DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI LUẬT CHỨNG KHOÁN 2019 QUA GÓC NHÌN CỦA LUẬT SƯ ATA – LUẬT SƯ CHUYÊN VỀ DOANH NGHIỆP VÀ CHỨNG KHOÁN

DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI LUẬT CHỨNG KHOÁN 2019 QUA GÓC NHÌN CỦA LUẬT SƯ ATA – LUẬT SƯ CHUYÊN VỀ DOANH NGHIỆP VÀ CHỨNG KHOÁN

2024-09-26 09:15:30 150

Thị trường chứng khoán có thể được xem là một trong những công cụ đo lường “sức mạnh” của nền kinh tế một quốc gia, việc niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng là một trong những công cụ đánh giá “sức mạnh” của doanh nghiệp; và theo nghĩa này, “sức mạnh” của thị trường chứng khoán và của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán đóng vai trò “đầu tàu” dẫn dắt cả nền kinh tế. Chính vì vậy, khi thị trường chứng khoán không ổn định hoặc xảy ra sự cố, những thiệt hại kinh tế - xã hội đem đến cho đất nước là vô cùng to lớn.

        Với việc vừa qua xảy ra rất nhiều những vụ việc mang tính chấn động trên thị trường, gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, tạo tâm lý hoang mang, lo lắng cho các nhà đầu tư, các nhà làm luật và các chuyên gia đều nhìn thấy những lỗ hổng của quy định pháp luật cần phải sửa đổi, bổ sung, lấp đầy để phần nào hạn chế những vụ việc và những thiệt hại tương tự trong tương lai. Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ về dự án sửa đổi Luật Chứng khoán theo hướng quản lý chặt chẽ hơn và tăng cường ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán.

Một cách khách quan, ATA Legal Services đánh giá rằng những nội dung Dự thảo đề cương Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán (“Dự thảo”) đã thực hiện đúng mục tiêu “tăng cường quản lý và tăng cường ngăn ngừa vi phạm”. Tuy nhiên, ở phía ngược lại, chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang gặp nhiều khó khăn, Dự thảo đang có rất nhiều nội dung bất cập, chưa phù hợp hoặc chưa rõ ràng, nếu không làm rõ hoặc điều chỉnh, có thể sẽ tạo sức ép và lực cản cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Trong chuyên đề lần này, ATA Legal Services sẽ có những phân tích, đánh giá về những tác động của các nội dung dự kiến được sửa đổi tại Dự thảo đến thị trường chứng khoán của Việt Nam và các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thời gian tới. Bài viết này của chúng tôi đưa ra những ý kiến đánh giá mang tính khách quan với mục tiêu góp ý để xây dựng luật vừa đảm bảo chặt chẽ trong quản lý nhà nước mà vẫn phù hợp với nền kinh tế thị trường, thuận lợi cho quá trình áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.

I. Những điểm mới và tác động của những điểm mới tại Dự thảo đến thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp.

1.1 Việc dự thảo bổ sung các quy định làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân liên quan và cả cơ quan quản lý Nhà nước đối với các hồ sơ, tài liệu báo cáo là hoàn toàn cần thiết và phù hợp.

   Tại Dự thảo, các nhà làm luật dự kiến sẽ bổ sung thêm điều khoản về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo trên thị trường chứng khoán như sau:

Bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ hoặc tham gia vào quá trình lập hồ sơ, tài liệu báo cáo phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác, trung thực và đầy đủ của hồ sơ, tài liệu báo cáo; cụ thể quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận hồ sơ, tổ chức tư vấn hồ sơ, tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên được chấp thuận, doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá, tổ chức bảo lãnh phát hành, các tổ chức, cá nhân ký xác nhận,.. liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.”

     Theo đánh giá của ATA, việc bổ sung quy định trên là cần thiết và phù hợp bởi các lý do sau đây:

  • Hiện nay, các quy định của Luật Chứng khoán đang quy định khá chung chung theo hướng “chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực và đầy đủ của hồ sơ”. Tuy nhiên, Luật chưa dự liệu được và chưa “chốt chặn” được vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình xem xét, phê duyệt hồ sơ, báo cáo để hạn chế tối đa những hành vi vi phạm mang tính hệ thống;
  • Luật Chứng khoán đang “bỏ qua” khá nhiều đối tượng có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình chuẩn bị, lập, xem xét và phê duyệt hồ sơ, báo cáo như đơn vị thẩm định giá, thẩm định viên về giá, đơn vị bảo lãnh phát hành.
  • Quy định về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ khá mờ nhạt và rất chung chung. Cụ thể, tại Điều 9 Khoản 3 Luật Chứng khoán quy định: “ Cán bộ, công chức, viên chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm trung thực, bảo mật thông tin, tuân thủ quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Quy định này chỉ mang tính nguyên tắc, không rõ ràng và chỉ mới đề cập tới các Cán bộ, công chức, viên chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bỏ sót các đối tượng là các cơ quan, tổ chức khác như các Sở Giao dịch Chứng khoán và các đơn vị trực thuộc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Tuy nhiên, chúng tôi hi vọng rằng, các quy định bổ sung trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ không kèm theo việc phát sinh thêm các thủ tục hoặc yêu cầu bổ sung hồ sơ, tài liệu một cách không cần thiết, làm tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính nhà nước.

1.2 Những tác động 2 chiều khi siết chặt điều kiện làm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi bổ sung các điều kiện mà các tổ chức, cá nhân phải đáp ứng để được coi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Cụ thể, đối với công ty có vốn điều lệ đã góp trên 100 tỷ đồng, bổ sung điều kiện phải có thời gian hoạt động tối thiểu 02 năm; đối với cá nhân, bao gồm: (i) phải tham gia đầu tư chứng khoán trong thời gian tối thiểu 02 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 04 quý gần nhất; (ii) có thu nhập tối thiểu 01 tỷ đồng/ năm trong 02 năm gần nhất.

Luật Chứng khoán 2019 quy định điều kiện làm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo hướng tập trung vào điều kiện về năng lực tài chính, mà chưa xét đến các yếu tố về hoạt động trên thị trường chứng khoán. Về bản chất, nếu nhà đầu tư chỉ có “tiền” mà không thực sự có sự hiểu biết đầy đủ về chứng khoán, về thị trường cũng như không hoạt động thường xuyên thì không đảm bảo tính “chuyên nghiệp”. Vì vậy, việc Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi bổ sung điều kiện áp dụng với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (gồm cả tổ chức và cá nhân) là hợp lý; qua đó góp phần nâng cao năng lực và chất lượng của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, xét các điều kiện bổ sung về tần suất giao dịch tối thiểu và thu nhập tối thiểu, theo chúng tôi là chưa thực sự phù hợp, gây khó khăn, phiền hà cho nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân, cụ thể:

  • Việc Dự thảo yêu cầu tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 4 quý gần nhất là không cần thiết bởi với thị trường chứng khoán, không phải thời điểm nào cũng là thời điểm vàng và thuận lợi cho giao dịch. Hoặc khi nhà đầu tư xác định một khoản đầu tư theo hình thức đầu tư giá trị, không phải là đầu cơ hoặc đầu tư theo sóng thị trường thì nhà đầu tư có thể dồn vốn để thực hiện giao dịch lớn cũng như duy trì khoản đầu tư trong dài hạn. Do vậy, việc yêu cầu giao dịch phải thường xuyên, liên tục là không cần thiết.
  • Bên cạnh đó, các nhà làm luật đang quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp phải có thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm trong 2 năm gần nhất. Theo tôi, quy định này là quá khắt khe và không thực sự phù hợp với thị trường chứng khoán. Bản chất, một nhà đầu tư có giá trị tài khoản cao chưa chắc đã là một nhà đầu tư đạt được lợi nhuận tốt. Điều này xuất phát từ thực tiễn: (i) Có những giai đoạn thị trường không thuận lợi, việc cắt lỗ sớm, không để lỗ nhiều đã là một thành công. Trong những giai đoạn đó, việc đòi hỏi nhà đầu tư phải có lợi nhuận liên tục trong 2 năm gần nhất là không phù hợp; (ii) Như đã trình bày ở trên, có những trường hợp, nhà đầu tư xác định chiến lược đầu tư giá trị và gắn bó lâu dài với một/ một số mã chứng khoán, tổ chức phát hành. Khi đó sẽ không thể xác định được lợi nhuận của nhà đầu tư đạt được nếu chưa đủ thời hạn kỳ vọng;

Theo ý kiến của chúng tôi, để quy định này phù hợp hơn với thực tiễn, các nhà làm luật cần xem xét bỏ yêu cầu về tần suất giao dịch và quy định căn cứ xác định mức thu nhập tối thiểu theo 2 hướng: 1- là thu nhập thực tế (tức là mức thu nhập phát sinh sau khi bán chứng khoán trên tài khoản); và 2 – là thu nhập ước tính (do chênh lệch giá mua vào và giá trị hiện tại của tài khoản).

1.3 Thêm nhiều điều kiện siết chặt hoạt động chào bán và giao dịch trái phiếu

1.3.1 Dự thảo bổ sung điều kiện để chào bán trái phiếu ra công chúng.

    Cụ thể, doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh ngân hàng theo quy định (ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 và có đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định của Chính phủ).

Xét về mặt tích cực, quy định này giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp (đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính có nhiều biến động) và cũng là biện pháp nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu (theo hướng doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc thận trọng năng lực tài chính/khả năng trả nợ trước khi thực hiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp), từ đó sẽ hạn chế các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành trái phiếu như những vụ việc đáng tiếc vừa qua.

     Tuy nhiên ở hướng ngược lại, quy định này mang tính siết chặt và hạn chế khả năng huy động vốn của doanh nghiệp thông qua phương thức phát hành trái phiếu. Về mặt nguyên tắc, pháp luật cho phép doanh nghiệp được quyền phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm. Thông thường, khi phát hành trái phiếu loại này, doanh nghiệp phát hành sẽ phải đưa ra một mức lãi suất và các quyền lợi cao hơn so với loại trái phiếu có tài sản bảo đảm. Những loại trái phiếu này rất phù hợp với những doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc những doanh nghiệp huy động vốn để thực hiện dự án. Các nhà đầu tư khi chấp nhận mua loại trái phiếu này đồng thời sẽ phải đánh giá và chấp nhận những rủi ro kinh tế có thể xảy ra khi doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại hoặc dự án của doanh nghiệp không thành công như mong đợi. Bản thân tôi cho rằng, các nhà đầu tư trái phiếu cũng như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng khoán khác trên thị trường đều phải ý thức rõ ràng và đánh giá được những rủi ro đó, đồng thời chấp thuận đó như một quy luật của thị trường. Nhưng trên thực tế, không ít nhà đầu tư, kể cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp vẫn mong muốn và sẵn sàng đầu tư vào những trái phiếu không có tài sản bảo đảm để hưởng lợi nhuận cao và chấp nhận rủi ro. Do đó, các nhà làm luật không nên vì muốn bảo vệ nhà đầu tư mà “ngăn sông cấm chợ” vì điều này là đang đi ngược lại với quy luật thị trường và nhu cầu của nhà đầu tư nói chung.

1.3.2 Dự thảo quy định chỉ có nhà đầu tư chuyên nghiệp là tổ chức được phép mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ.

Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không phân biệt là cá nhân hay tổ chức đều được quyền mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ. Tuy nhiên, Dự thảo hạn chế đối tượng nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân tham gia các giao dịch liên quan đến trái phiếu riêng lẻ.

Cũng giống như việc bổ sung các quy định về điều kiện đáp ứng làm nhà đầu tư chuyên nghiệp, quy định này cũng nhằm tăng cường sự quản lý nhà nước cũng như hạn chế tối đa những rủi ro có thể phát sinh từ việc phát hành trái phiếu riêng lẻ, đặc biệt là hạn chế những hậu quả tiêu cực mang tính hệ thống hoặc trên diện rộng khi các nhà đầu tư cá nhân tham gia mua/ bán trái phiếu này.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, quy định này chưa thực sự phù hợp và không cần thiết bởi pháp luật đã và đang hạn chế quyền của các nhà đầu tư cá nhân đối với trái phiếu rồi. Theo đó, chỉ có nhà đầu tư chuyên nghiệp – tức là những người có nguồn vốn, tổng tài sản giá trị cao và có kinh nghiệm, năng lực đầu tư mới được phép tham gia mua bán, chuyển nhượng trái phiếu. Như vậy, với việc kiểm soát và tăng cường điều kiện xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân, chúng tôi cho rằng, cơ quan quản lý cũng đã “thanh lọc” và “giảm thiểu” được những nguy cơ về rủi ro hệ thống như đã nêu.

  Ở đây, chúng ta cần xác định rằng trái phiếu về bản chất là một phương thức huy động vốn của doanh nghiệp cũng là một công cụ thích hợp để huy động vốn rộng rãi. Do vậy, ở góc độ doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nội dung đề xuất của Dự Thảo sẽ khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi muốn tiếp cận với nguồn vốn trái phiếu, qua đó hạn chế khả năng huy động vốn của doanh nghiệp. Việc này cũng ảnh hưởng đến việc lưu thông nguồn vốn; dẫn đến việc “nguồn vốn nhàn rỗi" bị “chảy” sang các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ hoặc bất động sản… Vô hình chung, điều này lại khiến cho giá trị của những loại hình đầu tư này sẽ ngày càng tăng cao, trong khi bản chất đây là một dạng đầu tư mang tính đầu cơ, tích trữ, không chỉ không trực tiếp khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế mà còn rất dễ tạo ra những hiện tượng “bong bóng thị trường” tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho nền kinh tế của đất nước.

1.4 Tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu riêng lẻ đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp tương tự như nhà đầu tư chiến lược

  Dự thảo đề xuất tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (trường hợp chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng) từ 01 năm lên thành 03 năm để tương đương với nhà đầu tư chiến lược. Điều này được hiểu là các nhà làm luật đang yêu cầu nâng cao tính cam kết gắn bó và gắn trách nhiệm của các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải ngang bằng, tương đương như đang áp dụng đối với nhà đầu tư chiến lược tại công ty đại chúng.

  Đối với nội dung đề xuất nêu trên tại Dự thảo, theo ý kiến của chúng tôi, quy định này thực sự không phù hợp.

  Thứ nhất, về bản chất, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và nhà đầu tư chiến lược khi đầu tư vào công ty đại chúng sẽ có những tư duy và mục tiêu hoàn toàn khác biệt. Cụ thể, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp – xuất phát từ bản chất “chuyên nghiệp”, việc mua cổ phiếu của những nhà đầu tư này chỉ nhằm hoặc chủ yếu nhằm mục tiêu cao nhất là lợi nhuận. Do đó, tuỳ vào tình hình thị trường hoặc tình hình hoạt động của công ty đại chúng, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ quyết định việc tiếp tục nắm giữ hoặc bán cổ phiếu nhằm thu hồi vốn và/hoặc gặt hái lợi nhuận. Trong khi đó, mục tiêu của nhà đầu tư chiến lược khi góp vốn/ mua cổ phần tại một công ty đại chúng, ngoài vấn đề đạt lợi nhuận (thường là mục tiêu lâu dài) thì họ quan tâm nhiều đến vấn đề nắm giữ vị trí quản trị, điều hành hoặc hợp tác triển khai các chương trình theo chiến lược, định hướng phát triển của nhà đầu tư với công ty đại chúng trong ngành nghề, lĩnh vực hoặc trong phạm vi địa phương từng thời kỳ. Vì vậy, các nhà đầu tư chiến lược khi mua cổ phần thường sẽ được những ưu đãi nhất định với điều kiện phải gắn bó lâu dài và phải tham gia hoặc có những đóng góp nhất định đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc quản trị, điều hành của công ty đại chúng.

Như vậy, việc yêu cầu nâng cao tính cam kết gắn bó và trách nhiệm của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp như trên là không thực sự phù hợp về bản chất.

     Thứ hai, quy định này mâu thuẫn đối với chính nội dung quy định về điều kiện để được xét duyệt tư cách nhà đầu chuyên nghiệp tại Dự thảo. Cụ thể, Dự thảo bổ sung các tiêu chí để nhà đầu tư được xem là chuyên nghiệp, đó là phải có “tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 4 quý gần nhất” và “phải có thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm trong 2 năm gần nhất”. Như vậy, các nhà làm luật yêu cầu nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ phải thường xuyên giao dịch, mua bán chứng khoán trên tài khoản mà còn phải đạt được mức thu nhập cao từ các giao dịch trên tài khoản của mình. Trong khi đó, khi mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ, các nhà đầu tư sẽ không được giao dịch và phải chờ đợi trong 3 năm mới được bán số lượng cổ phiếu này.

Theo chúng tôi, quy định này thực sự sẽ gây tâm lý “e ngại” cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi mua chứng khoán được chào bán riêng lẻ của công ty đại chúng.

II. Đề xuất bổ sung thêm nội dung tại Dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán

      Theo đánh giá của chúng tôi, tại Dự thảo lần này, các nhà làm luật hướng đến việc tăng cường quản lý thị trường chứng khoán và góp phần hạn chế ngăn chặn các hành vi tiêu cực trên thị trường chứng khoán (từ thực tiễn các hành vi vi phạm bị xử lý thời gian qua). Tính phù hợp và cần thiết của các quy định tại Dự thảo, chúng tôi đã phân tích ở phần trên.

       Ngoài ra, trong quá trình tư vấn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (“Doanh nghiệp FDI”), chúng tôi nhận thấy một thực trạng là hiện nay chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp Doanh nghiệp FDI có nhu cầu và/hoặc đủ điều kiện trở thành công ty đại chúng và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Trong khi đó, rất nhiều Doanh nghiệp FDI từng bày tỏ nguyện vọng và đề nghị ATA tư vấn khi gặp vướng mắc trong quá trình “đại chúng hoá” và đăng ký hồ sơ niêm yết chứng khoán của mình. Cụ thể, vướng mắc của các doanh nghiệp này chủ yếu ở việc giấy chứng nhận đầu tư của Doanh nghiệp FDI đang ghi nhận tên của tất cả các nhà đầu tư tham gia góp vốn vào dự án và thành lập Doanh nghiệp FDI. Các quy định hiện nay về đầu tư và các cơ quan quản lý về đầu tư đều cho rằng, khi nhà đầu tư tham gia góp vốn chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn trong dự án/ Doanh nghiệp FDI sẽ đều phải được coi là thay đổi nhà đầu tư và phải tiến hành thủ tục thay đổi Giấy chứng nhận đầu tư. Hiện nay, pháp luật đầu tư và pháp luật chứng khoán đều chưa có quy định cơ chế giảm bớt hoặc huỷ bỏ thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư khi thay đổi nhà đầu tư/ cổ đông đối với những trường hợp Doanh nghiệp FDI là công ty đại chúng, công ty niêm yết là Doanh nghiệp FDI.

      Xuất phát từ thực tiễn trên, chúng tôi đề xuất các nhà làm luật xem xét và bổ sung cơ chế điều chỉnh vấn đề này để tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn vốn cho Doanh nghiệp FDI, từ đó góp phần tạo ra một nguồn động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế nói chung.

Tóm lại, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã thể hiện nỗ lực của các nhà làm luật nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế hiện nay của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nếu xét trên khía cạnh về thị trường, đứng ở góc độ nhà đầu tư chứng khoán và doanh nghiệp phát hành chứng khoán, việc điều chỉnh còn nhiều nội dung chưa thực sự phù hợp và cần thiết. Chuyên đề được thực hiện bởi đội ngũ Luật sư, chuyên gia của ATA với nhiều năm kinh nghiệm làm việc và tư vấn về doanh nghiệp, chứng khoán hi vọng sẽ góp những tiếng nói có giá trị với các nhà làm luật trong quá trình hoàn thiện Dự thảo trước khi trình Quốc hội ban hành chính thức Luật sửa đổi Luật Chứng khoán.

 

 

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi