CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÁC TRƯỜNG ĐÀO TẠO TRONG LĨNH VỰC PHÁP LÝ TẠI VIỆT NAM

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÁC TRƯỜNG ĐÀO TẠO TRONG LĨNH VỰC PHÁP LÝ TẠI VIỆT NAM

2022-10-07 16:37:32 519

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo chuyên sâu về luật pháp tại Việt Nam, ngày 30/9/2022, Thủ tướng Chính phủ lần lượt ban hành Quyết định số 1155/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” (“Quyết định 1155”) và Quyết định số 1156/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” (“Quyết định 1156”).

1. Đề án xây dựng Học viên tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp pháp theo Quyết định 1155

Theo Quyết định 1155, Học viện Tư pháp được xác định là trung tâm lớn về đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu.

Với định hướng đến năm 2030, Học viện tư pháp thực sự trở thành trung tâm lớn, có uy tín trong đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế ở Việt Nam và có vị trí trong khu vực, Đề án đã đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về việc đào tạo, bồi dưỡng trong các lĩnh vực, nghề nghiệp sau:

  • Về đào tạo: Đào tạo nghề luật sư; nghề công chứng; thẩm phán, kiểm sát viên; nghiệp vụ thi hành án dân sự, nghề đấu giá; nghề thừa phát lại.
  • Về bồi dưỡng: Bồi dưỡng luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, nghiệp vụ thi hành án cho kế toán nghiệp vụ thi hành án, công chức tư pháp – hộ tich; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức/chức danh nghề nghiệp viên chức; và các kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ khác theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, Đề án cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể về việc xây dựng chương trình đào tạo, số hóa, hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp và cán bộ làm công tác pháp luật và hợp tác quốc tế như:

  • Xây dựng 05 chương trình đào tại mới; 16 chương trình bồi dưỡng mới; Phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu lên 105 giảng viên, nâng tổng số giảng viên đã từng có chức danh tư pháp đạt khoảng 25% so với tổng số giảng viên cơ hữu vào năm 2030.
  • Hoàn thiện, nâng cao chất lượng học liệu đào tạo đáp ứng nhu cầu học trực tiếp, trực tuyến thông qua việc số hóa các bàn giàng; giáo trình, hồ sơ tình huống của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng (đến năm 2030 số hóa được 70% bài giảng và 100% giáo trình, hồ sơ tình huống của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng); Áp dụng phương pháp giảng dạy – học tiên tiến, hiện đại, gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin.
  • Tiếp tục củng cố các mối quan hệ hợp tác quốc tế sẵn có, chủ động kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học của các nước trong và ngoài khu vực và các tổ chức

2. Đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật theo Quyết định 1156

Theo Quyết định 1156, Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh được xác định là các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật; trung tâm nghiên cứu và truyền bá pháp lý hàng đầu trong các cơ sở đào tạo pháp luật của Việt Nam, có vai trò dẫn dắt trong hệ thống các cơ sở đào tạo luật của cả nước, có uy tín trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Để thực hiện mục tiêu tổng quát nêu trên, Quyết định 1156 đã đưa ra các mục tiêu cụ cho từng giai đoạn (giai đoạn 1 từ 2022 – 2025 và giai đoạn 2 từ 2026 – 2030) liên quan đến:

  • Đào tạo: tăng quy mô sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh (giai đoạn 1 là 36.000 vàgiai đoạn 2 là 49.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh), đồng thời tăng số lượng và chất lượng giảng viên để đảm bảo tỷ lệ sinh viên/giảng viên từ 25/1 vào năm 2025 giảm về 20/1 vào năm 2030. Tiếp tục đào tạo trong các lĩnh vực pháp luật; phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo mới ở trình độ đại học, thạc sĩ; tiếp tục phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, đặc biệt phát triển đa dạng chương trình và mở rộng các hình thức đào tạo gồm đào tạo cơ bản, đào tạo nâng cao, đào tạo theo đơn đặt hàng của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp
  • Nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học (đội ngũ giáo sư, phó giáo sư và tiến sỹ đều tham gia và chủ trì các đề tài nghiên cứu khoa học), đồng thời phấn đấu tăng số lượng các bài báo, nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới (đến năm 2030 trung bình mỗi năm có ít nhất 200 bài).
  • Phổ biến, tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và phục vụ cộng đồng thông qua việc tăng số lượng vụ việc được tư vấn cho khách hàng ở lĩnh vực pháp luật (thông qua việc tư vấn của sinh viên, giảng viên); tổ chức các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
  • Nhân lực và tổ chức bộ máy: tăng cường số lượng giảng viên cơ hữu, đồng thời nâng cao trình độ giảng viên để đảm bảo 40 - 45% giảng viên có trình độ tiến sĩ, 25 - 30% giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư, ít nhất 50% giảng viên sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong giai đoạn 2026 – 2030; nâng cao trình độ ngoại ngữ của đội ngũ giảng viên; tăng cường trao đổi giảng viên với các cơ sở đào tạo luật ngoài nước.
  • Hợp tác trong nước và quốc tế: tích cực hợp tác với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, đến năm 2030 đạt 150 thỏa thuận với các cơ sở đào tạo nước ngoài; 85 - 100 thỏa thuận hợp tác trong nước. Ngoài việc hợp tác giảng dạy còn tổ chức các hoạt động thi tranh tụng quốc tế, tranh tụng bằng tiếng Anh để nâng cao năng lực ngoại ngữ và chuyên môn của giảng viên, sinh viên.
  • Cơ sở vật chất và công nghệ thông tin: tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất khang trang, hiện đại tại Cơ sở 2 của Trường Đại học Luật Hà Nội tại thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; nâng cấp, cải tạo, hiện đại hóa cơ sở vật chất tại trụ sở chính ở Thủ đô Hà Nội và Phân hiệu của Trường tại tỉnh Đắk Lắk. Tiếp tục triển khai dự án xây dựng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tại phường Long Phước, thành phố Thủ Đức; dự án tại phường 7, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng cơ sở đào tạo của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tại phường Cam Phúc Bắc, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, giảng dạy và học tập.

Bình luận:

Từ khóa: 

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi