ĐÚNG HAY SAI VIỆC NGÂN HÀNG ÁP DỤNG LÃI KÉP CHO DƯ NỢ THẺ TÍN DỤNG?

ĐÚNG HAY SAI VIỆC NGÂN HÀNG ÁP DỤNG LÃI KÉP CHO DƯ NỢ THẺ TÍN DỤNG?

2024-03-22 18:26:49 1275

Vụ việc khách hàng nợ 8 triệu thẻ tín dụng sau 11 năm thành nợ 8 tỷ tại Ngân hàng Eximbank vừa qua đã thu hút sự chú ý của cơ quan báo chí, truyền thông và cả giới luật sư, chuyên gia pháp lý. Đến nay, Ngân hàng Eximbank đã ra một thông báo chính thức về vụ việc, tự thừa nhận rằng cách tính lãi thông báo trước đây là chưa phù hợp và sẽ tiến hành giải quyết với khách hàng để đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các bên. Ngoài ra, có rất nhiều bài báo từng đề cập việc Ngân hàng Eximbank đã sử dụng cách tính lãi kép trên khoản vay cho khách hàng và phân tích rõ về cách tính lãi kép này.

Xuất phát từ vụ việc trên, rất nhiều khách hàng đã bày tỏ những thắc mắc và e ngại của mình với Công ty Luật TNHH Toàn cầu ATA. Trong đó, điều khách hàng quan tâm nhất là, liệu việc ngân hàng tính lãi kép cho các khoản vay thẻ tín dụng là đúng hay sai và làm thế nào để biết được ngân hàng đang áp dụng tính lãi kép cho mình?

Để phần nào giải đáp cho khách hàng, chúng tôi đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Ngọc Anh – Luật sư Điều hành, Giám đốc Công ty Luật TNHH Toàn cầu ATA để phần nào làm rõ những vấn đề pháp lý có liên quan.

Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Anh - Giám đốc, Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Toàn cầu ATA

1. Với vụ việc của Eximbank và khách hàng vừa qua, bà có nhận định như thế nào về cách tính lãi dư nợ thẻ tín dụng của Eximbank?

Về nguyên tắc, khách hàng nợ ngân hàng hay dùng thẻ tín dụng của bất kỳ ngân hàng nào thì đều phải trả nợ gốc và lãi. Nếu khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi thì còn phải chịu lãi quá hạn, lãi chậm trả, phạt vi phạm và các khoản phí khác theo quy định tại hợp đồng tín dụng đã giao kết. Riêng về cách tính lãi quá hạn, lãi chậm trả, như các đơn vị thông tấn, báo chí đã đưa tin thì các ngân hàng thường sử dụng 2 cách tính lãi: (i) tính trên dư nợ gốc; và (ii) tính trên dư nợ gộp (hay còn gọi là lãi kép). Với cách tính trên dư nợ gộp, nếu khách hàng không thanh toán đầy đủ các khoản nợ lãi, lãi chậm trả phát sinh thì toàn bộ các khoản này tại kỳ hiện tại sẽ được gộp vào dư nợ để tính lãi chậm trả, lãi quá hạn của kỳ sau. Cách tính này khiến phần dư nợ của khách hàng tăng lên nhanh chóng như trường hợp của Eximbank vừa qua.

Cách tính lãi kép của Eximbank hay các ngân hàng tuy không trái quy định pháp luật nhưng thực sự là rất bất lợi cho khách hàng. Bản chất ngân hàng chỉ cấp 1 khoản nợ gốc nhưng với cách tính này, dư nợ dùng để tính lãi liên tục tăng lên khiến cho khoản lãi phát sinh ngày một lớn. Đồng thời, khi lãi đã nhập gốc thì khoản lãi đó sẽ lại tiếp tục “đẻ” thêm các khoản lãi, lãi chậm trả, phạt vi phạm, phí phát sinh… “con” không hồi kết.

2. Như bà có nói, cách tính lãi kép là không trái quy định pháp luật. Bà có thể nói rõ về vấn đề này không ạ?

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14/2017/TT-NHNN về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng.

Theo Thông tư 14, số tiền lãi phát sinh từ khoản vay của khách hàng được xác định theo công thức như sau:

Trong đó, Số dư thực tế là số dư đầu ngày tính lãi của số dư nợ gốc trong hạn, số dư nợ gốc quá hạn, số dư lãi chậm trả thực tế mà bên nhận cấp tín dụng còn phải trả cho bên cấp tín dụng được sử dụng để tính lãi theo thỏa thuận và quy định của pháp luật.

Với quy định như trên, rõ ràng là pháp luật đang cho phép các ngân hàng có thể sử dụng số dư nợ gộp để tính lãi phát sinh.

3. Vậy với các ngân hàng, họ đang quy định về cách tính lãi như thế nào thưa bà?

Trên thực tế, hầu hết các ngân hàng đều đang đưa vào hợp đồng mở và sử dụng thẻ tín dụng nội dung điều khoản quy định về dư nợ tính lãi phát sinh từ khoản nợ/ dư nợ thẻ theo cách xác định dư nợ gộp. Thậm chí một số ngân hàng còn quy định số dư nợ thẻ bao gồm tất cả các khoản phải trả liên quan đến việc sử dụng thẻ (bao gồm nhưng không giới hạn: dư nợ gốc, lãi vay, lãi chậm trả, phạt vi phạm, phí phát sinh …) mà chưa được Chủ thẻ thanh toán cho ngân hàng.

Tôi không khẳng định rằng, khi các ngân hàng quy định như vậy trong hợp đồng tức là họ đều áp dụng phương pháp sử dụng dư nợ gộp để tính lãi. Nhiều ngân hàng khẳng định vẫn áp dụng phương pháp tính lãi trên dư nợ gốc. Tuy nhiên, với việc hợp đồng ghi nhận phương pháp tính lãi theo dư nợ gộp nêu trên, sẽ có thể vẫn có những trường hợp bị áp dụng tính lãi kép như trường hợp của khách hàng tại Eximbank, mà bản thân khách hàng không thể kiểm soát được và hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách của các ngân hàng từng thời kỳ.

4. Hiện nay, nhiều khách hàng lo lắng vấn đề lãi kép nên đã suy nghĩ đến việc đóng hết các thẻ tín dụng. Bà có lời khuyên gì cho khách hàng về vấn đề này?

Chúng tôi không phủ nhận những lợi ích mà thẻ tín dụng mang lại cho bản thân khách hàng và nền kinh tế. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn khách hàng khi sử dụng thẻ cũng như trước khi vay vốn tín dụng, cần phải có những đánh giá đầy đủ và cẩn trọng về nhu cầu sử dụng vốn cũng như năng lực tài chính của mình để tránh bị lâm vào tình trạng chậm trả hoặc không có khả năng trả nợ.

Đối với vấn đề lãi kép, căn cứ trên quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khách hàng khi giao kết hợp đồng mở và sử dụng thẻ hoàn toàn có quyền yêu cầu ngân hàng/ đại diện của ngân hàng cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến thẻ tín dụng, trong đó có thông tin về cách xác định lãi phát sinh. Theo đó, khách hàng có thể yêu cầu ngân hàng làm rõ việc xác định lãi phát sinh theo dư nợ gốc hay dư nợ gộp của thẻ tín dụng hoặc yêu cầu cung cấp bảng minh hoạ trong đó trình bày rõ phương pháp xác định lãi phát sinh từ thẻ tín dụng. Khách hàng có thể lưu giữ những tài liệu thể hiện những nội dung làm rõ này từ cán bộ ngân hàng để sử dụng bảo vệ quyền lợi của mình khi phát sinh các vụ việc có liên quan.

Vâng, xin cảm ơn bà!

Liên quan đến vụ việc Eximbank và khách hàng nợ thẻ 8,8 tỷ đồng, Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh cũng từng có những nhận xét, đánh giá về quy trình thu thập thông tin khách hàng, quy trình giao kết hợp đồng cũng như các quy trình giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng (trong đó có hợp đồng mở và sử dụng thẻ tín dụng) trong nội bộ hệ thống của các ngân hàng. Chi tiết được đăng tải trên Báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam) (https://baotintuc.vn/tai-chinh-ngan-hang/eximbank-va-khach-hang-no-the-88-ty-dong-mong-som-giai-quyet-dut-diem-vu-viec-20240320182622727.htm).

Bình luận:

Từ khóa:  Eximbank

,  

lãi kép

,  

dư nợ

,  

thẻ tín dụng

,  

ngân hàng

,  

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi