BỘ Y TẾ HƯỚNG DẪN NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG THỨC GHI THÀNH PHẦN DINH DƯỠNG, GIÁ TRỊ DINH DƯỠNG TRÊN NHÃN THỰC PHẨM BAO GÓI SẴN

BỘ Y TẾ HƯỚNG DẪN NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG THỨC GHI THÀNH PHẦN DINH DƯỠNG, GIÁ TRỊ DINH DƯỠNG TRÊN NHÃN THỰC PHẨM BAO GÓI SẴN

2024-01-12 17:36:32 856

Theo quy định tại Nghị định số 111/2021/NĐ-CP, nội dung, thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng của thực phẩm đã được quy định là một trong những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn thực phẩm. Mặc dù vậy, hiện các đơn vị vẫn đang thực hiện một cách tuỳ nghi, không tuân theo một hướng dẫn chính thức, cụ thể nào. Vừa qua, ngày 30/12/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 29/2023/TT-BYT (“Thông tư 29”) hướng dẫn nội dung, cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm và lộ trình thực hiện. Thông tư 29 có một số nội dung đáng chú ý sau:

1. Các thành phần dinh dưỡng bắt buộc phải ghi trên nhãn thực phẩm

  • Theo quy định tại Thông tư 29, trừ trường hợp giá trị dinh dưỡng của các thành phần nhỏ hơn mức quy định tại Phụ lục I, các thực phẩm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, lưu thông tại Việt Nam đều phải thực hiện ghi tối thiểu 05 thành phần dinh dưỡng sau đây:

(i) Năng lượng;

(ii) Chất đạm;

(iii) Carbohydrat;

(iv) Chất béo;

(v) Natri.

  • Nước giải khát, sữa chế biến cho thêm đường và thực phẩm cho thêm đường khác thì ngoài việc thực hiện ghi 05 thành phần dinh dưỡng nêu trên thì còn cần phải ghi thêm chỉ tiêu đường tổng số (là tổng lượng đường có trong thực phẩm (bao gồm cả đường tự nhiên và đường cho thêm vào trong thực phẩm).
  • Thực phẩm được chế biến dưới hình thức chiên rán thực hiện ghi 05 thành phần dinh dưỡng nêu trên và chất béo bão hoà.

2. Cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng đối với thực phẩm

  • Thông tin về giá trị dinh dưỡng được biểu thị tương ứng từng thành phần dinh dưỡng trong 100g hoặc 100ml thực phẩm hoặc trong một khẩu phần ăn đã được xác định hàm lượng trên nhãn hoặc theo mỗi phần đóng gói khi số phần trong bao gói đó được công bố:
  • Tổ chức, cá nhân có thể biểu thị thêm thông tin phần trăm (%) giá trị dinh dưỡng tham chiếu đối với các thành phần dinh dưỡng, trong đó giá trị tham chiếu do Bộ Y tế xác định dựa trên các nghiên cứu hoặc khuyến cáo hiện hành của các cơ quan, tổ chức quốc tế và quốc gia về dinh dưỡng, thực phẩm và y tế.

Tuy nhiên, đối với chỉ tiêu đường tổng số, hiện nay Bộ Y tế vẫn chưa có khuyến nghị về giá trị dinh dưỡng tham chiếu.

  • Giá trị dinh dưỡng của các thành phần dinh dưỡng phải được thể hiện đầy đủ bằng số, thể hiện ở vị trí có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định và bảo đảm chính xác, dễ hiểu, không gây ra cách hiểu sai lệch, nhầm lẫn.
  • Thông tin thành phần, giá trị dinh dưỡng phải bảo đảm không tẩy xoá được

3. Lộ trình thực hiện quy định về ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm

  • Chậm nhất đến ngày 31/12/2025, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm để lưu thông tại Việt Nam thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 29 phải thực hiện việc ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng theo quy định.
  • Thực phẩm có nhãn chưa ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng theo quy định đã được sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, lưu thông tại Việt Nam trước ngày 01/01/2026 thì được tiếp tục lưu thông, sử dụng cho đến hết hạn sử dụng ghi trên nhãn thực phẩm đó.

4. Những trường hợp không bắt buộc phải ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm theo hướng dẫn của Bộ Y tế:

4.1. Những trường hợp không thuộc đối tượng điều chỉnh (không phải ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn sản phẩm):

  • Nguyên liệu, thực phẩm không bán trực tiếp cho người tiêu dùng, bao gồm cả đá thực phẩm;
  • Thực phẩm có một thành phần nguyên liệu duy nhất;
  • Nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai (bao gồm cả loại chỉ bổ sung CO2 và/hoặc hương liệu);
  • Muối thực phẩm, muối tinh;
  • Giấm ăn và các chất thay thế cho giấm bao gồm cả loại chỉ bổ sung hương liệu;
  • Hương liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm;
  • Men (enzym) thực phẩm;
  • Chè, cà phê không chứa thành phần bổ sung khác trừ phẩm màu, hương liệu;
  • Thực phẩm bảo vệ sức khỏe;
  • Đồ uống có cồn;
  • Thực phẩm thuộc trường hợp không phải tuân thủ quy định về nhãn hàng hoá (Hàng hóa là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng; Hàng hóa là nguyên liệu (nông sản, thủy sản, khoáng sản) không có bao bì và được bán trực tiếp cho người tiêu dùng).
  • Thực phẩm sản xuất bởi cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ do cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình thực hiện đăng ký hộ kinh doanh và cơ sở không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;

4.2. Những trường hợp thuộc đối tượng điều chỉnh nhưng không bắt buộc phải ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn sản phẩm:

Thực phẩm thuộc đối tượng điều chỉnh nhưng không chứa thành phần dinh dưỡng hoặc có chứa thành phần dinh dưỡng nhưng giá trị dinh dưỡng của thành phần đó nhỏ hơn giá trị quy định tại Phụ lục I Thông tư 29 thì không bắt buộc phải ghi thành phần dinh dưỡng đó trên nhãn thực phẩm.

Thông tư 29 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2024.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi