CHỈ ÁP DỤNG PHƯƠNG ÁN KHAI THÁC TẬN THU ĐỐI VỚI NHỮNG LÔ, MỎ DẦU KHÍ KHI ĐÁP ỨNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN AN TOÀN VÀ HIỆU QUẢ

CHỈ ÁP DỤNG PHƯƠNG ÁN KHAI THÁC TẬN THU ĐỐI VỚI NHỮNG LÔ, MỎ DẦU KHÍ KHI ĐÁP ỨNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN AN TOÀN VÀ HIỆU QUẢ

2023-07-07 20:27:19 1077

Ngày 01/7/2023, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 45/2023/NĐ-CP (“Nghị định 45”) quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí 2022. Ngoài những nội dung hướng dẫn chi tiết về quy trình lựa chọn nhà thầu để ký kết hợp đồng dầu khí, Nghị định 45 hướng dẫn những vấn đề được các nhà đầu tư rất quan tâm như: tiêu chí xác định lô dầu khí thuộc diện được ưu đãi đầu tư và các nguyên tắc áp dụng phương án khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí.

1. Đưa ra tiêu chí xác định các lô dầu khí được ưu đãi đầu tư

Luật Dầu khí năm 2022 đưa ra các tiêu chí để các lô, mỏ dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư (mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 32%, thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 10% và mức thu hồi chi phí tối đa 70% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm) và chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt (mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%, thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 5% và mức thu hồi chi phí tối đa 80% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm).

Nghị định 45 làm rõ tiêu chí xác định đối với một số trường hợp lô, mỏ dầu khí nằm trong diện ưu đãi đó là:

- Lô dầu khí tại vùng nước sâu, xa bờ, khu vực có điều kiện địa lý đặc biệt khó khăn, địa chất phức tạp được xác định là các lô có:

(i) Điểm nông nhất của lô dầu khí sâu từ 150 m trở lên;

(ii) Điểm gần bờ nhất của lô dầu khí cách bờ từ 150 km trở lên.

- Mỏ dầu khí cận biên là mỏ dầu khí có tỷ suất hoàn vốn nội tại cho toàn đời dự án tiệm cận dưới 10% tính theo USD và nhỏ hơn chi phí sử dụng vốn bình quân.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam các trách nhiệm xây dựng danh mục các lô, mỏ dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt, trình Bộ Công Thương để lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

2. Khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí

Theo Luật Dầu khí 2022, đối với những mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí tiếp nhận lại từ nhà thầu khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn, Tập đoàn Dầu khí sẽ xem xét, báo cáo Bộ Công thương thẩm định và trình Thủ tướng xem xét các phương án xử lý như không tiếp tục khai thác; tiếp tục khai thác nhưng điều chỉnh điều kiện kinh tế, kỹ thuật phù hợp; hoặc giao Tập đoàn Dầu khí khai thác tận thu.

Nghị định 45 hướng dẫn chi tiết về các nguyên tắc, nội dung của cơ chế khai thác tận thu, cụ thể là:

a. Việc khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí được thực hiện theo cơ chế điều hành khai thác phù hợp với đặc thù của từng mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí.

b. Hoạt động dầu khí đối với mỏ, cụm mô, lô dầu khí khai thác tận thu phải đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ chi phí, trên cơ sở định mức kinh tế, kỹ thuật được phép.

c. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trực tiếp quản lý, điều hành khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí; được lựa chọn và chỉ định đơn vị vận hành đủ năng lực tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm trong hoạt động dầu khí, đảm bảo tận thu nguồn tài nguyên dầu khí hiệu quả.

d. Hoạt động khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí chấm dứt khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

- Dự báo doanh thu không đủ để thanh toán các chi phí;

- Tình hạng công trình, thiết bị của mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí không bảo đảm an toàn;

- Các trường hợp bất khả kháng dẫn đến không thể tiếp tục hoạt động khai thác dầu khí.

Nghị định 45/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2023; thay thế Nghị định 95/2015/NĐ-CP và Nghị định 33/2013/NĐ-CP .

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi