CÁN BỘ QUẢN LÝ, GIÁO VIÊN, NHÂN VIÊN MẦM NON VÀ TIỂU HỌC NGOÀI CÔNG LẬP BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI COVID-19 ĐƯỢC HỖ TRỢ TỪ 2,2 ĐẾN 3,7 TRIỆU ĐỒNG

CÁN BỘ QUẢN LÝ, GIÁO VIÊN, NHÂN VIÊN MẦM NON VÀ TIỂU HỌC NGOÀI CÔNG LẬP BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI COVID-19 ĐƯỢC HỖ TRỢ TỪ 2,2 ĐẾN 3,7 TRIỆU ĐỒNG

2022-08-19 17:09:08 529

Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với ngành Giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học ngoài công lập, ngày 11/8/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP (“Nghị quyết 103”) về chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Nghị quyết 103 quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ như sau:

Đối tượng được nhận hỗ trợ

Các đối tượng được nhận hỗ trợ: Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, được cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định, phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19. Đây là nhóm đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết 68.

Cơ sở giáo dục ngoài công lập gồm:

(1) Cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình tư thục, dân lập;

(2) Cơ sở giáo dục tiểu học tư thục; và

(3) Trường mẫu giáo, mầm non SOS, trường tiểu học Hermann Gmeiner trong hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam.

Các đối tượng không được nhận hỗ trợ:

  1. Đối tượng đã được hưởng chính sách đối với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo quy định tại khoản 4, 5, 6 Mục II Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết 126/NQ-CP (gọi chung là Nghị quyết 68) – là những đối tượng đã ký HĐLĐ, đang tham gia BHXH bắt buộc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập, không thuộc phạm vi quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết 68;
  2. Đối tượng tự nguyện không tham gia;
  3. Đối tượng đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách (chỉ được hỗ trợ theo chính sách cao nhất).

Điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ

Các đối tượng được nhận hỗ trợ nêu trên được hưởng chính sách khi bảo đảm 4 điều kiện sau:

  1. Là người đang làm việc trước khi cơ sở phải tạm dừng hoạt động tính từ 01/5/2021 đến hết 31/12/2021;
  2. Nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên trong giai đoạn tính từ 01/5/2021 đến hết 31/12/2021;
  3. Chưa được hưởng chính sách hỗ trợ đối với người lao động đã ký Hợp đồng lao động nhưng tạm hoãn hoặc nghỉ việc không hưởng lương theo quy định tại khoản 4, 5, 6 Mục II Nghị quyết 68 do không tham gia BHXH bắt buộc;
  4. Có xác nhận làm việc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập (bao gồm cơ sở giáo dục ngoài công lập đã làm việc trước đây hoặc cơ sở giáo dục ngoài công lập khác trong trường hợp cơ sở giáo dục ngoài công lập trước đây làm việc không hoạt động trở lại) ít nhất hết năm học 2021 – 2022.

Mức hỗ trợ và thời hạn thực hiện hỗ trợ

Mức hỗ trợ: Việc hỗ trợ được thực hiện 01 lần với các mức như sau:

Đối tượng

Mức hỗ trợ

Người chưa được hưởng chính sách hỗ trợ của địa phương

3.700.000 đồng/người

Người đã được hưởng chính sách hỗ trợ của địa phương

2.200.000 đồng/người

Theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết 68, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù được hỗ trợ mức 1.500.000 đồng/người. Do đó, tại Nghị quyết này, người đã được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 chỉ được hưởng mức 2.200.000 đồng/người.Đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa được hưởng chính sách trên sẽ được hỗ trợ với tổng số tiền là 3.700.000 đồng/người.

Thời hạn thực hiện hỗ trợ: hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.

Công tác triển khai việc hỗ trợ:

Cơ quan chủ trì triển khai: UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Nguồn ngân sách hỗ trợ:

  • Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương trên 60% tự bảo đảm kinh phí thực hiện.
  • Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương còn lại theo nguyên tắc:

+ 80% mức thực chi đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên.

+ 60% mức thực chi đối với các tỉnh chưa tự cân đối ngân sách còn lại (ngoài các tỉnh miền núi, Tây Nguyên).

+ 40% mức thực chi đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương còn lại.

  • Ngân sách các tỉnh, thành phố được trích từ: 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương.

Nghị quyết 103 có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Bình luận:

Từ khóa: 

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi