Đây là một trong rất nhiều nội dung mới tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP (“Nghị định 35”) của Chính phủ ngày 28/5/2022 quy định về quản lý khu công nghiệp (“KCN”), khu kinh tế (“KKT”) ngày 28/5/2022. Nghị định 35 thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP (“Nghị định 82”) và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/07/2022. So với Nghị định 82, Nghị định 35 được cho là hoàn thiện, ưu việt hơn khi các quy định trong các Điều của Nghị định được xác định phù hợp với thực tế, giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Nghị định này có các sửa đổi, bổ sung nổi bật doanh nghiệp cần quan tâm như sau:
1. Bổ sung một số nội dung liên quan đến KCN và các mô hình KCN mới
a. Bổ sung loại hình KCN chuyên ngành. Đây là loại hình KCN chuyên sản xuất và cung ứng dịch vụ cho sản xuất các sản phẩm thuộc một ngành, nghề nhất định như: dệt may, da giày, điện tử, ô tô... Tỷ lệ diện tích đất công nghiệp cho các dự án đầu tư vào ngành, nghề này thuê đất, thuê lại đất tối thiểu đạt 60% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê của KCN. Việc bổ sung thêm loại hình KCN này nhằm mục tiêu hình thành liên kết sản xuất và đẩy mạnh hợp tác sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành trong KCN.
b. Bổ sung loại hình KCN công nghệ cao. Đây là loại hình là KCN có các dự án đầu tư khoa học và công nghệ, công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường, khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, giáo dục và đào tạo, sản xuất hàng công nghiệp và cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp. Tỷ lệ diện tích đất công nghiệp cho các dự án đầu tư khoa học và công nghệ, công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường, khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, giáo dục và đào tạo thuê đất, thuê lại đất tối thiểu đạt 30% diện tích đất công nghiệp của KCN. Việc bổ sung thêm loại hình KCN này nhằm mục tiêu nâng cao trình độ và năng lực công nghệ, kỹ năng sản xuất tiên tiến, hiện tại của các doanh nghiệp trong KCN.
c. Bổ sung khu phi thuế quan trong KTT. Đây là khu vực có ranh giới địa lý được xác định trong quy hoạch chung xây dựng KTT, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện vận tải, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh, hàng hóa, phương tiện vận tải và người ra vào; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.
d. Bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ và hợp tác phát triển, tiêu chí xác định, ưu đãi, chứng nhận, trình tự, thủ tục đăng ký chứng nhận KCN sinh thái[1]. Bổ sung này góp phần thúc đẩy chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
Đây là các bổ sung mang lại lợi ích trực tiếp cho nhà đầu tư, tạo điều kiện cho nhà đầu tư lựa chọn mô hình phát triển phù hợp với doanh nghiệp.
2. Cho phép người lao động được tạm trú, lưu trú trong KCN
Khác với quy định hiện hành, không cho phép dân cư sinh sống tại KCN, khu chế xuất, Điều 25 Nghị định 35 quy định: Chuyên gia, người lao động được phép tạm trú, lưu trú ở cơ sở lưu trú tại KCN để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và thực hiện theo quy định.
Về cơ sở lưu trú, Nghị định 35 quy định khi xác định các KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải đảm bảo quỹ đất để quy hoạch xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc tối thiểu là 2% tổng diện tích của các KCN[2].
Những quy định mới này là một đổi mới tiến bộ nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế KCN bởi để ổn định sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì công nhân phải an cư, đồng thời phù hợp với định hướng mới của Chính phủ về chuyển đổi KCN sang phát triển khu đô thị – dịch vụ theo Điều 13 Nghị định này.
3. Bổ sung quy định về thẩm quyền quản lý người lao động trong KCN
Bổ sung quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Ban quản lý KCN, KTT đối với lao động làm việc trong KCN, KTT[3] như sau:
a. Cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
b. Tổ chức thực hiện đăng ký nội quy lao động.
c. Nhận báo cáo về việc kết quả đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề hằng năm.
d. Nhận thông báo tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm của doanh nghiệp.
4. Sửa đổi quy định về thẩm quyền theo dõi tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp
Điều 73 Nghị định 35 bổ sung thẩm quyền đánh giá, theo dõi báo cáo tình hình thay đổi lao động, báo cáo tình hình hoạt động cho thuê lại lao động không của doanh nghiệp trong KCN, KTT đối với các cơ quan sau: cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện và Ban quản lý KCN, KTT.
Nghị định này sẽ có hiệu lực vào ngày 15/07/2022.
[1] Mục 4 Chương IV Nghị định 35.
[2] Điều 4.4(d) Nghị định 35.
[3] Điều 72 Nghị định 35.
Bình luận: