Ngày 08/10/2024, Chính phủ đã ban hành nghị định số 126/2024/NĐ-CP Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (“Nghị định 126”), trong đó có sửa đổi bổ sung một số điểm mới liên quan đến quy chế tổ chức, hoạt động và quản lý hoạt động của các Hội đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Trong bài viết ngày hôm nay, ATA Legal Service xin gửi tới quý bạn đọc một số nội dung đáng chú ý trong Nghị định 126.
1.Quy định về tổ chức và hoạt động của hội được cụ thể hóa
So với quy định tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP (“Nghị định 45”), Nghị định 126 đã bổ sung thêm nhiều điều kiện để được phép thành lập hội, cụ thể:
- Tên gọi của hội: phải đảm bảo (1)Viết bằng tiếng Việt hoặc phiên âm theo tiếng Việt, nếu không phiên âm ra được tiếng Việt thì dùng tiếng nước ngoài; (2) Phù hợp với tôn chỉ, mục đích, phạm vi, lĩnh vực hoạt động chính của hội; (3) Không trùng lặp toàn bộ tên gọi hoặc gây nhầm lẫn, bao trùm tên gọi với các hội khác đã được thành lập hợp pháp trước đó; (4) Không vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc.
- Có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội.
Việc bổ sung nội dung quy định này giúp đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo kinh phí. Điều kiện về tài sản của hội là yếu tố thiết yếu để duy trì tổ chức và hoạt động của hội.
2.Xác định rõ phân cấp các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các thủ tục về hội
Trước đây theo quy định tại Nghị định 45, chỉ có 2 cấp thẩm quyền chính để phê duyệt thủ tục thành lập và hoạt động của hội là (1) Bộ Nội vụ đối với hội có quy mô cả nước hoặc liên tỉnh; (2) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với hội hoạt động trong địa bàn tỉnh và có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với các hội hoạt động trong địa bàn các xã.
Tuy nhiên, Nghị định 126 đã thể hiện sự chuyên môn hóa, phân cấp thẩm quyền rõ ràng đối với từng cơ quan. Cụ thể;
- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều lệ đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc có đảng đoàn;
- Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho phép thành lập, tổ chức hoạt động đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác về thành lập, phê duyệt điều lệ hội;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội; cho phép thành lập, tổ chức hoạt động đối với hội hoạt động trong phạm vi tỉnh.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội; cho phép thành lập, tổ chức hoạt động đối với hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã.
3. Bổ sung quyền và nghĩa vụ của Hội
Nghị định 126 bổ sung thêm một số quyền và nghĩa vụ của Hội. Theo đó, có một số điểm mới đáng chú ý như sau:
a) Quyền của hội:
- Đối với các hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh thì được phép đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với nơi đặt trụ sở của hội và được phép thành lập văn phòng đại diện ở nước ngoài;
- Được nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ do Đảng và nhà nước giao.
- Hòa giải tranh chấp, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến hội.
b) Nghĩa vụ của hội:
- Không công nhận, vinh danh, suy tôn, phong tặng các danh hiệu trái quy định của pháp luật.
- Tập hợp, phát triển hội viên; tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của hội và thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động của hội.
- Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực hội hoạt động, điều lệ, quy chế, quy định của hội và bồi dưỡng, cập nhật kiến thức tới hội viên.
- Tuân thủ các quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ nước ngoài và các quy định pháp luật khác có liên quan; quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ, viện trợ và chịu trách nhiệm là chủ khoản viện trợ theo quy định của pháp luật.
- Báo cáo kết quả giải quyết tranh chấp, đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến hội với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Ban hành các quy chế về hoạt động của ban chấp hành, ban thường vụ, ban kiểm tra hội; quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội; khen thưởng, kỷ luật; quản lý hội viên; giải quyết kiến nghị, phản ánh, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến hội; quản lý và sử dụng con dấu của hội và các quy định khác phù hợp với quy định của pháp luật và điều lệ hội.
- Cập nhật tình hình tổ chức, hoạt động của hội vào cơ sở dữ liệu về hội và phối hợp xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu về hội.
- Thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
4.Thông tin về hội sẽ được kết nối với hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia
Để làm cơ sở triển khai, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu hội phù hợp với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, trong đó với quan điểm “ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân...”, theo quy định mới tại Nghị định 126, thông tin về hội sẽ được liên kết và cập nhật lên Cổng dịch vụ công của Bộ Nội vụ và các cơ sở dữ liệu của Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của Bộ Nội vụ; cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu của các cơ quan có thẩm quyền khác để hỗ trợ giải quyết thủ tục và phục vụ cho công tác quản lý hoạt động của các hội theo phân cấp.
Các thông tin về hội được chia sẻ lên cơ sở dữ liệu sẽ bao gồm các nội dung sau:
- Thông tin được xác lập khi ban vận động thành lập hội đề nghị thành lập hội;
- Bản sao hoặc bản điện tử được ký số hợp lệ của hồ sơ đề nghị thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ hoặc sửa đổi, bổ sung điều lệ hội;
- Một số thông tin về nhân sự ban chấp hành hội; ban thường vụ hội hoặc tên gọi khác; chủ tịch, phó chủ tịch hội; cơ cấu tổ chức, trụ sở, số điện thoại, nhiệm kỳ của hội;
- Các báo cáo định kỳ và đột xuất;
- Thông tin về tài sản, tài chính của hội;
- Các thông tin liên quan khác (nếu có);
Nghị định 126 có hiệu lực kể từ ngày 26/11/2024 ./.
Bình luận: