CỔ ĐÔNG CẦN LÀM GÌ ĐỂ TRIỆU TẬP HỌP ĐẠI HỘI CỔ ĐÔNG?

CỔ ĐÔNG CẦN LÀM GÌ ĐỂ TRIỆU TẬP HỌP ĐẠI HỘI CỔ ĐÔNG?

2022-06-10 15:32:11 852

Câu hỏi: Tôi đang là cổ đông nắm giữ 36% tổng vốn cổ phần của công ty A. Ngoài tôi, có 2 cổ đông nữa là B sở hữu 30% và C sở hữu 34% cổ phần Công ty A, trong đó C là Chủ tịch HĐQT. Do mâu thuẫn nên chúng tôi không thể thống nhất việc tổ chức ĐHĐCĐ và C nhất quyết không chịu triệu tập cuộc họp ĐHCĐ. Nếu tôi và cổ đông B muốn chủ động triệu tập họp ĐHCĐ mà không cần thông qua C thì có được không thưa luật sư?

Trả lời:

Cám ơn Anh/chị đã gửi câu hỏi đến công ty Luật TNHH Toàn Cầu ATA. Với câu hỏi của Anh/chị chúng tôi xin tư vấn như sau:

Trong nội dung câu hỏi mà anh/chị đưa ra, chúng tôi chưa rõ thông tin liệu đây là cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên hay một cuộc họp bất thường. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng, 02 cổ đông sở hữu trên 65% vốn điều lệ của Công ty A đều mong muốn triệu tập và tổ chức ĐHĐCĐ để thông qua các nội dung thuộc thẩm quyền nhưng gặp phải sự cản trở bởi 01 cổ đông đại diện cho 34% cổ phần trong công ty. Trên thực tế, việc này không hiếm gặp và có thể được giải quyết khá đơn giản nhưng cần đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật để không dẫn tới việc vô hiệu của các văn bản có liên quan.

Theo quy định tại Điều 140 Khoản 1 Luật Doanh nghiệp, HĐQT có nghĩa vụ phải triệu tập ĐHĐCĐ, trong đó, ĐHĐCĐ thường niên phải được triệu tập họp ít nhất 01 lần/năm và thời hạn tổ chức không quá 30/6 hàng năm. Đối với ĐHĐCĐ bất thường, HĐQT phải triệu tập trong các trường hợp theo quy định của Luật và Điều lệ Công ty, trong đó có trường hợp triệu tập theo yêu cầu của cổ đông/nhóm cổ đông hoặc theo yêu cầu của Ban Kiểm soát.

Với trường hợp này, nếu C – với tư cách Chủ tịch HĐQT không triệu tập cuộc họp HĐQT để thông qua việc tổ chức ĐHĐCĐ, các cổ đông còn lại có thể thực hiện quyền triệu tập họp ĐHĐCĐ mà không cần C phải trực tiếp thực hiện hoặc đồng ý theo trình tự, thủ tục như sau:

1. Cổ đông/nhóm cổ đông còn lại gửi văn bản yêu cầu triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 115 Luật Doanh nghiệp thì Cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phẩn phổ thông trở lên hoặc 01 tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ Công ty có quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong 01 số trường hợp (i) Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao; (ii) Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

Nếu đây là cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên và thời hạn tổ chức họp đã bị kéo dài so với quy định pháp luật hoặc khi Công ty phát sinh các vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ cần tổ chức cuộc họp để thông qua mà Chủ tịch HĐQT vì mục đích cá nhân lại phớt lờ không thực hiện nghĩa vụ của mình, theo quy định ở trên, anh/chị có thể tự mình hoặc cùng với cổ đông B ký văn bản yêu cầu HĐQT hoặc Ban Kiểm soát triệu tập ĐHĐCĐ. HĐQT có nghĩa vụ phải triệu tập trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh cho công ty nếu HĐQT không triệu tập họp.

Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày gửi yêu cầu mà HĐQT không tiến hành công việc liên quan, Ban Kiểm soát phải thay mặt HĐQT tiến hành triệu tập họp ĐHĐCĐ.

2. Cổ đông/nhóm cổ đông tự thực hiện nếu HĐQT và BKS không hoàn thành nghĩa vụ

Sau 30 ngày kể từ ngày phải triệu tập họp mà Ban Kiểm soát không thực hiện nghĩa vụ của mình, anh/chị có thể tự mình hoặc kết hợp với cổ đông B để tự mình triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ.

Trường hợp Điều lệ hoặc các văn bản nội bộ của công ty A có những quy định rõ hơn hoặc bổ sung thêm cho các nội dung trên (với điều kiện không trái quy định pháp luật nêu trên), cổ đông/nhóm cổ đông khi triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ cần tuân thủ đầy đủ những quy định của công ty A song song với những quy định pháp luật hiện hành.

Trên đây là những nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH Toàn cầu ATA. Nếu Quý Khách hàng còn bất gì điều gì băn khoăn, hãy liên hệ với Công ty chúng tôi qua số điện thoại, email hoặc trực tiếp tại Công ty để được hỗ trợ.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi