CÔNG BỐ THÔNG TIN TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN BẰNG TIẾNG ANH – CẦN THIẾT VÀ CẤP THIẾT?

CÔNG BỐ THÔNG TIN TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN BẰNG TIẾNG ANH – CẦN THIẾT VÀ CẤP THIẾT?

2024-12-27 12:31:19 675

Quy định về ngôn ngữ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán tại Thông tư 68/2024/TT-BTC (“Thông tư 68”) ngày 18/09/2024 sẽ chính thức áp dụng đối với các tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn từ ngày 01/01/2025. Kể từ thời điểm này cho đến 01/01/2028, việc công bố thông tin của tất cả các công ty đại chúng sẽ đều phải được thực hiện đồng thời bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Với tư cách là đơn vị tư vấn luật chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp, Công ty Luật TNHH Toàn cầu ATA (“ATA”) đã từng tuyên truyền, phổ biến nội dung này tới các khách hàng của chúng tôi[1]. Rất nhiều trong số các khách hàng này là các công ty đại chúng, tổ chức niêm yết chịu sự tác động trực tiếp của Thông tư 68 đã đặt ra vấn đề: tính cần thiết và cấp thiết của quy định ngôn ngữ công bố thông tin bằng tiếng Anh đối với thị trường, cũng như đối với cộng đồng doanh nghiệp. Tại Chuyên đề này, ATA sẽ đi sâu phân tích và đánh giá đối với vấn đề này.

Điều 4 Khoản 1 Thông tư 68 sửa đổi, bổ sung Điều 5 tại Thông tư số 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, cụ thể như sau:

Điều 5. Ngôn ngữ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán

1. Ngôn ngữ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán là tiếng Việt. Tổ chức niêm yết, công ty đại chúng, Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện công bố thông tin đồng thời bằng tiếng Anh theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này. Thông tin công bố bằng tiếng Anh phải bảo đảm thống nhất với nội dung thông tin công bố bằng tiếng Việt. Trường hợp có sự khác biệt hoặc có cách hiểu khác giữa thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh thì thông tin bằng tiếng Việt được áp dụng.

2. Tổ chức niêm yết, công ty đại chúng thực hiện công bố thông tin đồng thời bằng tiếng Anh theo lộ trình như sau:

a) Tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn công bố thông tin định kỳ đồng thời bằng tiếng Anh kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025;

b) Tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn công bố thông tin bất thường, công bố thông tin theo yêu cầu và công bố thông tin về các hoạt động khác của công ty đại chúng đồng thời bằng tiếng Anh kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2026;

c) Công ty đại chúng không thuộc đối tượng quy định tại điểm a, b khoản này công bố thông tin định kỳ đồng thời bằng tiếng Anh kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2027;

d) Công ty đại chúng không thuộc đối tượng quy định tại điểm a, b khoản này công bố thông tin bất thường, công bố thông tin theo yêu cầu và công bố thông tin về các hoạt động khác của công ty đại chúng đồng thời bằng tiếng Anh kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2028.

3. Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam công bố thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh”.

Như vậy, theo quy định trên của Thông tư 68, cùng thời điểm phát sinh nghĩa vụ công bố thông tin, tổ chức niêm yết, công ty đại chúng sẽ có trách nhiệm thực hiện công bố thông tin cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Việc công bố thông tin bằng 2 ngôn ngữ phải được thực hiện đồng thời, song song và cần bảo đảm có thống nhất với nhau. Nếu không tuân thủ quy định về ngôn ngữ công bố thông tin này, các công ty sẽ có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng cho mỗi hành vi vi phạm[2].

Về mặt lợi ích, có thể thấy được, đối với các nhà làm luật và nhà quản lý, quy định này được xem là cần thiết và cấp thiết để giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tiệm cận các tiêu chuẩn được nâng hạng lên thị trường mới nổi theo đánh giá của FTSE Russell và MSCI[3]. Cụ thể, việc công bố thông tin đồng thời bằng tiếng Anh sẽ góp phần vào việc minh bạch hoá thông tin, từ đó nâng cao tính chuyên nghiệp và độ đáng tin cậy của các thành viên trên thị trường trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Đồng thời, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, theo đánh giá của chúng tôi, quy định này sẽ tạo điều kiện giúp họ dễ dàng tiếp cận với nguồn thông tin chính thống từ các tổ chức niêm yết, công ty đại chúng mà không cần sử dụng các công cụ chuyển ngôn ngữ nữa. Việc này cũng giúp các nhà đầu tư có được đánh giá đầy đủ, toàn vẹn hơn khi tìm hiểu thị trường hoặc quyết định đầu tư. Trong bối cảnh Việt Nam được đánh giá là thị trường vô cùng tiềm năng, đi đầu trong việc thu hút vốn FDI từ nước ngoài[4], các thông tin, tài liệu được công bố bằng tiếng Anh là vô cùng cần thiết, tạo tiền đề để thúc đẩy, tăng cường, hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư nguồn vốn FDI vào thị trường chứng khoán nói riêng, góp phần phát triển kinh tế Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, ngoài lợi ích, quy định buộc các tổ chức niêm yết, công ty đại chúng phải công bố thông tin bằng ngôn ngữ tiếng Anh song song với ngôn ngữ tiếng Việt cũng bộc lộ rất nhiều những bất cập mà các nhà làm luật chưa giải quyết được.

Thứ nhất, mặc dù đã đưa ra lộ trình áp dụng sau khi Thông tư 68 có hiệu lực để cho các công ty đại chúng dần làm quen và hoàn thiện hệ thống công bố thông tin của mình, tuy nhiên, đối với tổ chức niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn, thời hạn để chuẩn bị tiến hành công bố thông tin định kỳ bằng 2 ngôn ngữ chỉ có khoảng hơn 3 tháng (kể từ ngày 18/09/2024 – ngày Thông tư 68 được ban hành đến ngày 01/01/2025 - ngày Thông tư 68 có hiệu lực). Trong khi đó, thông tin định kỳ được xác định là các báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, báo cáo quản trị, thông tin, tài liệu về đại hội đồng cổ đông thường niên. Đây là những loại báo cáo, tài liệu, thông tin có dung lượng rất lớn và thường mất rất nhiều thời gian để xây dựng, hoàn thiện, đặc biệt là đối với những công ty quy mô lớn, có hệ thống đông đảo các công ty con, công ty liên kết. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp quy mô lớn sẽ phải mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện báo cáo, tài liệu để kịp công bố những thông tin này đúng hạn, chạy đua với thời gian chỉ tính bằng giờ/phút. Do vậy, việc yêu cầu các tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn phải ngay lập tức và thực hiện song song việc công bố thông tin đối với tất cả các báo cáo, tài liệu này sẽ tạo thêm gánh nặng rất lớn về thời gian, công sức và chi phí thực hiện. Thông thường, đối với các doanh nghiệp đã và đang duy trì việc lập tài liệu công bố thông tin bằng 2 ngôn ngữ thì quy định này không có tác động gì quá lớn. Nhưng trên thị trường, có nhiều tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn chưa từng triển khai các công việc này. Theo đó, thời gian hơn 3 tháng để họ làm quen, chuẩn bị là quá ngắn. Trong khi đó, việc công bố thông tin được yêu cầu thực hiện đồng thời, song song sẽ có thể khiến chất lượng của các tài liệu, thông tin không bảo đảm, thậm chí là không chính xác.

Thứ hai, Thông tư 68 quy định việc công bố thông tin bằng tiếng Anh “phải bảo đảm thống nhất với nội dung thông tin công bố bằng tiếng Việt”. Tuy nhiên, Thông tư 68 chưa đưa ra cơ chế để xác định hoặc kiểm soát chất lượng của thông tin mà chỉ dự liệu trường hợp có sự khác biệt hoặc cách hiểu khác thì áp dụng theo bản tiếng Việt. Quy định này, theo đánh giá của chúng tôi lại khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại. Bởi bản chất họ sẽ vẫn phải so sánh, kiểm tra lại thông tin bằng tiếng Việt nếu muốn chắc chắn tính xác thực của các thông tin tiếng Anh của doanh nghiệp.

Thứ ba, Thông tư 68 đưa ra lộ trình áp dụng việc công bố thông tin bằng 2 ngôn ngữ. Tuy nhiên, Thông tư 68 chưa đưa ra hướng dẫn việc có phải dịch và duy trì thêm 1 bản tiếng Anh đối với với những thông tin, tài liệu đã được đăng tải trên website của doanh nghiệp và vẫn tiếp tục duy trì như một dạng thông tin tham khảo chính thức trên website như Điều lệ Công ty, Quy chế công bố thông tin… Những tài liệu, thông tin này có vai trò, ý nghĩa rất lớn đối với các cổ đông và nhà đầu tư khi bắt đầu tìm hiểu và đánh giá về chứng khoán và tổ chức phát hành chứng khoán. Do vậy, việc chỉ yêu cầu công ty đại chúng công bố thông tin mới bằng tiếng Anh cũng chưa thực sự giải quyết được triệt để nhu cầu của nhà đầu tư.

Thứ tư, như đã trình bày ở trên, mặc dù việc công bố thông tin bằng tiếng Anh được các nhà làm luật đánh giá là cần thiết và cấp thiết để đáp ứng tiêu chuẩn để nâng hạng thị trường, tuy nhiên, theo thông tin mà chúng tôi tìm hiểu thì hiện nay, một số quốc gia có thị trường chứng khoán đứng hàng đầu trong khu vực và trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản đều không yêu cầu bắt buộc các công ty đại chúng phải công bố thông tin bằng tiếng Anh (bên cạnh tiếng quốc ngữ). Cụ thể, theo “Luật về công bố thông tin của Thị trường Chứng khoán Hàn Quốc” ban hành ngày 12/07/1988 và sửa đổi gần nhất ngày 14/12/2001, Hàn Quốc chỉ yêu cầu công ty đại chúng bắt buộc phải công bố thông tin bằng tiếng Hàn. Việc công bố thông tin của các công ty niêm yết được “khuyến khích” thực hiện bằng tiếng Anh trong vòng một ngày kể từ ngày công bố bằng tiếng Hàn”[5]. Hay tại Nhật Bản, “Luật về niêm yết chứng khoán”[6] cũng không yêu cầu công ty đại chúng công bố thông tin bằng tiếng Anh mà chỉ đưa ra khuyến nghị tại Phụ lục quy định về mẫu “Quy chế quản trị doanh nghiệp”. Cụ thể, Phần 3 Quy chế (mẫu) quy định về “Bảo đảm việc công bố thông tin phù hợp và minh bạch” các nhà làm luật khuyến nghị việc công bố thông tin của các doanh nghiệp dựa trên số lượng cổ đông nước ngoài như sau: “3.1.2. Xét đến số lượng cổ đông nước ngoài, các công ty nên thực hiện các bước hợp lý để công bố thông tin bằng tiếng Anh. Đặc biệt, các công ty niêm yết trên Thị trường chứng khoán nên công bố và cung cấp thông tin cần thiết trong tài liệu công bố bằng tiếng Anh”.

Như vậy, có thể thấy rằng, việc công bố thông tin bằng ngôn ngữ tiếng Anh bên cạnh tiếng bản địa không phải là tiêu chuẩn bắt buộc để xác định tính chuyên nghiệp hoặc minh bạch của thị trường chứng khoán của một quốc gia. Bản chất, hiện nay, dù không có quy định thì những công ty lớn (không chỉ gồm các công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn) có nhà đầu tư nước ngoài hoặc mong muốn thu hút đầu tư nước ngoài hoặc đơn thuần là tuân theo các tiêu chuẩn chuyên nghiệp do chính đơn vị đặt ra thì đều đã và đang duy trì hệ thống website tích hợp nhiều ngôn ngữ, trong đó có ngôn ngữ tiếng Anh – loại ngôn ngữ mang tính thông lệ quốc tế. Các nhà đầu tư khi truy cập website của các công ty này đều dễ dàng tiếp cận với thông tin bằng tiếng nước ngoài. Do vậy, chúng tôi cho rằng, việc bắt buộc các công ty đại chúng đều phải công bố thông tin bằng 2 ngôn ngữ về căn bản chỉ tác động đến các doanh nghiệp nhỏ, cổ đông có tính chất co cụm hoặc không thực sự muốn thu hút đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, mục tiêu để thu hút đầu tư và tác động khuyến khích doanh nghiệp phát triển đối với những doanh nghiệp này là không thực sự rõ ràng hoặc không quá cấp thiết.

Trên đây là một số ý kiến của Công ty Luật TNHH Toàn cầu ATA về quy định mới liên quan đến vấn đề ngôn ngữ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Về mặt lâu dài, khi các doanh nghiệp đã vượt qua được những khó khăn ban đầu thì quy định này được kì vọng tạo ra một “cú hích” để thúc đẩy, khuyến khích sự phát triển, nâng cao tính minh bạch thông tin cũng như tính chuyên nghiệp của thị trường nói chung và của mỗi doanh nghiệp thành viên thị trường nói riêng. Vì vậy, mặc dù trước mắt, nghĩa vụ này có thể sẽ tạo ra thêm gánh nặng, là một thách thức không nhỏ đối với nhiều công ty đại chúng nhưng cùng với thời gian, khi các doanh nghiệp đã làm quen và kiểm soát được hoạt động này thì việc này hứa hẹn sẽ đem lại những cơ hội và lợi ích cho doanh nghiệp khi muốn vươn mình ra biển lớn.

[1] Link: THÔNG TƯ 76/2024/TT-BTC: BỔ SUNG THÊM NHIỀU NỘI DUNG PHẢI CÔNG BỐ THÔNG TIN ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU (ata-legal.com)

[2] Điều 42 Khoản 2 Điểm a Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán quy định:

Điều 42. Vi phạm quy định về công bố thông tin

  1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
  2. a) Không tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật về phương tiện, hình thức công bố thông tin;

[3] https://cafef.vn/dieu-kien-va-giai-phap-nang-hang-thi-truong-chung-khoan-188231006104249913.chn

[4] Tham khảo: Tiềm năng và cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam (https://trungtamwto.vn/tin-tuc/25898-tiem-nang-va-co-hoi-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-cua-viet-nam)

WB: Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về thu hút vốn FDI (https://mof.gov.vn/webcenter/portal/ttpltc/pages_r/l/chi-tiet-tin-ttpltc?dDocName=UCMTMP130942)

[5] Dẫn chiếu: com_20020826_71-102_hyunsoo.pdf (osc.ca)

[6] Dẫn chiếu: listing_regs_20240401.pdf (jpx.co.jp)

Bình luận:

Từ khóa:  Công bố thông tin

,  

chứng khoán

,