Ngày 29/11/2024, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (“Luật số 57”) với nhiều điểm thay đổi đáng chú ý nhằm tạo ra các cơ chế thông thoáng hơn cho hoạt động đầu tư, góp phần huy động tốt hơn các nguồn lực vào việc xây dựng và phát triển đất nước.
PHẦN THỨ HAI: CƠ CHẾ ĐẶC THÙ VỀ THANH TOÁN DỰ ÁN BT TRONG LUẬT PPP VÀ CƠ CHẾ ĐẶC THÙ VỀ LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ TRONG LUẬT ĐẤU THẦU
1. Sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (“Luật PPP”): cơ chế đặc thù về hình thức thanh toán trong hợp đồng/dự án BT (Xây dựng – Chuyển giao)
Trước đây, việc đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (“BT”) được quy định và hướng dẫn tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Tuy nhiên, với việc dự án BT chủ yếu thực hiện bằng hình thức “đổi đất lấy công trình” nên rất nhiều vấn đề tiêu cực phát sinh. Vì vậy, Luật PPP năm 2020 đã bãi bỏ hình thức BT, dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT kể từ ngày 01/01/2021.
Đến nay, Luật số 57 quy định lại về hình thức BT và bổ sung các quy định điều chỉnh theo hướng chặt chẽ hơn để giảm thiểu các tiêu cực có thể phát sinh từ hình thức này.
- Cơ chế đặc thù trong thanh toán của Hợp đồng BT
Trước đây, Nghị định 63/2018/NĐ-CP quy định việc thanh toán trong hợp đồng BT chỉ được thực hiện bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ để thực hiện dự án khác. Luật số 57 sửa đổi theo hướng quy định ba hình thức thanh toán hợp đồng BT gồm:
a. Thanh toán bằng quỹ đất (được thu hồi hoặc do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý để thực hiện dự án đối ứng); trong đó, giá đất dự kiến của quỹ đất thanh toán dự án BT được tính căn cứ bảng giá đất tại thời điểm lập dự án, lập hồ sơ mời thầu; việc thanh toán được thực hiện theo cơ chế bù trừ chênh lệch giữa giá trị công trình BT và giá trị quỹ đất thanh toán.
Đối với hình thức thanh toán này, giá đất để tính giá trị đất thanh toán dự án BT được tính tại thời điểm lập dự án/lập hồ sơ mời thầu mà không phải tại thời điểm công trình hoàn thành; với quy định này, nhà đầu tư buộc phải có phương án đẩy nhanh hoặc thực hiện đúng tiến độ dự án. Đồng thời, nhà nước chỉ thanh toán theo cơ chế bù trừ chênh lệch chứ không thanh toán hoàn toàn bằng giá trị quỹ đất như trước đây.
b. Thanh toán bằng ngân sách nhà nước từ nguồn vốn đầu tư công hoặc từ nguồn ngân sách nhà nước thu được sau đấu giá quỹ đất, tài sản công.
Đối với hình thức này, giá trị công trình dự án BT gồm tổng mức đầu tư xây dựng công trình được xác định theo quy định của pháp luật về xây dựng và các chi phí khác sau giai đoạn xây dựng, trong đó có lãi vay sau giai đoạn xây dựng, lợi nhuận hợp lý của nhà đầu tư.
c. Không yêu cầu thanh toán.
Với hình thức này, nhà đầu tư hoàn toàn không yêu cầu yếu tố hoàn trả từ phía nhà nước. Đây là một cơ chế rất đặc thù, không có trong bất kỳ hình thức đầu tư nào. Những dự án BT không yêu cầu thanh toán sẽ được áp dụng đối với trường hợp nhà đầu tư chủ động đề xuất dự án để cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, không phải trải qua thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và không phải thực hiện nội dung liên quan đến triển khai thực hiện hợp đồng dự án theo quy định tại Luật số 57.
- Mở rộng lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP và thẩm quyền quyết định chủ trương dự án đầu tư theo phương thức PPP
Luật PPP quy định việc đầu tư theo phương thức PPP chỉ được thực hiện trong một số lĩnh vực có sự tác động nhiều đến xã hội, người dân và doanh nghiệp (như giao thông vận tải, điện, y tế, giáo dục...) và trong các dự án có tổng mức đầu tư lớn (không thấp hơn 100 tỷ đồng đối với dự án y tế, giáo dục và không thấp hơn 200 tỷ đồng đối với dự án giao thông vận tải, lưới điện…).
Trong khi đó, Luật số 57 mở rộng lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP theo hướng không giới hạn lĩnh vực cụ thể và chỉ giới hạn đối với các dự án sau:
- Dự án thuộc trường hợp độc quyền nhà nước; và
- Dự án thuộc ngành, lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội theo quy định.
Ngoài ra, Luật số 57 bổ sung nhóm dự án không thuộc trường hợp phải quyết định chủ trương đầu tư.
Cụ thể, những dự án thuộc trường hợp không phải quyết định chủ trương đầu tư là những dự án không sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hoặc không yêu cầu nhà nước hoàn trả vốn đã đầu tư cho doanh nghiệp, gồm:
- Dự án PPP có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B, nhóm C không sử dụng vốn nhà nước;
- Dự án PPP áp dụng loại hợp đồng O&M; và
- Dự án PPP áp dụng loại hợp đồng BT không yêu cầu thanh toán.
Về mặt thẩm quyền, Luật số 57 cũng điều chỉnh một số quy định liên quan đến thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và mở rộng thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP cho chủ thể mới ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Những điều chỉnh này, theo đánh giá của ATA sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia triển khai các dự án có ý nghĩa ”chia sẻ trách nhiệm” với Nhà nước, mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội.
- Quản lý chặt chẽ việc thực hiện hợp đồng/dự án PPP nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư
- Nhà đầu tư được chi trả chi phí trong trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nếu hợp đồng dự án xác định thuộc trách nhiệm chi trả của cơ quan ký kết hợp đồng.
Luật số 57 bổ sung quy định cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được chi trả chi phí trong trường hợp hợp đồng PPP chấm dứt trước thời hạn nếu:
- Việc chấm dứt trước hạn thuộc trường hợp (+) dự án bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng mà các bên đã thực hiện các biện pháp khắc phục nhưng không bảo đảm việc tiếp tục thực hiện hợp đồng dự án PPP hoặc (+) vì lợi ích quốc gia; bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước (+) trường hợp khác do hoàn cảnh thay đổi cơ bản; và Hợp đồng dự án xác định thuộc trách nhiệm chi trả của cơ quan ký kết hợp đồng.
- Việc chấm dứt do cơ quan nhà nước vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ tại hợp đồng PPP.
Để quản lý chi phí bồi thường, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, Luật số 57 yêu cầu khoản chi phí được phải được kiểm toán nhà nước kiểm toán làm cơ sở chi trả cho nhà đầu tư, doanh nghiệp PPP.
- Điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP
So với mức tối đa 50% trước đây, Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP để hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP và chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công hình tạm có thể được nâng lên mức tối đa 70% sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư của dự án nếu đáp ứng một, một số hoặc các điều kiện sau đây:
a. Dự án có chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư và hỗ trợ xây dựng công hình tạm vượt quá 50% sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư;
b. Dự án thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và cần sử dụng vốn nhà nước cao hơn mức quy định để bảo đảm tính khả thi về tài chính của dự án;
c. Dự án có yêu cầu tiếp nhận chuyển giao công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến từ nhà đầu tư tư nhân và cần sử dụng vốn nhà nước cao hơn mức quy định để bảo đảm tính khả thi về tài chính của dự án.
Theo đó, việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP cũng hướng đến việc thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới.
- Linh hoạt nguồn vốn để thực hiện cơ chế chia sẻ giảm doanh thu
Luật số 57 quy định cơ quan có thẩm quyền của dự án xác định nguồn vốn khả thi để chi trả phần giảm doanh thu, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định tương ứng đối với từng nguồn vốn; thứ tự ưu tiên các nguồn vốn như sau:
- Dự phòng ngân sách trung ương và dự phòng ngân sách địa phương hằng năm cho chi đầu tư phát triển.
- Nguồn tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách trung ương, nguồn tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách địa phương dành cho chi đầu tư phát triển.
- Dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương và dự phòng chung nguồn ngân sách địa phương của kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Chi phí xử lý cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu quy định tại khoản này phải được quy định tại hợp đồng dự án.
2. Sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu: cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt
- Cho phép các doanh nghiệp trong cùng một tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước được tham dự gói thầu của nhau
a. Các công ty trong tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước được tham dự gói thầu của nhau nếu sản phẩm, dịch vụ thuộc gói thầu đó thuộc ngành, nghề sản xuất, kinh doanh chính của tập đoàn, tổng công ty.
b. Đối với gói thầu hỗn hợp mà tập đoàn kinh tế nhà nước hoặc công ty mẹ, công ty con, công ty thành viên trong tập đoàn kinh tế nhà nước làm chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu tham dự thầu và nhà thầu tư vấn lập, thẩm tra thiết kế kỹ thuật tổng thể, báo cáo nghiên cứu khả thi (trường hợp không lập thiết kế kỹ thuật tổng thể), báo cáo kinh tế kỹ thuật (trường hợp không lập báo cáo nghiên cứu khả thi, không lập thiết kế kỹ thuật tổng thể theo quy định của pháp luật về xây dựng) không được có cổ phần hoặc phần vốn góp của nhau, không cùng có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 30% của một tổ chức, cá nhân khác với từng bên.
- Linh hoạt hơn các trường hợp được chỉ định thầu
Luật số 57 mở rộng phạm vi các trường hợp được chỉ định thầu, cụ thể:
+ Gói thầu thuộc dự toán mua sắm không hình thành dự án có giá gói thầu không quá 300 triệu đồng (trước đây từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng);
+ Gói thầu thuộc dự án có giá gói thầu không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp; Gói thầu lập nhiệm vụ quy hoạch có giá gói thầu không quá 500 triệu đồng (trước đây quy định này chỉ áp dụng với gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công).
- Cơ chế đặc thù: Lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt và đấu thầu trước
Luật số 57 đề cập đến cơ chế đặc thù để lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, cụ thể, dự án có một hoặc một số yêu cầu, điều kiện đặc thù về thủ tục đầu tư; thủ tục giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển; thủ tục, phương pháp, tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư và nội dung hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh hoặc yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, biên giới lãnh thổ, lợi ích quốc gia, thực hiện nhiệm vụ chính trị của quốc gia mà không thể áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định (gồm đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế). Nội dung chi tiết thực hiện cơ chế này sẽ phải chờ hướng dẫn từ Chính phủ.
Ngoài cơ chế đặc thù Lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, Luật số 57 cũng mở rộng phạm vi cho phép đấu thầu trước khi dự án được phê duyệt đầu tư. Trước đây, Luật PPP chỉ áp dụng đấu thầu trước đối với các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Đến nay, Luật số 57 mở rộng phạm vi áp dụng cho các dự án dưới đây:
+ Gói thầu mua sắm hàng hóa đã xác định rõ phạm vi cung cấp, yêu cầu kỹ thuật;
+ Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng, kỹ thuật, rà phá bom mìn, vật nổ, quy hoạch, tái định cư;
+ Gói thầu tư vấn quản lý dự án cho các phần công việc thực hiện sau khi dự án được phê duyệt, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, giám sát thi công;
+ Gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài có yêu cầu đấu thầu trước theo quy định ràng buộc của nhà tài trợ. Trường hợp nhà tài trợ không quy định thì các gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài có thể thực hiện đấu thầu trước theo quy định trên.
Đối với gói thầu đấu thầu trước, nhà thầu không phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu nhưng phải cam kết trong hồ sơ dự thầu về trách nhiệm tham dự thầu. Trường hợp dự án không được phê duyệt mà không thể bố trí nguồn vốn khác thì chủ đầu tư hủy thầu và không phải bồi hoàn chi phí liên quan đến việc tham dự thầu của nhà thầu.
Luật số 57 có hiệu lực kể từ ngày 15/01/2025, trừ trường hợp (+) việc thực hiện hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất và hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước (+) Danh mục quy hoạch, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có hiệu lực từ ngày 01/07/2025./.
Bình luận: