Ngày 30/12/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 20/2022/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân (“Thông tư 20”).
Thông tư 20 làm rõ quy định về chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài tại Nghị định 70/2014/NĐ-CP (“Nghị định 70”) thông qua việc hướng dẫn các trường hợp được phép mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài; nguồn ngoại tệ; mức ngoại tệ và thủ tục mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài. Đồng thời, Thông tư 20 đưa ra quy định đối với hoạt động thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện giao dịch. Theo đó, Thông tư 20 có một số quy định mới đáng chú ý như sau:
Các trường hợp được phép mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài
Đối với người cư trú là tổ chức, các trường hợp mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài được quy định trên cơ sở mục đích chuyển tiền, cụ thể:
- Với mục đích tài trợ, viện trợ: (i) theo cam kết, thỏa thuận giữa Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương với nước ngoài; hoặc (ii) khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh; hoặc (iii) tài trợ cho các chương trình, các quỹ, dự án nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển trong các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục (tài trợ học bổng), y tế.
- Với mục đích khác: (i) trả thưởng cho người không cư trú là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài tham gia các chương trình, cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam; hoặc (ii) phân bổ tiền tài trợ cho các thành viên nước ngoài tham gia dự án, đề tài nghiên cứu khoa học; hoặc (iii) hoàn trả tiền tài trợ thực hiện các dự án ở Việt Nam theo cam kết, thỏa thuận với bên nước ngoài.
Đối với người cư trú là công dân Việt Nam, các trường hợp mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài được xác định theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 70.
Hạn mức ngoại tệ được phép mua, chuyển, mang ra nước ngoài
Đối với người cư trú là tổ chức, hạn mức ngoại tệ căn cứ vào số tiền ghi trên giấy tờ, chứng từ có liên quan. Riêng đối với trường hợp chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ cho các chương trình, các quỹ, dự án nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, Thông tư 20 quy định thêm hạn mức ngoại tệ không vượt quá 50.000 USD (hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương)/ một lần chuyển.
Đối với người cư trú là công dân Việt Nam, cách xác định hạn mức ngoại tệ căn cứ trên nhu cầu thực tiễn và hợp lý cho từng mục đích chi tiêu. So với quy định trước đây tại Thông tư 20/2011/TT-NHNN (“Thông tư 20/2011”)[1], quy định này linh hoạt hơn theo từng trường hợp cụ thể, đủ đáp ứng nhu cầu, mục đích sử dụng ngoại tệ của cá nhân.
Quy định về hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài cho các giao dịch vãng lai khác
Dựa trên nhu cầu của các ngân hàng về việc có hướng dẫn cụ thể nhằm triển khai hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài được thuận lợi, Thông tư 20 quy định rõ các “giao dịch vãng lai khác”, bao gồm:
- Các khoản thanh toán và chuyển tiền liên quan đến tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; quá cảnh; hoạt động trung gian thương mại; nhận/đặt gia công hàng hóa cho/ở nước ngoài và các hoạt động khác có liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế theo quy định pháp luật về thương mại;
- Thanh toán, chuyển tiền các khoản liên quan đến bảo hiểm;
- Thanh toán, chuyển tiền theo quyết định hoặc bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc trọng tài; hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam;
- Thanh toán, chuyển tiền liên quan đến các khoản tiền phạt, bồi thường do làm hư hỏng tài sản, gây thương tích mà chưa được bảo hiểm chi trả.
Thông tư 20 có hiệu lực từ ngày 15/02/2023. Theo đó, Thông tư 20/2011 bị bãi bỏ hoàn toàn. Đồng thời, Thông tư 20 cũng sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của một loạt các thông tư do Ngân hàng Nhà nước ban hành điều chỉnh và hướng dẫn về giao dịch ngoại tệ trong hoạt động quản lý ngoại hối của Việt Nam.
[1] Điều 5 Thông tư 20/2011/TT-NHNN cho phép hạn mức là 100 USD/1 người/1 ngày hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương trong khoảng thời gian lưu trú ở nước ngoài là 10 ngày; ngoài ra tổ chức tín dụng có thể bán ngoại tệ vượt hạn mức này tùy theo khả năng tự cân đối nguồn ngoại tệ tiền mặt.
Bình luận: