NGHỊ ĐỊNH 20/2025/NĐ-CP - QUẢN LÝ THUẾ VỚI DOANH NGHIỆP CÓ GIAO DỊCH LIÊN KẾT - DOANH NGHIỆP ĐƯỢC ÁP DỤNG QUY ĐỊNH MỚI THUẬN LỢI HƠN ĐỂ XÁC ĐỊNH “HỒI TỐ” CHI PHÍ LÃI VAY KHÔNG ĐƯỢC KHẤU TRỪ TRONG 04 NĂM TRƯỚC 2024

NGHỊ ĐỊNH 20/2025/NĐ-CP - QUẢN LÝ THUẾ VỚI DOANH NGHIỆP CÓ GIAO DỊCH LIÊN KẾT - DOANH NGHIỆP ĐƯỢC ÁP DỤNG QUY ĐỊNH MỚI THUẬN LỢI HƠN ĐỂ XÁC ĐỊNH “HỒI TỐ” CHI PHÍ LÃI VAY KHÔNG ĐƯỢC KHẤU TRỪ TRONG 04 NĂM TRƯỚC 2024

2025-02-15 09:49:38 862

Nghị định 20/2025/NĐ-CP (“Nghị định 20”) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ (“Nghị định 132”) tiếp tục điều chỉnh và cập nhật các quy định quan trọng về giao dịch liên kết giữa các doanh nghiệp và vấn đề quản lý thuế đối với các giao dịch này. Dưới đây ATA Legal Services đã cập nhật một số nội dung thay đổi đáng chú ý của Nghị định 20 như sau:

1. Thay đổi cơ sở xác định bên liên kết trong trường hợp bảo lãnh và cho vay giữa các doanh nghiệp

Nghị định 132 xác định bên liên kết trong trường hợp bảo lãnh, cho vay giữa các doanh nghiệp theo giá trị khoản vốn vay. Trong khi đó, Nghị định 20 xác định giao dịch liên kết trong trường hợp này theo tổng dư nợ của khoản vốn vay. Theo đó, nếu doanh nghiệp ký hợp đồng vay vốn ghi nhận giá trị khoản vay cao nhưng thực tế không giải ngân hết và tổng dư nợ của hợp đồng đó vẫn dưới ngưỡng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và đồng thời chiếm không quá 50% tổng dư nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay thì các doanh nghiệp trong giao dịch không bị tính là bên liên kết.

Quy định mới theo đánh giá của chúng tôi là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, sẽ có những giao dịch trước đó được xác định là giao dịch liên kết thì nay sẽ được đưa ra khỏi danh sách giao dịch liên kết, không thuộc đối tượng bị áp dụng ngưỡng tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp có các giao dịch này. Quy định này rất có lợi cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tăng chi phí được khấu trừ khi xác định thu nhập doanh nghiệp, từ đó gia tăng lợi nhuận.

2. Cho phép áp dụng Nghị định 20 để xác định “hồi tố” chi phí lãi vay không được khấu trừ trong các năm 2020, 2021, 2022 và 2023 và cho phép phân bổ chi phí lãi vay không được khấu trừ tại 04 kỳ tính thuế đó cho các kỳ tính thuế tiếp theo từ năm 2024.

Theo quy định, tổng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế) được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế.

Nghị định 20 quy định cho phép áp dụng hồi tố việc tính chi phí lãi vay được trừ trên cơ sở các giao dịch liên kết được xác định theo các nội dung sửa đổi, bổ sung tại Nghị định cho các năm trước đó – 2020, 2021, 2022, 2023. Theo đó, tổng chi phí lãi vay “thuộc diện được trừ nhưng chưa khấu trừ” trong các kỳ tính thuế của các năm được áp dụng hồi tố sẽ tăng lên.

Nghị định 20 cũng cho phép doanh nghiệp được phân bổ chi phí lãi vay không được khấu trừ tại các kỳ tính thuế trước năm 2024 nêu trên sang các kỳ tính thuế tiếp theo. Cụ thể, từ kỳ tính thuế năm 2024, tổng chi phí lãi vay “thuộc diện được trừ nhưng chưa khấu trừ” nêu trên sẽ được thực hiện như sau:

  1. Trường hợp doanh nghiệp không có quan hệ liên kết và không phát sinh giao dịch liên kết thì phần chi phí lãi vay không được trừ và chưa được chuyển sang các kỳ tính thuế tiếp theo tính đến cuối kỳ tính thuế năm 2023 được phân bổ đều chuyển sang các kỳ tính thuế tiếp theo cho thời gian còn lại (tối đa không quá 05 năm liên tục kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được khấu trừ);
  2. Trường hợp doanh nghiệp có quan hệ liên kết và giao dịch liên kết, chi phí lãi vay không được trừ trước đây sẽ tiếp tục được chuyển sang các kỳ tính thuế tiếp theo (không quá 05 năm liên tục kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được khấu trừ) nhưng chi phí lãi vay được trừ tối đa bằng 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi, lãi cho vay, cộng với chi phí khấu hao trong kỳ).

3. Bổ sung thêm các đối tượng được xác định là bên liên kết

3.1. Chi nhánh hạch toán độc lập là bên liên kết của doanh nghiệp

Nghị định 20 làm rõ các chi nhánh hạch toán độc lập thực hiện kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp khi giao dịch với doanh nghiệp sẽ vẫn xác định là giao dịch liên kết. Điều này là phù hợp bởi chi nhánh dù hạch toán độc lập nhưng vẫn là đơn vị phụ thuộc và chịu sự chi phối về mặt quản lý và điều hành của doanh nghiệp.

3.2. Bổ sung trường hợp xác định đối tượng liên kết của các tổ chức tín dụng

Nghị định 20 bổ sung thêm quy định mới xác định đối tượng liên kết của các tổ chức tín dụng là  “Công ty con, Công ty kiểm soát, Công ty liên kết của TCTD theo quy định tại Luật Các TCTD và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có)”.

Nghị định 20 có hiệu lực kể từ ngày 27/03/2025 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.

Bình luận:

Từ khóa:  Giao dịch liên kết

,