ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG ƯU TIÊN THU HÚT CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ MANG TÍNH CHẤT KẾT NỐI LIÊN VÙNG, LIÊN TỈNH

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG ƯU TIÊN THU HÚT CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ MANG TÍNH CHẤT KẾT NỐI LIÊN VÙNG, LIÊN TỈNH

2023-07-14 18:36:08 1588

Đồng bằng sông Cửu Long ("ĐBSCL") được xác định là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước và là “vựa lúa” của Việt Nam. Ngày 07/07/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 816/QĐ-TTg (“Quyết định 816”) năm 2023 về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Quyết định 816 đề ra 3 nhóm mục tiêu trọng tâm trong quy hoạch phát triển ĐBSCL là: (i) Phát triển theo hướng kinh tế nông nghiệp giá trị cao, hiệu quả cao; (ii) Phát triển khu vực đô thị - công nghiệp động lực; và (iii) Xây dựng môi trường sống tốt, điểm đến hấp dẫn.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Chính phủ xác định phương hướng đầu tư tại ĐBSCL là: nhấn mạnh và tập trung đối với các dự án phát triển hạ tầng mang tính kết nối liên vùng, liên tỉnh, cụ thể:

a) Đối với các dự án đầu tư công, ưu tiên các dự án có tính kết nối liên vùng, liên tỉnh;

b) Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn khác: ưu tiên các dự án về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, bao gồm:

  • Trung tâm đầu mối nông nghiệp, bến cảng đường thủy nội địa, cảng biển, hạ tầng logistics;
  • Cấp nước sạch;
  • Phát triển nguồn điện;
  • Cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thương mại, dịch vụ.

Chi tiết hoá phương hướng đầu tư nói trên, Quyết định 816 đưa ra một loạt các chương trình, dự án trong từng lĩnh vực:

1. Lĩnh vực hạ tầng nông nghiệp: Phát triển 08 trung tâm đầu mối về nông nghiệp, trong đó có trung tâm đầu mối tổng hợp cấp vùng

Mục tiêu đến năm 2030, ĐBSCL sẽ có 08 trung tâm đầu mối (TTĐM) về nông nghiệp tại  Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Tiền Giang và Bến Tre. Trong đó, Cần Thơ sẽ là TTĐM có chức năng tổng hợp cấp vùng với chức năng chính là thương mại, logistics, nghiên cứu phát triển, đào tạo và chuyển giao công nghệ, công nghiệp chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông sản.

2. Lĩnh vực hạ tầng giao thông: Phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế

Mục tiêu đến năm 2030, ĐBSCL sẽ xây dựng mới và nâng cấp 830km đường bộ cao tốc, 4.000km đường quốc lộ; xây dựng thêm 2 cảng hàng không tại Rạch Giá, Cà Mau; xây dựng và nâng cấp 13 cảng biển, 24 cụm cảng đường thuỷ nội địa.

3. Lĩnh vực cấp nước sạch: Phát triển hệ thống nhà máy cấp nước, trạm bơm nước thô quy mô vùng liên tỉnh

Theo đó, 06 nhà máy nước và cụm nhà máy nước đã được lên quy hoạch, cụ thể:

  • Hệ thống nhà máy nước Sông Tiền 1 (Tiền Giang);
  • Nhà máy nước cấp nước thô hoặc nước sạch tại Tiền Giang, Long An và Bến Tre;
  • Hệ thống nhà máy nước sông Tiền 2 (Vĩnh Long, Đồng Tháp)
  • Hệ thống cụm nhà máy nước sông Hậu 1 (Cần Thơ, Hậu Giang);
  • Hệ thống nhà máy nước sông Hậu 2 (An Giang);
  • Hệ thống Nhà máy nước sông Hậu 3 (An Giang).

4. Lĩnh vực phát triển nguồn điện: Tập trung phát triển nhiệt điện

Theo kế hoạch, ĐBSCL sẽ tập trung triển khai các nhà máy nhiệt điện tại Long An, Bạc Liêu, An Giang (Sông Hậu II), Cần Thơ (Ô Môn I, II, III, IV). Ngoài ra, sẽ có nhiều dự án xây dựng và nâng cấp đường dây 500KV và 220KV được triển khai song song nhằm đáp ứng nhu cầu của đời sống kinh tế - xã hội của các địa phương.

Quyết định 816/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 07/7/2023.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi