Ngày 30/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm (“Nghị định 99”), thay thế cho Nghị định số 102/2017/NĐ-CP (“Nghị định 102”) ngày 01/9/2017.
Nghị định 99 có một số nội dung thay đổi, bổ sung đáng chú ý như sau:
Bổ sung đối tượng đăng ký tài sản bảo đảm là chứng khoán
Đăng ký giao dịch bảo đảm đối với chứng khoán là vấn đề gây nhiều tranh cãi và vẫn đang bị bỏ ngỏ tại Nghị định 102. Nghị định 99 đã giải quyết vấn đề này bằng cách xác định các loại tài sản là chứng khoán dưới đây thuộc đối tượng đăng ký giao dịch bảo đảm:
- Chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
- Chứng khoán chưa đăng ký tập trung, bao gồm cả Cổ tức, quyền tài sản phát sinh từ chứng khoán.
Bổ sung các trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
- Các trường hợp phải đăng ký: bên cạnh các trường hợp đã quy định tại Nghị định 102 (thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất), Nghị định 99 bổ sung thêm trường hợp: Thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng công trình không phải là nhà ở, dự án đầu tư nông nghiệp, dự án phát triển rừng, dự án đầu tư khác có sử dụng đất đồng thời với quyền sử dụng đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê theo hình thức trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.
- Các trường hợp đăng ký theo yêu cầu: Trước đây, Nghị định 102 chỉ quy định chung là trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai. Nghị định 99 làm rõ hơn các loại tài sản này, cụ thể:
- Thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, tài sản khác gắn liền với đất hình thành trong tương lai;
- Thế chấp tài sản gắn liền với đất đã hình thành không phải là nhà ở mà pháp luật không quy định phải đăng ký quyền sở hữu và cũng chưa được đăng ký quyền sở hữu theo yêu cầu, trừ trường hợp tài sản gắn liền với đất là cây hằng năm theo quy định.
Bổ sung cách xác định hiệu lực đối kháng đối với người thứ ba của việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với các trường hợp thay đổi tình trạng pháp lý hoặc tình trạng tồn tại của tài sản
Theo đó, việc đăng ký giao dịch bảo đảm của cơ quan đăng ký ban đầu vẫn có hiệu lực trong các trường hợp sau:
- Chứng khoán chưa đăng ký tập trung mà đã đăng ký giao dịch bảo đảm nhưng sau đó chuyển thành chứng khoán đăng ký tập trung (và ngược lại) mà chứng khoán này tiếp tục được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho bên hoặc các bên cùng nhận bảo đảm ban đầu;
- Hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, linh kiện, vật tư đã được đăng ký, sau đó được lắp ráp, được chế tạo, được gia công hoặc được chế biến theo hình thức khác tạo thành tài sản mới và tài sản này được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, được đăng ký mà phần giá trị của hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh hoặc giá trị của linh kiện, vật tư tiếp tục được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho bên hoặc các bên cùng nhận bảo đảm ban đầu;
- Quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hoặc từ hợp đồng mua bán, hợp đồng chuyển giao khác về quyền sở hữu đối với tài sản khác gắn liền với đất đã được đăng ký, sau đó được chuyển tiếp sang đăng ký thế chấp nhà ở, thế chấp tài sản khác gắn liền với đất.
Những nội dung sửa đổi, bổ sung khác liên quan đến trình tự, thủ tục thực hiện đăng ký tài sản bảo đảm, xin vui lòng xem thêm tại văn bản chính thức.
Nghị định 99 có hiệu lực kể từ ngày 15/01/2023.
Bình luận: