Trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng toàn cầu và nhu cầu ngày càng tăng về các nguồn năng lượng tái tạo, phát triển điện mặt trời mái nhà đã trở thành một xu hướng quan trọng giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển điện mặt trời mái nhà, ngày 22/10/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP (“Nghị định 135”), quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời từ các hộ gia đình, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất. Nghị định này không chỉ góp phần tăng cường an ninh năng lượng quốc gia mà còn thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trong bài viết này, ATA Legal Service sẽ giới thiệu đến quý độc giả những điểm mới nổi bật trong Nghị định 135, cũng như những tác động tích cực mà nó mang lại cho thị trường năng lượng Việt Nam.
1. Cần thông báo hoặc đăng ký công suất lắp đặt và địa điểm thực hiện với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tiến hành lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ
- Đối với điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không đấu nối với hệ thống điện quốc gia: Tổ chức, cá nhân khi lắp đặt cần phải thực hiện thông báo công suất lắp đặt và địa điểm thực hiện đến Sở Công Thương và đơn vị điện lực địa phương và thông báo tới cơ quan quản lý về xây dựng, phòng cháy chữa cháy địa phương để theo dõi và quản lý.
- Đối với Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia:
- Hệ thống có công suất lắp đặt dưới 100 kW: Gửi thông báo theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 135 đến Sở Công Thương và đơn vị điện lực địa phương; cơ quan quản lý về xây dựng, phòng cháy chữa cháy tại địa phương để quản lý, theo dõi, hướng dẫn thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Hệ thống có công suất lắp đặt từ 100 kW đến dưới 1.000 kW: (1) Thông báo theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 135 kèm hồ sơ thiết kế đến Sở Công Thương; đồng thời (2) gửi thông báo đến cơ quan quản lý về xây dựng, phòng cháy chữa cháy tại địa phương để quản lý, theo dõi, hướng dẫn thực hiện theo quy định của pháp luật; (3) Thông báo đến đơn vị điện lực địa phương để quản lý, theo dõi, điều độ vận hành an toàn hệ thống điện.
- Tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất lắp đặt từ 1.000 kW trở lên và bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia, thực hiện thủ tục về quy hoạch điện lực (trừ trường hợp thuộc quy mô công suất theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch được phân bổ tại địa phương) và đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được phép bán điện dư lên hệ thống điện quốc gia nếu không dùng hết
Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thuộc quy mô công suất theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch và hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia có công suất dưới 100 kW nếu không dùng hết được bán điện dư lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế. Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ thanh toán cho tổ chức, cá nhân phần sản lượng điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia bằng giá điện năng thị trường điện bình quân trong năm trước liền kề do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố.
Để thực hiện mua bán điện dư đối với điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ, tổ chức cá nhân phải gửi hồ sơ đề nghị bán điện để ký hợp đồng mua bán điện. Thời hạn bên mua điện dư ký hợp đồng là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, hồ sơ đề nghị bán điện của bên bán điện dư. Thời hạn của hợp đồng mua bán điện là 05 năm kể từ ngày điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được đưa vào khai thác, sử dụng.
Đối với điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ lắp đặt trên mái công trình xây dựng là công sở hoặc công trình được xác định là tài sản công không thực hiện mua bán sản lượng điện dư.
3. Quy định nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi khác đối với điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ
Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được hưởng nhiều ưu đãi:
- Tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực và không giới hạn công suất trong các trường hợp sau:
- Không đấu nối với hệ thống điện quốc gia;
- Lắp đặt hệ thống thiết bị chống phát ngược điện vào hệ thống điện quốc gia;
- Hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất dưới 100 kW.
- Được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật thuế hiện hành.
- Được rút gọn các thủ tục hành chính theo quy định pháp luật chuyên ngành hiện hành.
- Công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật.
- Hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được miễn hoặc không phải điều chỉnh giấy phép kinh doanh.
Một số lưu ý:
Đối với tổ chức, cá nhân đang thực hiện bán điện cho đơn vị điện lực tại các dự án đã lắp đặt, vận hành phát điện trước ngày 01/01/2021: không được đăng ký lắp đặt thêm điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ tại cùng địa điểm sử dụng điện.
Tổ chức, cá nhân đã phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 thực hiện như sau:
- Hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ, cơ quan công sở đã lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia gửi thông tin liên quan đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận phát triển để ghi nhận về quy mô, địa điểm.
- Tổ chức, cá nhân khác đã lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia gửi thông tin liên quan đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận phát triển để ghi nhận về quy mô, địa điểm và không được bán điện dư.
Các trường hợp bán điện dư phải thực hiện theo quy định tại Nghị định 135.
Nghị định 135 có hiệu lực kể từ ngày 22/10/2024./.
Bình luận: