CÁC QUY ĐỊNH ĐẶC THÙ KHI ĐẤU THẦU LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ CÔNG TRÌNH DỊCH VỤ CHUYÊN NGÀNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

CÁC QUY ĐỊNH ĐẶC THÙ KHI ĐẤU THẦU LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ CÔNG TRÌNH DỊCH VỤ CHUYÊN NGÀNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

2023-03-17 14:29:31 780

Ngày 07/03/2023, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 01/2023/TT-BGTVT hướng dẫn quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ tại các dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý, gồm công trình Trạm dừng nghỉ và các công trình phụ trợ khác trên đường bộ phục vụ giao thông và hành lang an toàn đường bộ (“Thông tư 01”).

ATA Legal Services xin tổng hợp, trình bày những điểm đáng chú ý, những quy định mang tính chất đặc thù mà nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý khi có dự định đấu thầu các dự án này, như sau:

1. Cho phép đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ mà đất dự định xây dựng công trình dịch vụ đó đã hoàn thành giải phóng mặt bằng

Theo Nghị định 25/2020/NĐ-CP, một trong những điều kiện để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án xây dựng công trình dịch vụ là “dự án không đủ điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai[1]. Theo đó, có thể hiểu rằng, đất dự kiến sử dụng cho xây dựng công trình dịch vụ thuộc diện tổ chức đấu thầu phải là đất chưa được giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, Thông tư 01 quy định theo hướng mở hơn, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của dự án xây dựng công trình dịch vụ có thể được thực hiện trong cả 2 trường hợp đất dự định xây công trình đã hoàn thành và chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

2. Quy định xử lý chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng trong đấu thầu dự án mà đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng

Quy định mới nêu trên của Thông tư 01 đã đặt ra vấn đề xử lý như thế nào đối với chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng mà Nhà nước đã chi trả, khi đấu thầu dự án mà đất đã được giải phóng mặt bằng?. Để giải quyết vấn đề này, Thông tư 01 quy định: Nhà đầu tư trúng thầu có trách nhiệm hoàn trả lại chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng cho Nhà nước theo thỏa thuận trong hợp đồng và Nhà đầu tư được Ủy ban nhân dân có thẩm quyền khấu trừ phần chênh lệch giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án được phê duyệt vào các nghĩa vụ của Nhà đầu tư đối với Ngân sách nhà nước theo hồ sơ mời thầu và quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng, trường hợp giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được Ủy ban nhân dân có thẩm quyền phê duyệt thấp hơn giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do nhà đầu tư đề xuất trong hồ sơ đề xuất (M2) thì phần chênh lệch sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước; trường hợp cao hơn giá trị (M2) thì nhà đầu tư phải bù phần thiếu hụt, giá trị phần thiếu hụt được tính vào vốn đầu tư của dự án

3. Quy định mới liên quan đến việc chấp thuận nhà đầu tư trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm

Nghị định 25/2020/NĐ-CP cho phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư ngay, trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm. Tuy nhiên, Thông tư 01 quy định mang tính đặc thù và theo quan điểm của ATA Legal Services là chặt chẽ hơn, cụ thể:

  1. Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét gia hạn thời hạn đăng ký thực hiện dự án. Việc gia hạn và thời gian gia hạn được cân nhắc để đủ thời gian cần thiết cho các nhà đầu tư tiềm năng khác có cơ hội tiếp cận thông tin và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án.
  2. Trường hợp sau khi việc gia hạn được thực hiện mà vẫn chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức lập và phê duyệt hồ sơ yêu cầu chấp thuận nhà đầu tư. Nhà đầu tư có trách nhiệm, một lần nữa chứng minh năng lực, và kinh nghiệm thông qua việc chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất chấp thuận nhà đầu tư theo các nội dung của hồ sơ yêu cầu chấp thuận nhà đầu tư. Sau khi cơ quan nhà nước đánh giá hồ sơ đề xuất chấp thuận nhà đầu tư đạt yêu cầu, nhà đầu tư mới được chấp thuận làm nhà đầu tư của dự án.

4. Các quy định đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, công bằng, và hiệu quả trong hoạt động đấu thầu

Việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư chỉ được thực hiện thông qua một trong hai hình thức gồm đấu thầu rộng rãi trong nướcđấu thầu rộng rãi quốc tế. Luật Đấu thầu cho phép áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu. Tuy nhiên, với quy định của Thông tư 01, có thể thấy rằng, các công trình dịch vụ phục vụ trong hoạt động giao thông, không có yêu cầu cao về kỹ thuật, hoặc kỹ thuật đặc thù, nên rất nhiều nhà đầu tư có thể triển khai dự án mà không gặp quá nhiều khó khăn.

Trong hồ sơ đề xuất, đối với dự án chưa giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư phải có phương án phối hợp với Cơ quan quản lý đường bộ để làm việc với Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và hoàn tất các thủ tục về đất đai theo quy định của pháp luật.

Thông tư 01 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/05/2023.

[1] Khoản 5 Điều 11 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

Bình luận:

Từ khóa: 

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi