CÁC KHOẢN VAY ĐỂ ĐẢO NỢ HOẶC VAY BÙ ĐẮP ĐỀU KHÔNG ĐƯỢC HỖ TRỢ LÃI SUẤT THEO NGHỊ ĐỊNH 31/2022/NĐ-CP

CÁC KHOẢN VAY ĐỂ ĐẢO NỢ HOẶC VAY BÙ ĐẮP ĐỀU KHÔNG ĐƯỢC HỖ TRỢ LÃI SUẤT THEO NGHỊ ĐỊNH 31/2022/NĐ-CP

2022-07-15 10:40:45 580

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP (“Nghị định 31”) về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng có Thông tư số 03/2022/TT-NHNN (“Thông tư 03”) gửi tới các ngân hàng thương mại thực hiện Nghị định 31. Nghị định 31 và Thông tư 03 chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/05/2022.

Để hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong việc triển khai các quy định liên quan đến hỗ trợ lãi suất, ngày 05/07/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Công văn số 4593/NHNN-TD (“Công văn 4593”) giải đáp, hướng dẫn thực hiện Nghị định 31 và Thông tư 03. Nội dung hướng dẫn tại Công văn 4593 được diễn đạt dưới dạng câu hỏi tình huống và giải đáp chi tiết, rõ ràng. Theo đó, Công văn 4593 giải đáp 22 tình huống liên quan đến phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc, điều kiện, thời hạn, phương thức hỗ trợ lãi suất; thực hiện dự toán, quyết toán, thu hồi số tiền đã hỗ trợ lãi suất; quản lý hạn mức hỗ trợ lãi suất.

Tại bản tin lần này, Công ty Luật ATA chỉ nêu ra một số vấn đề đáng lưu ý tại Công văn 4593 dưới đây:

1. Khách hàng vay để trả nợ cho khoản vay đã được ngân hàng khác tài trợ và khoản vay bù đắp vốn tự có, vốn vay bên thứ ba để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc phương án, dự án kinh doanh sẽ không thuộc trường hợp được hỗ trợ lãi suất.

2. Điều kiện để Thỏa thuận cho vay được xem xét hỗ trợ lãi suất:

  • Phải là văn bản thỏa thuận giữa Tổ chức tín dụng và khách hàng;
  • Có đầy đủ các nội dung tối thiểu theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (số tiền cho vay, hạn mức cho vay; mục đích sử dụng vốn vay; đồng tiền cho vay; phương thức cho vay; thời hạn cho vay; lãi suất cho vay; việc trả nợ gốc, lãi, thứ tự thu hồi nợ gốc, lãi; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; chuyển nợ quá hạn…)

Theo đó, với các trường hợp khách hàng và ngân hàng ký hợp đồng/thỏa thuận hạn mức khung và sau đó ký thêm các hợp đồng tín dụng từng lần hoặc các khế ước nhận nợ, các hợp đồng, khế ước này sẽ chỉ được coi là thỏa thuận cho vay nếu đáp ứng các điều kiện trên.

3. Trong trường hợp có nhiều thỏa thuận cho vay liên quan đến một khoản vay, thời điểm ký kết văn bản nào có đủ nội dung tối thiểu theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN sẽ được xác định là thời điểm ký kết thỏa thuận cho vay. Trường hợp văn bản ký trước kết hợp văn bản ký sau mới có đầy đủ nội dung tối thiểu nêu trên thì hai văn bản được xác định là một thỏa thuận cho vay và thời điểm ký kết thỏa thuận cho vay là thời điểm ký kết văn bản thứ hai.

4. Trường hợp khách hàng đã trả lãi sau ngày Nghị định 31 có hiệu lực (20/5/2022) nhưng chưa hoàn tất thủ tục đề nghị, chấp thuận hỗ trợ lãi suất thì không được hoàn trả tiền hỗ trợ lãi suất cho kỳ trả lãi đó.

5. Thứ tự ưu tiên hỗ trợ lãi suất:

  • Theo thời gian ký kết thoả thuận cho vay đáp ứng điều kiện nêu tại Mục 2 ở trên;
  • Theo thời điểm thu lãi đến trước;

Những nội dung chi tiết khác, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ Công ty Luật ATA để nhận bản Công văn 4593 đầy đủ.

Bình luận:

Từ khóa: 

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi