CƠ SỞ KHÁM CHỮA BỆNH CỦA NHÀ NƯỚC ĐƯỢC CHO THUÊ TÀI SẢN VÀ CÁC DỊCH VỤ Y TẾ, PHI Y TẾ

CƠ SỞ KHÁM CHỮA BỆNH CỦA NHÀ NƯỚC ĐƯỢC CHO THUÊ TÀI SẢN VÀ CÁC DỊCH VỤ Y TẾ, PHI Y TẾ

2024-01-19 22:32:16 1020

Ngày 09/01/2023, Quốc hội đã ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 (“Luật Khám chữa bệnh 2023”), trong đó, Luật Khám chữa bệnh 2023 đưa ra nhiều cơ chế mới nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám chữa bệnh và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (“KCB”).

Nhằm triển khai thi hành Luật Khám chữa bệnh 2023, ngày 30/12/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám chữa bệnh 2023 (“Nghị định 96”). Dưới đây là một số nội dung đáng chú ý đã được ATA Legal Services cập nhật như sau:

1. Cụ thể hóa hình thức huy động vốn và xã hội hóa trong hoạt động KCB

Nhằm thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động KCB, Luật Khám chữa bệnh 2023 đã bổ sung các hình thức thu hút nguồn lực đối với các cơ sở KCB của nhà nước và được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định 96 như sau:

(i) Vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế:

- Đối tượng áp dụng: các cơ sở KCB được phân loại tự chủ nhóm 1, 2, 3 theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

- Trước khi thực hiện, các cơ sở KCB báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để có ý kiến về chủ trương đối với việc vay vốn đầu tư. Nội dung báo cáo cần bao gồm các tiêu chí như: thời gian thực hiện dự án; tính khả thi của phương án vay vốn; hiệu quả kinh tế xã hội của dự án, …

(ii) Thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ:

- Các cơ sở KCB của nhà nước được thuê, cho thuê tài sản là cơ sở hạ tầng, thiết bị y tế để phục vụ hoạt động chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.

- Việc thuê, cho thuê dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

(iii) Mua trả chậm, trả dần và mượn thiết bị y tế:

- Mua trả chậm, trả dần: các cơ sở KCB của nhà nước căn cứ vào tiêu chuẩn định mức thiết bị y tế, nguồn kinh phí của đơn vị mình để quyết định mua sắm thiết bị y tế theo hình thức này.

- Việc mượn thiết bị theo cơ chế dân sự.

- Việc sử dụng các thiết bị y tế theo các hình thức trên được tính vào giá dịch vụ KCB để thu của người bệnh hoặc được quỹ BHYT thanh toán theo quy định.

(iv) Nhận tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài:

- Các cơ sở KCB được tiếp nhận viện trợ bằng tiền, hỗ trợ kỹ thuật và hiện vật theo hình thức ODA, vốn vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại của các cơ quan, tổ chức quốc tế, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam.

- Các cơ sở KCB được tiếp nhận các khoản tài trợ, cho biếu, tặng bằng tiền, tài sản, phương tiện và hiện vật từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định.

- Trong thời gian dịch, các cơ sở KCB được nhận viện trợ, tài trợ, hỗ trợ tài sản phục vụ cho công tác phòng, chống dịch từ tổ chức cá nhân trong nước, ngoài nước không áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng.

- Tài sản được tài trợ nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân được sử dụng trong KCB và được thu trong chi phí KCB của người bệnh hoặc được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định.

2. Quy định cụ thể về giá dịch vụ KCB

- Trước đây, Luật Khám chữa bệnh 2009 và Thông tư 13/2023/TT-BYT quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước cung cấp chỉ quy định về giá dịch vụ KCB chung. Tuy nhiên, Nghị định 96 đã quy định về các cấu thành chi tiết của giá dịch vụ KCB được tính theo từng dịch vụ, bao gồm: giá khám bệnh, giá ngày giường điều trị, giá dịch vụ kỹ thuật trong KCB.

- Quỹ BHYT thanh toán cả phần chi phí KCB đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu: Quỹ BHYT thanh toán phần chi phí theo phạm vi được hưởng theo quy định. Phần chênh lệch còn lại do người bệnh thanh toán cho cơ sở KCB.

- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tham gia khám bệnh, chữa bệnh BHYT được thanh toán chi phí KCB theo giá dịch vụ thuộc danh mục do quỹ BHYT thanh toán theo mức áp dụng cho cơ sở KCB của nhà nước được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Phần chênh lệch do người bệnh tự chi trả.

3. Đưa ra nguyên tắc và nguồn kinh phí mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong KCB

a. Nguyên tắc thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong KCB:

- Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong KCB được sử dụng để chi trả chi phí bồi thường cho những thiệt hại do tai biến y khoa trong quá trình KCB xảy ra trong thời hạn bảo hiểm và chi phí khiếu kiện pháp lý liên quan tới tai biến y khoa đó, trừ trường hợp tai biến y khoa do người bệnh tự gây ra.

- Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và cơ sở KCB được chủ động thỏa thuận bảo hiểm điều kiện bảo hiểm, giới hạn trách nhiệm bảo hiểm, mức phí bảo hiểm trên cơ sở đánh giá rủi ro của cơ sở KCB và những yếu tố liên quan theo quy định.

b. Nguồn kinh phí mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong KCB:

- Đối với cơ sở ngoài công lập: do cơ sở KCB tự chi trả.

- Đối với cơ sở KCB công lập: thực hiện từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định.

Nghị định 96 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.

Bình luận:

Từ khóa:  Nghị định 86

,  

khám bệnh

,  

chữa bệnh

,  

y tế

,  

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi