Dù nội dung “doanh nghiệp có được quyền cho vay vốn không” đã từng được rất nhiều khách hàng đưa ra và cũng có nhiều công ty luật giải đáp, nhưng trong bài viết này, ATA Legal Services sẽ không dừng ở việc phân tích cơ sở pháp lý để khẳng định việc doanh nghiệp có quyền thực hiện giao dịch hay không, mà hơn thế nữa, chúng tôi còn đưa ra cả những tư vấn sâu sát, phù hợp để doanh nghiệp có thể giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực hiện giao dịch.
Câu hỏi: Công ty do tôi là Chủ tịch HĐQT đồng thời là người đại diện pháp luật (Công ty A) hiện có khoản vốn nhàn rỗi là 2 tỷ đồng. Dự kiến phải 6 tháng nữa chúng tôi mới cần để nhập khẩu lô hàng mới. Vừa rồi, bạn tôi là Giám đốc Công ty B đề nghị công ty tôi cho Công ty B vay số tiền đó, thời hạn 6 tháng và Công ty B sẽ trả cho Công ty A khoản lãi bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng + 3%. Tôi muốn hỏi là Công ty tôi có thể cho Công ty B vay số tiền trên không? Nhờ Luật sư tư vấn các thủ tục và các biện pháp giảm rủi ro nếu như Công ty tôi được cho vay số tiền này.
Trả lời:
1. Trước hết, trả lời cho câu hỏi, “doanh nghiệp có được quyền cho vay vốn không”, chúng tôi khẳng định rằng, về nguyên tắc, pháp luật Việt Nam không cấm hoạt động cho vay thông thường giữa các tổ chức, cá nhân với nhau.
Để làm rõ thế nào được xem là hoạt động cho vay thông thường được phép thực hiện, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các quy định pháp luật hiện tại liên quan đến việc cấm, hạn chế các hành vi, hoạt động cho vay tại Việt Nam. Theo đó, có 2 hành vi, hoạt động cho vay bị cấm tại Việt Nam, gồm:
Một là, hoạt động cho vay bị cấm theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (“LCTCTD”):
LCTCTD quy định hoạt động cho vay là một hoạt động ngân hàng, cụ thể là hoạt động cấp tín dụng[1] và hoạt động này chỉ được thực hiện bởi các tổ chức tín dụng quy định tại Luật này[2], theo đó “nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán”[3].
Điều 4.12 LCTCTD 2010 quy định “hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số nghiệp vụ như nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản”. Nghĩa là, hoạt động cho vay sẽ bị xem là hoạt động ngân hàng khi nó mang tính kinh doanh và diễn ra thường xuyên.
Từ các quy định tại LCTCTD nêu trên, có thể xác định rằng, LCTCTD cấm trường hợp các tổ chức, cá nhân không phải là ngân hàng, công ty tài chính, công ty chứng khoán hay các tổ chức tín dụng khác nhưng lại tiến hành hoạt động cho vay một cách thường xuyên, với nhiều đối tượng nhằm thu lợi từ hoạt động này.
Hai là, hoạt động cho vay bị cấm nếu vượt quá mức lãi suất cho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự (“BLDS”):
Theo quy định tại Điều 468 BLDS 2015, lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng “không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay”.
Do đó, với những trường hợp cho vay với mức lãi suất vượt quá 20%/năm, mức lãi suất vượt quá sẽ không có hiệu lực.
Đồng thời, theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh an toàn xã hội, tại Khoản 4 có quy định, các hành vi cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo BLDS dưới đây sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 VNĐ đến 20.000.000 VNĐ:
“d) Kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự;
đ) Không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự”
Thậm chí, Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hành vi bị coi là phạm tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” là hành vi “cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự” và có thể sẽ phải chịu phạt với mức cao nhất là 03 năm tù.
Như vậy, có thể hiểu rằng, nếu không phạm vào các trường hợp cấm ở trên, các tổ chức, cá nhân có thể cho các tổ chức, cá nhân khác vay tài sản của mình với điều kiện tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan, cụ thể:
- Các quy định liên quan đến Hợp đồng vay tài sản tại BLDS 2015.
- Các quy định liên quan đến thẩm quyền quyết định vay, cho vay tài sản của doanh nghiệp theo quy định tại LDN 2020.
- Các quy định liên quan đến hình thức thanh toán tiền khi vay/cho vay giữa các doanh nghiệp theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 222/2013/NĐ-CP và Thông tư 09/2015/TT-BTC.
Áp dụng vào trường hợp của Công ty A, theo thông tin mà khách hàng cung cấp, chúng tôi cho rằng, Công ty A có thể cho Công ty B vay phần vốn nhàn rỗi của mình nếu việc cho vay không phải là một hoạt động kinh doanh thường xuyên hay mang yếu tố chuyên nghiệp và cũng không được áp dụng đại trà cho đông đảo các đối tượng khác nhau. Công ty A có nghĩa vụ tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan đối với hoạt động cho vay của mình.
2. Vậy để có thể triển khai hoạt động cho vay và giảm thiểu rủi ro đối với hoạt động này, Công ty A cần lưu ý tuân thủ và triển khai các biện pháp sau đây:
2.1. Cần hoàn thiện các thủ tục đánh giá và phê duyệt nội bộ đối với hoạt động cho vay:
Trong trường hợp này, chưa nói về nguồn gốc của khoản vốn, nhưng có thể hiểu rằng, khoản vốn này đã được xác định dùng để nhập khẩu lô hàng mới cho Công ty A. Do đó, cho dù trong trường hợp này, Công ty A tạm thời chưa dùng đến khoản vốn này thì việc cho một bên khác vay cũng đã tạm thời làm ảnh hưởng và thay đổi kế hoạch sử dụng vốn của Công ty A. Vì vậy, trong trường hợp này, người đại diện theo pháp luật của Công ty A cần kiểm tra kĩ lại Điều lệ, các Quy chế tài chính, Quy định liên quan đến thẩm quyền quyết định vấn đề sử dụng vốn tại Công ty để tổ chức việc đánh giá tính rủi ro của việc cho vay cũng như xin ý kiến các cấp có thẩm quyền để thông qua phương án cho vay.
Lưu ý: Trường hợp Công ty A là công ty đại chúng theo Điều 32 Luật Chứng khoán 2019 và Công ty B là người có liên quan của Công ty A, giao dịch cho vay của Công ty A có thể bị hạn chế theo quy định tại Luật Chứng khoán và Điều 293 Nghị định 155/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, nếu là công ty đại chúng, Công ty A cũng cần tuân thủ nghĩa vụ công bố thông tin về hợp đồng, giao dịch nếu thuộc trường hợp quy định.
2.2. Cần soạn thảo và tổ chức việc ký kết Hợp đồng cho vay đảm bảo tính chặt chẽ, an toàn pháp lý cho Công ty A
Một số nội dung cần lưu ý và cần phải được bố trí tại Hợp đồng:
Thứ nhất, cần kiểm tra kĩ các thông tin pháp lý của Công ty B để đảm bảo tính có hiệu lực của giao dịch, bao gồm cả những văn bản của cấp có thẩm quyền của Công ty B đối với giao dịch vay từ Công ty A;
Thứ hai, đảm bảo các nội dung khoản vay là đúng quy định và thực tiễn, đặc biệt là điều khoản giải ngân, lãi suất (trong giới hạn theo quy định tại Điều 468 BLDS 2015), thời hạn cho vay, thời hạn trả lãi, phương thức trả lãi và nợ gốc mục đích sử dụng vốn vay, phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại;
Thứ ba, cần có biện pháp bảo đảm/ bảo lãnh cho khoản vay: Công ty A có thể yêu cầu Công ty B cung cấp bảo lãnh hoàn trả khoản tiền vay của ngân hàng do Công ty A chỉ định;
Thứ tư, Hợp đồng cho vay nên có điều khoản thu hồi nợ trước hạn. Điều này để đảm bảo tính linh hoạt trong hoạt động của Công ty A và khả năng thu hồi nợ trước hạn khi cần thiết.
2.3. Cần cử đầu mối theo dõi, giám sát việc sử dụng khoản vay và việc thu lãi, thu nợ từ Công ty B để kịp thời xử lý các vấn đề rủi ro phát sinh.
Trên đây là nội dung tư vấn của ATA Legal Services. Chúng tôi tin rằng Quý khách hàng đã phần nào hình dung được phương hướng hành động, xử lý vấn đề của mình.
Khách hàng có bất kỳ vấn đề nào cần giải đáp hoặc cần tư vấn nhằm tăng cường quản trị rủi ro trong hoạt động của mình, xin vui lòng liên hệ với ATA Legal Services để được hỗ trợ!
[1] Theo Điều 4.16 LCTCTD 2010: “Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một khoảng thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi”.
[2] Theo khoản 1 đến khoản 9 Điều 4 LCTCTD 2010.
[3] Theo Khoản 2 Điều 8 LCTCTD 2010.
Bình luận: