ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NHẰM THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ TRONG VẤN ĐỀ MUA SẮM VÀ QUẢN LÝ TÀI SẢN CÔNG

ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NHẰM THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ TRONG VẤN ĐỀ MUA SẮM VÀ QUẢN LÝ TÀI SẢN CÔNG

2024-04-05 18:53:09 301

Ngày 04/04/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 277/QĐ-TTg (“Quyết định 277”) phê duyệt phương án đơn giản hóa 18 thủ tục hành chính nội bộ trọng tâm ưu tiên thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính. Theo đó, trong năm 2024, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với 18 loại thủ tục, trong đó có 1 số nội dung đáng chú ý sau:

1. Đơn giản hóa thủ tục liên quan đến sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của cơ quan, tổ chức

Các thủ tục liên quan đến sắp xếp lại, xử lý nhà, đất (sau đây gọi chung là Sắp Xếp Lại Nhà Đất”) của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc trung ương quản lý được đơn giản hóa bao gồm:

  • Trình tự thực hiện Sắp Xếp Lại Nhà Đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc trung ương quản lý trên địa bàn các tỉnh, thành phố (trừ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng);
  • Trình tự thực hiện Sắp Xếp Lại Nhà Đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cấp I thuộc trung ương quản lý trên địa bàn các thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng;
  • Trình tự thực hiện Sắp Xếp Lại Nhà Đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý;

Phương án đơn giản hóa được đưa ra là:

  • Phân cấp thẩm quyền cơ quan chủ trì kiểm tra hiện trạng nhà, đất của cơ quan trung ương tại các địa phương từ bộ, cơ quan trung ương về cho cơ quan quản lý cấp trên của cơ quan, tổ chức, đơn vị/cơ quan, đơn vị cấp tỉnh (đối với các bộ, cơ quan trung ương, tổng cục hoặc tương đương được tổ chức ngành dọc)/đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp có nhà, đất phải sắp xếp.
  • Quy định chung thống nhất 01 thủ tục hành chính Sắp Xếp Lại Nhà Đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cấp I thuộc trung ương quản lý trên địa bàn 63 địa phương trên toàn quốc (không phân biệt 05 thành phố lớn và các địa phương còn lại).

2. Phương án giúp tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị thuê, mua sắm, sử dụng tài sản công

a. Đối với thủ tục mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập trong trường hợp không phải lập thành dự án đầu tư

Hiện nay, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP chỉ cho phép người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư quyết định mua sắm tài sản (trừ cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và từ nguồn vốn vay, vốn huy động theo chế độ quy định để phục vụ cho các hoạt động sự nghiệp và hoạt động kinh doanh của đơn vị. Còn đối với những trường hợp mua sắm sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp sử dụng nhiều nguồn vốn để mua sắm trong đó có vốn ngân sách nhà nước thì thẩm quyền quyết định thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp đó.

Quyết định 277 đưa ra Phương án đơn giản hóa là: các cơ quan quản lý sẽ phân cấp thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản phục vụ hoạt động của đơn vị về người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư mà không giới hạn về nguồn vốn để mua sắm tài sản.

b. Đối với thủ tục ban hành quyết định thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị

Khoản 1 Điều 38 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP cho phép người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư quyết định mua thuê tài sản (trừ cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) tuy nhiên, loại trừ thẩm quyền trong trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Phương án đơn giản hóa cho phép các cơ quan có thẩm quyền có thể phân thẩm quyền quyết định thuê tài sản phục vụ hoạt động của đơn vị sự nghiệp về người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập mà không giới hạn về nguồn vốn để thuê.

c. Đối với thủ tục phê duyệt đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê

Điều 44 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định khi lập đề án sử dụng tài sản công là cơ sở hoạt động sự nghiệp có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 tỷ đồng trở lên thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ (đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trung ương quản lý), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải xin ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp (đối với đơn vị sự nghiệp thuộc địa phương quản lý) trước khi phê duyệt.

Quyết định 277 đưa ra phương án đơn giản hóa thủ tục này bằng việc bỏ qua bước xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, bổ sung hướng dẫn chi tiết cách xây dựng Mẫu Đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh/cho thuê/liên doanh, liên kết tại mục II về nội dung chủ yếu của đề án như phương án sử dụng tài sản công, cách kê khai, lập phương án sử dụng tài sản công.

d. Đối với thủ tục phê duyệt đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết

Điểm c khoản 4 điều 44 nghị định 151/2017 quy định hồ sơ lấy ý kiến Bộ Tài chính, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh gồm:

  • Văn bản đề nghị kèm theo ý kiến đề xuất của bộ, cơ quan trung ương, Sở Tài chính về đề án sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết của đơn vị: 01 bản chính;
  • Đề án sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết của đơn vị: 01 bản;
  • Văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của đơn vị: 01 bản sao;
  • Các hồ sơ có liên quan khác (nếu có): 01 bản sao;

Nhằm giảm tạo điều kiện cho đối tượng thực hiện, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, phương án đơn giản hóa được kiến nghị tại Quyết định 277 bao gồm:

  • Bổ sung thêm trong thành phần hồ sơ: văn bản báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của Sở Tài chính.
  • Bổ sung hướng dẫn chi tiết cách xây dựng Mẫu Đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh/cho thuê/liên doanh, liên kết.

Quyết định 277 có hiệu lực từ ngày 04/04/2024.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi