ĐIỀU CHỈNH PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ PHÁT ĐIỆN ĐỐI VỚI CÁC NHÀ MÁY TRÊN LÃNH THỔ ĐẤU NỐI VỚI HỆ THỐNG ĐIỆN QUỐC GIA

ĐIỀU CHỈNH PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ PHÁT ĐIỆN ĐỐI VỚI CÁC NHÀ MÁY TRÊN LÃNH THỔ ĐẤU NỐI VỚI HỆ THỐNG ĐIỆN QUỐC GIA

2024-04-26 18:39:57 70

Ngày 12/04/2024, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 07/2024/TT-BCT (“Thông tư 07”) quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện. Thông tư 07 thay thế Thông tư số 57/2020/TT-BCT (“Thông tư 57”) và có một số nội dung đáng chú ý như sau:

1. Ghi nhận nguyên tắc bảo đảm tính hợp lệ của các chi phí dùng để xác định giá phát điện

Theo Thông tư 07, các khoản chi phí được tính khi xác định giá phát điện phải đảm bảo nguyên tắc là các chi phí “hợp lý, hợp lệ” của Chủ đầu tư trong toàn bộ đời sống kinh tế dự án. Quy định này làm rõ, bổ sung thêm cho nguyên tắc tại Thông tư 57 - chỉ yêu cầu đảm bảo tính “hợp lý” của các khoản chi phí – và cũng phù hợp với quy định chung của pháp luật hiện hành.

2. Điều chỉnh phương pháp xác định giá cố định bình quân của nhà máy điện

Thông tư 07 điều chỉnh các chỉ tiêu xác định giá cố định bình quân của nhà máy điện bao một cách đầy đủ và sát thực tiễn hơn, cụ thể:

  • Sử dụng chỉ tiêu “Chi phí đầu tư” thay cho “Tổng mức đầu tư” với cách xác định mang tính toàn diện và đầy đủ hơn, bao quát được nhiều loại chi phí hơn.
  • Sử dụng chỉ tiêu “Điện năng phát bình quân nhiều năm tại Điểm giao nhận điện (AGN)” thay cho chỉ tiêu “Điện năng phát bình quân nhiều năm tại đầu cực máy phát”. Chỉ tiêu này theo đánh giá của chúng tôi là đảm bảo ghi nhận số liệu phù hợp nhất với thực tiễn phát điện của các nhà máy. Riêng đối với các nhà máy nhiệt điện, Thông tư 07 cho phép bên mua và bán điện được áp dụng chỉ tiêu “Tỷ lệ suy giảm công suất” xác định theo thiết kế cơ sở được duyệt hoặc các tài liệu kỹ thuật của nhà chế tạo thiết bị.
  • Hướng dẫn cụ thể chỉ tiêu “Lãi suất vay vốn và thời gian trả nợ vay trong thời gian vận hành” trong trường hợp tổng vốn vay của chủ đầu tư thấp hơn trong phương án tính toán giá điện. Theo đó, Thông tư 07 đưa ra các nguyên tắc tham khảo về thời hạn vay và lãi suất vay đối với phần vốn vay còn thiếu.

3. Bổ sung quy định về phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện đối với các đối tượng đặc thù

Thông tư 07 bổ sung quy định về phương pháp xác định giá phát điện đối với các đối tượng đặc thù, bao gồm:

  • Các nhà máy điện chưa có cơ chế giá mua điện do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Công Thương quy định;
  • Trường hợp chưa thỏa thuận được giá phát điện;
  • Các nhà máy điện mặt trời, điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhưng chưa có giá phát điện chính thức;
  • Các nhà máy thủy điện có Hợp đồng mua bán điện còn hiệu lực nhưng giá phát điện hết hiệu lực hoặc các nhà máy thủy điện áp dụng biểu giá chi phí tránh được mà Hợp đồng mua bán điện hết hiệu lực.

4. Cho phép áp dụng giá tạm thời trước khi thoả thuận được mức giá chính thức

Thông tư 07 cho phép Bên bán và Bên mua thỏa thuận thống nhất giá tạm thời, báo cáo Bộ Công Thương quyết định để áp dụng cho đến khi thỏa thuận được mức giá phát điện chính thức.

5. Cho phép thỏa thuận lại giá phát điện trong Hợp đồng mua bán điện đã hết thời hạn nhưng nhà máy điện chưa hết đời sống kinh tế

Trong trường hợp này, Thông tư 57 quy định giá phát điện tại hợp đồng mua bán điện hiện tại được áp dụng tiếp cho các năm tiếp theo đến hết đời sống kinh tế.

Thông tư 07 sửa đổi theo hướng cho phép Bên bán và Bên mua thống nhất giá phát điện áp dụng cho các năm tiếp theo đến hết đời sống kinh tế đảm bảo giá cố định bình quân không thay đổi so với mức giá đã được Bên bán và Bên mua thỏa thuận.

6. Đơn giản hóa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư khi điều chỉnh giá phát điện từng năm trong hợp đồng mua bán điện

Theo Thông tư 57, hàng năm, khi điều chỉnh giá phát điện trong hợp đồng mua bán điện, Bên bán và Bên mua phải tính toán chênh lệch tỷ giá và đề xuất phương án thanh toán gửi Cục Điều tiết điện lực kiểm tra, trình Bộ Công thương xem xét, quyết định phương án thanh toán.

Tuy nhiên, Thông tư 07 sửa đổi theo hướng cho phép các bên trong hợp đồng mua bán điện tự thỏa thuận về phương án thanh toán chênh lệch tỷ giá mà không cần xin ý kiến của cơ quan nhà nước.

Thông tư 07 có hiệu lực kể từ ngày 01/06/2024./.

Bình luận:

Từ khóa: 

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi