DOANH NGHIỆP PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU PHẢI ƯU TIÊN MỌI NGUỒN LỰC CỦA MÌNH ĐỂ THANH TOÁN ĐẦY ĐỦ, ĐÚNG HẠN CHO NHÀ ĐẦU TƯ

DOANH NGHIỆP PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU PHẢI ƯU TIÊN MỌI NGUỒN LỰC CỦA MÌNH ĐỂ THANH TOÁN ĐẦY ĐỦ, ĐÚNG HẠN CHO NHÀ ĐẦU TƯ

2022-12-02 17:17:38 580

Với việc hàng loạt các vụ việc sai phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã bị phanh phui và xử lý, niềm tin của nhà đầu tư vào trái phiếu đã bị sụt giảm nghiêm trọng. Hiện nay, hoạt động phát hành trái phiếu mới gần như bị tê liệt và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu khác không thuộc đối tượng bị xử lý, xử phạt cũng vô cùng lo lắng về “số phận” khoản đầu tư của mình trong tương lai.

Trong bối cảnh đó, để đảm bảo ổn định thị trường, ngày 25 tháng 11 năm 2022, Bộ Tài Chính đã ban hành Công văn 12389/BTC-TCNH (“Công văn 12389”) yêu cầu các doanh nghiệp phát hành trái phiếu chủ động tiến hành các biện pháp nhằm đảm bảo ổn định tâm lý cho nhà đầu tư trước khi Bộ Tài chính có thể hoàn thiện và triển khai được các cơ chế hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc theo quy định. Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị các doanh nghiệp phát hành trái phiếu:

1. Đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư:

  • Ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực của chính mình để thực hiện các cam kết với nhà đầu tư.
  • Nếu có khó khăn thì phải chủ động có kế hoạch làm việc với nhà đầu tư để có phương án thanh toán gốc, lãi trái phiếu phù hợp, đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Các hành vi vi phạm tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật[1].

2. Tuân thủ chế độ công bố thông tin về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định.

3. Chủ động sử dụng các dịch vụ kiểm toán, xếp hạng, định giá và công bố kết quả sau kiểm toán, xếp hạng, định giá để tăng niềm tin cho nhà đầu tư.

Công văn 12389 có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

[1] Theo Nghị định 153/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 65/2022/NĐ-CP), phương thức thanh toán gốc và lãi của trái phiếu là một nội dung bắt buộc trong các Điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Tổ chức phát hành chỉ được thay đổi các điều kiện, điều khoản này khi đáp ứng quy định pháp luật, trong đó có quy định về việc phải có sự chấp thuận của người sở hữu trái phiếu nắm giữ ít nhất 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành.

Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 156/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 128/2021/NĐ-CP ngày 01/01/2022), hành vi thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu trái quy định sẽ bị xử phạt từ 200 – 300 triệu đồng và có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thu hồi trái phiếu, hoàn trả nhà đầu tư tiền gốc và lãi trái phiếu.

Hành vi trả chậm, trì hoãn nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi trái phiếu sẽ khiến tổ chức phát hành phải đối mặt với nguy cơ bị xử phạt và xử lý theo các quy định trên, đồng thời có thể phải chịu trách nhiệm thanh toán các khoản phạt vi phạm hoặc bồi thường thiệt hại khác nếu có thoả thuận với nhà đầu tư. 

 

Bình luận:

Từ khóa: 

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi