CÁCH TRA CỨU THÔNG TIN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

CÁCH TRA CỨU THÔNG TIN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

2022-12-23 17:42:14 586

Theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2019, quyền sở hữu công nghiệp (“Quyền SHCN”) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với 07 đối tượng như sau:

  • Sáng chế: giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
  • Kiểu dáng công nghiệp: hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.
  • Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn: cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn.
  • Nhãn hiệu: dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
  • Tên thương mại: tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
  • Chỉ dẫn địa lý: dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
  • Bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh, trong đó, bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.

Việc đăng ký bảo hộ quyền SHCN là không bắt buộc, tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp, việc bảo hộ quyền SHCN đối với các đối tượng SHCN mà mình sở hữu sẽ mang đến rất nhiều lợi ích. Một trong các lợi ích dễ thấy nhất của việc được bảo hộ quyền SHCN đó là đặc quyền sử dụng đối với đối tượng SHCN. Những đối tượng SHCN thường là những sản phẩm mang tính sáng tạo và khả năng tạo ra lợi nhuận cao. Vì vậy, nắm giữ quyền SHCN đối với các sản phẩm của mình sẽ tạo ra cho các doanh nghiệp những lợi thế cạnh tranh nhất định trên thị trường.

Bên cạnh những lợi ích từ đăng ký bảo hộ quyền SHCN, các doanh nghiệp còn có thể nâng cao hiệu hiệu quả kinh doanh của mình thông qua việc nắm bắt thông tin SHCN.

Thông tin SHCN là thông tin đã được công bố trong tài liệu sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Đó là các thông tin liên quan đến tình trạng kỹ thuật, pháp lý và kinh doanh về các đối tượng quyền SHCN, nó cũng bao gồm thông tin người nộp đơn, tác giả, ngày nộp đơn, ngày ưu tiên.

Với những thông tin này, các doanh nghiệp có thể xác định rõ khả năng được bảo hộ của từng đối tượng cụ thể, tránh được nguy cơ xâm phạm quyền SHCN của người khác, biết được thông tin về các hoạt động sáng tạo và định hướng kinh doanh của các doanh nghiệp liên quan trên thị trường, từ đó đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp, ví dụ như ký kết hợp đồng li-xăng, đầu tư hoặc hợp tác với các doanh nghiệp có tiềm năng,…

Để tiếp cận với các thông tin SHCN, ngày 30/11/2022, Cục sở hữu trí tuệ (“Cục SHTT”) đã ban hành Công văn số 10839/SHTT-TTTT hướng dẫn việc tra cứu thông tin về SHCN, cụ thể thông qua các kênh sau đây:

- Công báo SHCN của Cục SHTT: công báo SHCN là một văn bản được Cục SHTT phát hành vào khoảng ngày 25 hàng tháng. Đây là một tập hợp những đơn đăng ký SHCN đã được chấp nhận là đơn hợp lệ và các văn bằng bảo hộ SHCN đã được Cục SHTT cấp. Công báo gồm hai tập là tập A và tập B, trong đó, tập A gồm các đơn đăng ký SHCN; tập B gồm các Bằng độc quyền SHCN. Có thể tra cứu theo Công báo hằng tháng hoặc sử dụng Công cụ tra cứu Công báo;

- Công cụ Wipopublish: công cụ tra cứu hiện đại do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) hỗ trợ xây dựng cho Việt Nam. Công cụ này hỗ trợ người dùng tra cứu thông tin theo từng nhóm đối tượng SHCN bao gồm kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, nhãn hiệu. Người dùng có thể nhập từ khóa vào một trong các trường có sẵn, ví dụ như số đơn, chủ đơn, ngày nộp đơn, tên nhãn hiệu/ sáng chế/ kiểu dáng công nghiệp, hệ thống sẽ cung cấp tất cả các kết quả có liên quan. Hướng dẫn tra cứu bằng Wipopublish tại đây.

- Thông tin về Danh sách đơn và văn bằng bảo hộ SHCN đã công bố, Toàn văn Bản mô tả của Bằng độc quyền sáng chế và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích công bố hằng tháng (từ tháng 07/2018) tại đây.

- Các cơ sở dữ liệu về SHCN của WIPO và ASEAN như sau:

  • Công cụ tra cứu sáng chế toàn cầu của WIPO có dữ liệu của Việt Nam: Công cụ này cung cấp thông tin của 108 triệu văn bằng sáng chế, trong đó bao gồm cả các đơn đăng ký sáng chế quốc tế đã được công bố dựa trên cơ sở dữ liệu của WIPO và các cơ sở dữ liệu liên kết.
  • Công cụ tra cứu nhãn hiệu toàn cầu của WIPO có dữ liệu của Việt Nam: Công cụ cung cấp thông tin về đơn đăng ký nhãn hiệu, tên gọi xuất xứ, tên gọi không độc quyền quốc tế dựa trên cơ sở dữ liệu cua WIPO và các cơ sở dữ liệu liên kết.
  • Công cụ tra cứu nhãn hiệu của ASEAN có dữ liệu của Việt Nam: Công cụ cung cấp thông tin về đăng ký nhãn hiệu được bảo hộ ở các nước ASEAN (trừ Myanmar).
  • Công cụ tra cứu Kiểu dáng công nghiệp của ASEAN có dữ liệu của Việt Nam: Công cụ cung cấp thông tin về đăng ký kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ ở các nước ASEAN (trừ Myanmar).

Bình luận:

Từ khóa: 

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi