CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG DÔI DƯ KHI CHUYỂN ĐỔI SỞ HỮU, SẮP XẾP LẠI CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN DO NHÀ NƯỚC NẮM GIỮ 100% VỐN ĐIỀU LỆ

CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG DÔI DƯ KHI CHUYỂN ĐỔI SỞ HỮU, SẮP XẾP LẠI CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN DO NHÀ NƯỚC NẮM GIỮ 100% VỐN ĐIỀU LỆ

2022-12-09 18:19:39 619

Ngày 29/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2022/NĐ-CP (“Nghị định 97”) về chính sách đối với người lao động dôi dư khi chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (“TNHH 1TV”) do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Nghị định 97 được ban hành thay thế cho Nghị định 63/2015/NĐ-CP (“Nghị định 63”) với các nội dung đáng lưu ý như sau:

1. Các hình thức chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại doanh nghiệp thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 97

  • Cổ phần hóa, bán toàn bộ doanh nghiệp.
  • Chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
  • Chuyển thành đơn vị sự nghiệp.
  • Sáp nhập, hợp nhất, chia, tách.
  • Giải thể, phá sản.

2. Đối tượng áp dụng

Người lao động (“NLĐ”) đang làm việc theo hợp đồng lao động (“HĐLĐ”), có tên trong danh sách lao động mà tại thời điểm sắp xếp lại, doanh nghiệp không bố trí được việc làm.

So với Nghị định 63, Nghị định 97 điều chỉnh từ "công ty đã tìm mọi biện pháp nhưng không bố trí được việc làm sang chỉ còn doanh nghiệp không bố trí được việc làm. Sự điều chỉnh này giúp doanh nghiệp không cần chứng minh việc mình đã dùng “mọi biện pháp” để bố trí việc làm cho NLĐ khi muốn tiến hành chấm dứt HĐLĐ với NLĐ dôi dư, điều mà trên thực tế khó để chứng minh.

3. Chính sách đối với NLĐ dôi dư được tuyển dụng lần cuối trước ngày 21/4/1998[1] hoặc trước ngày 26/4/2002[2]

  • NLĐ dôi dư có tuổi thấp hơn từ đủ 01 tuổi đến đủ 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu và có đủ 20 năm đóng Bảo hiểm xã hội (“BHXH”) bắt buộc trở lên: Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; hỗ trợ một khoản tiền bằng 0,4 mức lương tối thiểu tháng theo vùng tính bình quân cho mỗi năm làm việc có đóng BHXH.
  • NLĐ dôi dư có tuổi thấp hơn dưới 01 tuổi so với tuổi nghỉ hưu và có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên: Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi; hỗ trợ một khoản tiền bằng 0,2 mức lương tối thiểu tháng theo vùng tính bình quân cho mỗi năm làm việc có đóng BHXH.
  • NLĐ dôi dư đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu thời gian đóng BHXH bắt buộc tối đa 06 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu: được Nhà nước đóng một lần cho số tháng còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất để giải quyết chế độ hưu trí.
  • NLĐ dôi dư không đủ điều kiện hưởng những chế độ trên:

- Trợ cấp mất việc làm; hỗ trợ một khoản tiền bằng 0,05 mức lương tối thiểu tháng theo vùng tính bình quân cho mỗi năm làm việc tại doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại bằng hình thức cổ phần hóa, bán toàn bộ doanh nghiệp; chuyển thành công ty TNHH 2TV trở lên; chuyển thành đơn vị sự nghiệp; sáp nhập, hợp nhất, chia, tách.

- Trợ cấp thôi việc; hỗ trợ một khoản tiền bằng 0,2 tháng tiền lương cho mỗi năm làm việc tại doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản.

4. Những thay đổi đáng lưu ý đối với chính sách tại mục 3

  • Các khoản hỗ trợ được tính dựa trên mức lương cơ sở theo quy định của Nghị định 63 trước đây đã được sửa đổi sang tính dựa trên mức lương tối thiểu tháng theo vùng theo Nghị định 97.
  • Nghị định 97 loại bỏ tiêu chí xác định mức hỗ trợ theo thâm niên làm việc của NLĐ tại doanh nghiệp mà chỉ quy định một mức hỗ trợ duy nhất đối với NLĐ được hưởng chính sách tại mục 3.iv ở trên.

5. Chính sách đối với NLĐ dôi dư được tuyển dụng lần cuối cùng từ ngày 21/4/1998 hoặc từ ngày 26/4/2002 trở về sau

  • Trợ cấp mất việc làm đối với NLĐ dôi dư trong trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa, bán toàn bộ doanh nghiệp; chuyển thành công ty TNHH 2TV trở lên; chuyển thành đơn vị sự nghiệp; sáp nhập, hợp nhất, chia, tách.
  • Trợ cấp thôi việc đối với NLĐ dôi dư trong trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản.

6. Chính sách đối với người đại diện phần vốn của doanh nghiệp

Được hưởng một trong hai chính sách nêu trên tùy vào thời điểm người đó được tuyển dụng.

7. Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc và các khoản tiền hỗ trợ cho NLĐ dôi dư được hưởng chính sách tại mục 3.iv và mục 5 đề cập ở trên sẽ bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác để tính trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc ghi trong HĐLĐ. So với Nghị định 63 xác định dựa trên tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc thì quy định của Nghị định 97 có lợi hơn cho NLĐ.

8. Nguồn kinh phí thực hiện chính sách

Từ tiền bán cổ phần lần đầu, bán doanh nghiệp; các khoản thu giải thể, phá sản; ngân sách nhà nước.

Nghị định 97 còn đưa ra Quy trình xây dựng phương án sử dụng lao động tại Phụ lục I và các mẫu biểu liên quan tới việc xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao tại Phụ lục II.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/01/2023.

[1] 21/4/1998: Thời điểm Chỉ thị số 20/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước có hiệu lực thi hành.

[2] 26/4/2002: Thời điểm Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ về chính sách đối với lao động dôi dư khi sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước có hiệu lực thi hành.

Bình luận:

Từ khóa: 

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi