CƠ QUAN HẢI QUAN KHÔNG ĐƯỢC TỪ CHỐI CHỨNG TỪ CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ HÀNG HOÁ (C/O) VÌ LỖI KỸ THUẬT CỦA HỒ SƠ KÊ KHAI

CƠ QUAN HẢI QUAN KHÔNG ĐƯỢC TỪ CHỐI CHỨNG TỪ CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ HÀNG HOÁ (C/O) VÌ LỖI KỸ THUẬT CỦA HỒ SƠ KÊ KHAI

2023-07-14 20:03:16 1590

Ngày 31/5/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 33/2023/TT-BTC (“Thông tư 33”) về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Thông tư 33 và có nhiều nội dung đáng quan tâm đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá như sau:

1. Cho phép thông quan đối với hàng hoá nhập khẩu ngay cả khi chưa nộp chứng từ C/O và phải bổ sung trong vòng 1 năm sau khi thông quan

Trước đây, Thông tư 38/2018/TT-BTC quy định chung hàng hoá nhập khẩu thuộc trường hợp phải nộp chứng từ C/O sẽ không được thông quan nếu chưa có hoặc chưa nộp chứng từ C/O.

Tuy nhiên, Thông tư 33 cho phép việc thông qua mà chưa cần phải nộp ngay chứng từ C/O đối với “hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi thuế quan trong quan hệ thương mại với Việt Nam và hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi thuế quan trong quan hệ thương mại với Việt Nam. Việc bổ sung chứng từ sẽ được thực hiện trong thời hạn một (01) năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan (trường hợp hàng hoá có C/O áp dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, Việt Nam – Vương quốc Anh và Bắc Ai Len, việc bổ sung chứng từ C/O có thể kéo dài đến 02 năm.

Trong thời hạn chưa bổ sung chứng từ, hàng hoá nhập khẩu phải áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi hoặc thuế suất thông thường. Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số tiền thuế chênh lệch thì được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Sau khi nộp bổ sung chứng từ đúng hạn, hàng hóa nhập khẩu được áp mức thuế suất ưu đãi đặc biệt và cơ quan hải quan xử lý số tiền thuế nộp thừa theo quy định.

2. Cho phép bổ sung C/O đối với hàng hoá thay đổi mục đích sử dụng, thay đổi mã số hàng hoá, không còn là đối tượng ưu đãi đầu tư trong thời gian chưa nộp chứng từ C/O

Thông tư 33 cho phép người khai hải quan chưa nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì được nộp bổ sung để được xem xét áp dụng thuế suất thuế ưu đãi đặc biệt trong các trường hợp hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng; thay đổi mã số hàng hóa; chuyển từ thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư chuyển sang hàng hóa không thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư.

Theo đó, trường hợp hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng, thời điểm nộp bổ sung chứng từ C/O là thời điểm người khai hải quan làm thủ tục thay đổi mục đích sử dụng. Còn trong 2 trường hợp còn lại, thời điểm nộp bổ sung chứng từ C/O là 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan hải quan ban hành kết luận kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra hải quan hoặc khi người khai hải quan tự phát hiện hàng hóa nhập khẩu không thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư hoặc có sai sót về mã số hàng hóa so với thời điểm làm thủ tục nhập khẩu.

3. Cho phép hàng hoá vượt quá C/O được hưởng ưu đãi sau khi bổ sung hồ sơ

Thông tư 38/2018/TT-BTC quy định trường hợp số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thực tế hàng hóa nhập khẩu vượt quá số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng hàng hóa ghi trên C/O, cơ quan hải quan chỉ chấp nhận cho hưởng ưu đãi đối với số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng ghi trên C/O.

Thông tư 33 tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu khi cho phép phần hàng hoá vượt quá phần ghi trên C/O vẫn được hưởng ưu đãi khi việc vượt quá không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của C/O và doanh nghiệp nộp bổ sung chứng từ C/O phù hợp về thời hạn và số lượng.

4. Cho phép bảo lãnh thuế trong trường hợp chưa có C/O đối với hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan

Cơ chế bảo lãnh thuế đã được ghi nhận tại tại các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính năm 2015 và 2018. Tuy nhiên, Thông tư 38/2018/TT-BTC chưa áp dụng cơ chế này đối với hàng hoá nhập khẩu chưa cung cấp C/O tại thời điểm làm thủ tục hải quan hay trong thời gian chờ bổ sung chứng từ C/O.

Thông tư 33 bổ sung quy định cho phép hàng hóa nhập khẩu (trừ trường hợp nhập khẩu từ các nước bị cấm vận hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội, môi trường) được áp dụng luôn mức thuế suất ưu đãi đặc biệt, kể cả khi không xuất trình được C/O tại thời điểm làm thủ tục hải quan, nếu được tổ chức tín dụng bảo lãnh số tiền thuế chênh lệch. Việc bảo lãnh được thực hiện theo quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC.

5. Cơ quan hải quan không được từ chối chứng từ C/O vì lỗi kỹ thuật của hồ sơ kê khai

Tại Thông tư 38/2018/TT-BTC ghi nhận rất nhiều trường hợp cơ quan hải quan từ chối chứng từ C/O như: khi cơ quan hải quan có cơ sở xác định chứng từ đó không hợp lệ; khi người khai hải quan không khai số tham chiếu, ngày cấp chứng từ trong hồ sơ; khi chưa có chứng từ tại thời điểm làm thủ tục nhưng lại không khai việc chậm nộp trong hồ sơ; hoặc đã khai chậm nộp nhưng sau đó khai bổ sung và nộp chứng từ quá thời hạn.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu, Thông tư 33 chỉ ghi nhận 2 trường hợp cơ quan hải quan từ chối chứng từ C/O là:

  1. Người khai hải quan nộp bổ sung chứng từ quá thời hạn theo quy định.
  2. Hàng hóa nhập khẩu được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng từ C/O của nước xuất khẩu thông báo về việc hủy chứng từ hoặc không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định của nước xuất khẩu.

Như vậy, các lỗi liên quan đến kỹ thuật trong hồ sơ kê khai sẽ không còn là cơ sở để cơ quan hải quan từ chối chứng từ C/O.

Thông tư 33 có hiệu lực 15/7/2023, thay thế các Thông tư số 38/2018/TT-BTC; Thông tư số 62/2019/TT-BTC; Thông tư số 47/2020/TT-BTC và Thông tư số 07/2021/TT-BTC.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi