÊU CẦU GIẢI TRÌNH, BỔ SUNG THÔNG TIN, TÀI LIỆU KHÔNG QUÁ 02 LẦN ĐỐI VỚI MỘT HỒ SƠ KIỂM TRA

CƠ QUAN THUẾ CHỈ ĐƯỢC YÊU CẦU GIẢI TRÌNH, BỔ SUNG THÔNG TIN, TÀI LIỆU KHÔNG QUÁ 02 LẦN ĐỐI VỚI MỘT HỒ SƠ KIỂM TRA

2023-07-28 15:58:06 2718

Ngày 14/7/2023, Tổng cục Thuế ban hành Quyết định 970/QĐ-TCT (“Quyết định 970”) về Quy trình kiểm tra thuế thay thế Quyết định 746/QĐ-TCT (“Quyết định 746”). Sau đây, ATA Legal Services sẽ tổng hợp, phân tích một số nội dung đáng chú ý tại Quyết định 970:

1. Bổ sung căn cứ kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế

Quyết định 970 bổ sung thêm một căn cứ để cơ quan thuế tiến hành kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế “theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước, cơ quan khác có thẩm quyền”.

2. Áp dụng nguyên tắc ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra hồ sơ thuế tại trụ sở cơ quan thuế

Theo đó, các loại hồ sơ thuế đã có ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ kiểm tra hoặc hỗ trợ từng phần thì áp dụng toàn bộ hoặc từng phần ứng dụng công nghệ thông tin của ngành thuế để kiểm tra tính phù hợp, đầy đủ, chính xác của các thông tin, chứng từ trong hồ sơ thuế, sự tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế, phát hiện rủi ro, sai phạm trong các hồ sơ thuế.

3. Thay đổi trong tiêu chí lựa chọn người nộp thuế để lập kế hoạch kiểm tra hồ sơ thuế tại trụ sở cơ quan thuế:

Việc lựa chọn người nộp thuế vẫn dựa trên kết quả phân tích rủi ro bằng ứng dụng hỗ trợ lập kế hoạch và qua thực tế quản lý thuế. Tuy nhiên, Quyết định 970 bổ sung thêm tiêu chí lựa chọn: không chỉ ưu tiên thứ tự rủi ro cao mà kết hợp cả việc xem xét lựa chọn người nộp thuế đã quá 05 năm chưa được thanh tra, kiểm tra thuế.

Ngoài ra, tại Quyết định 746 quy định tỷ lệ lựa chọn số lượng người nộp thuế thuộc diện kiểm tra là 80-85% trên ứng dụng TPR và 15-20% theo thực tiễn tại địa phương. Trong khi đó, Quyết định 970 cho phép Tổng cục thuế quy định tỷ lệ lựa chọn phù hợp với yêu cầu thực tế quản lý thuế.

4. Bổ sung quy định kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế đối với người nộp thuế thuộc trường hợp giám sát trọng điểm

Theo quy định tại Điều 22 Thông tư 31/2021/TT-BTC về áp dụng rủi ro trong quản lý thuế, Người nộp thuế thuộc trường hợp giám sát trọng điểm về thuế là người nộp thuế có một trong các dấu hiệu sau:

a) Người nộp thuế thực hiện các giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền có liên quan đến trốn thuế, gian lận thuế.

b) Người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế bị khởi tố về các hành vi vi phạm về thuế, hóa đơn, chứng từ.

c) Người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro cao về thuế thuộc chuyên đề trọng điểm hoặc qua thu thập thông tin từ công tác quản lý của cơ quan thuế cần giám sát quản lý thuế.

d) Người nộp thuế được lựa chọn từ danh sách người nộp thuế thuộc mức không tuân thủ pháp luật thuế, danh sách người nộp thuế thuộc mức rủi ro rất cao, rủi ro cao và người nộp thuế không giải trình, bổ sung thông tin hoặc có giải trình, bổ sung thông tin nhưng không đầy đủ theo yêu cầu và thời hạn tại thông báo bằng văn bản của cơ quan thuế.

Tại Quyết định 970, Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế phải thực hiện thu thập thông tin, tài liệu, số liệu của người nộp thuế trên hệ thống thông tin ngành thuế như tài liệu, hồ sơ về đăng ký, kê khai, nộp thuế, báo cáo sử dụng hóa đơn, báo cáo tài chính, thông tin thu thập từ bên thứ ba ... kết hợp với công tác quản lý thuế trực tiếp trên địa bàn, để thực hiện phân tích chuyên sâu đối với người nộp thuế thuộc danh sách giám sát trọng điểm.

Định kỳ hàng tháng cơ quan thuế các cấp thực hiện gửi kết quả xử lý người nộp thuế thuộc trường hợp giám sát trọng điểm đã được kiểm tra về Tổng cục Thuế qua việc nhập kết quả vào hệ thống hỗ trợ thanh tra, kiểm tra.

Người nộp thuế thuộc trường hợp giám sát trọng điểm đã được kiểm tra thuế đối với các nội dung giám sát trọng điểm và hoàn thành xử lý hồ sơ thuế theo quy định thì được đưa ra khỏi danh sách giám sát trọng điểm.

5. Cho phép việc giải trình trực tuyến

Theo quy định tại Quyết định 970, việc giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu có thể được thực hiện trực tiếp tại trụ sở cơ quan thuế hoặc theo phương thức làm việc trực tuyến, giao dịch điện tử hoặc gửi văn bản giải trình qua đường bưu điện. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thuộc đối tượng kiểm tra, đồng thời cũng giúp cơ quan thuế hạn chế những trường hợp người nộp thuế cố tình không phối hợp hoặc chây ì, kéo dài thời hạn giải trình.

6. Giới hạn số lần yêu cầu giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu

Quyết định 746 chỉ quy định việc cơ quan thuế yêu cầu giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu khi việc giải trình, bổ sung trước đó chưa đủ căn cứ chứng minh nội dung khai thuế là chính xác hoặc có những nội dung cần làm rõ thêm hoặc hết thời hạn thông báo trước đó nhưng người nộp thuế không giải trình, bổ sung. Trên thực tế, có những bộ hồ sơ bị yêu cầu giải trình, bổ sung thông tin rất nhiều lần, gây khó khăn, phiền hà rất nhiều cho đối tượng kiểm tra.

Vì vậy, tại Quyết định 970, Tổng cục Thuế quy định “Cơ quan thuế thông báo người nộp thuế giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu không quá 02 (hai) lần”.

Trường hợp người nộp thuế không giải trình, bổ sung thông tin theo cả 2 lần thông báo, cơ quan thuế sẽ xác minh địa điểm đăng ký kinh doanh của người nộp thuế, nếu vẫn hoạt động thì sẽ ấn định thuế nếu đủ căn cứ; trường hợp không đủ căn cứ thì sẽ đưa vào đối tượng để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo nguyên tắc quản lý rủi ro.

7. Làm rõ các trường hợp kiểm tra đột xuất tại trụ sở người nộp thuế

Theo Quyết định 970, trong những trường hợp dưới đây, cơ quan thuế được quyền kiểm tra đột xuất tại trụ sở của người nộp thuế mà không cần có kế hoạch trước:

  • Kiểm tra người nộp thuế theo đơn tố cáo;
  • Kiểm tra người nộp thuế theo chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan thuế hoặc theo chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan thuế cấp trên;
  • Kiểm tra theo đề nghị của người nộp thuế (chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, giải thể, chấm dứt hoạt động, cổ phần hóa, chấm dứt hiệu lực mã số thuế, chuyển địa điểm kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý);
  • Kiểm tra trước hoàn thuế;
  • Kiểm tra theo đề xuất sau khi kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế;
  • Các trường hợp kiểm tra đột xuất khác.

8. Người nộp thuế không nhận Quyết định kiểm tra hoặc không ký biên bản công bố Quyết định kiểm tra sẽ bị lập biên bản và xử phạt vi phạm

Theo Quyết định 746 quy định khi công bố Quyết định kiểm tra thì cơ quan thuế và người nộp thuế phải ký Biên bản xác định thời gian và nội dung công bố quyết định, chỉ trong Trường hợp người nộp thuế không chấp hành quyết định kiểm tra thuế hoặc từ chối, trì hoãn, trốn tránh việc cung cấp hồ sơ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Việc lập biên bản vi phạm hành chính khi người vi phạm, đại diện đơn vị vi phạm không có mặt hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của 2 người chứng kiến.

Trong khi đó Quyết định 970 tạo cơ chế để cơ quan thuế triển khai việc kiểm tra thuận lợi hơn. Cụ thể, trong Trường hợp người nộp thuế vẫn đang hoạt động kinh doanh bình thường vẫn thực hiện kê khai thuế, khi cơ quan thuế ban hành Quyết định kiểm tra nhưng người nộp thuế không nhận Quyết định kiểm tra, không ký biên bản công bố Quyết định kiểm tra hoặc cố tình trốn tránh không chấp hành Quyết định kiểm tra thì đoàn kiểm tra thực hiện lập biên bản vi phạm hành chính và trình cấp thẩm quyền ban hành Quyết định kiểm tra để xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp quản lý thuế (nếu có) và thực hiện các bước ấn định thuế theo quy định.

Biên bản vi phạm hành chính được lập, nếu người vi phạm, đại diện đơn vị vi phạm không có mặt hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã, phường nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận. Trường hợp không có sự xác nhận của chính quyền hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Theo đó, người nộp thuế cần lưu ý để tránh phải chịu thêm những trách nhiệm pháp lý và tài chính do việc không chấp hành hoặc trì hoãn chấp hành quyết định kiểm tra từ cơ quan thuế.

Trên đây là một số điểm mới đáng lưu ý trong quy trình kiểm tra thuế tại Quyết định 970 do Tổng cục Thuế ban hành. Có thể thấy, quy trình mới mang tính chặt chẽ hơn rất nhiều, đồng thời cũng xác định việc tuân theo hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo tính khách quan, chính xác.

Quyết định 970 có hiệu lực kể từ ngày ban hành và thay thế Quyết định 746, Quyết định số 1215/QĐ-TCT ngày 03 tháng 9 năm 2020; Nội dung cơ quan thuế lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan trước khi thực hiện xử lý vi phạm về thuế theo Quyết định số 2601/QĐ-TCT ngày 30 tháng 12 năm 2016.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi