Ngày 27/07/2023, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (“UBND”) ban hành Công văn số 2326/UBND-TNMT (“Công văn 2326”) về việc thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Một số nội dung đáng chú ý tại Công văn 2326 như sau:
1. Hoàn thành việc xác định vi phạm, phân loại dự án và đề xuất phương án xử lý chậm nhất trong tháng 11/2023
Trong thời gian vừa qua, UBND Tp. Hà Nội đã tiến hành rà soát đối với 712 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất nhưng chậm triển khai trên địa bàn nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn thành phố. Đến nay, đã có 419 dự án được xử lý, còn lại 293 dự án, UBND thành phố xác định sẽ tập trung xử lý xong trong tháng 11 năm 2023 bao gồm:
(i) 50 Dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất;
(ii) 150 Dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất;
(iii) 93 Dự án do UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất mới: Tiếp tục kiểm tra, thanh tra, kết luận và kiến nghị xử lý;
Trên cơ sở phân loại và phương án xử lý, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành quyết định xử lý thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động, dừng thực hiện dự án.
Thời hạn hoàn thành các công tác nêu trên: chậm nhất trong tháng 11/2023.
Địa bàn tập trung ưu tiên là những quận, huyện, thị xã có số lượng dự án chậm triển khai lớn gồm: Long Biên, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì, Hoài Đức.
2. Siết chặt vấn đề lập và điều chỉnh quy hoạch dự án
a. Giải quyết, xử lý dứt điểm tồn tại các dự án chậm triển khai do nguyên nhân khách quan phải điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án đầu tư cho phù hợp với Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu điều chỉnh;
b. Khẩn trương hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, làm cơ sở để các Chủ đầu tư nghiên cứu điều chỉnh Dự án theo quy định;
c. Việc chậm hoặc không điều chỉnh, không thực hiện dự án theo quy hoạch được xem xét là một điều kiện để thu hồi dự án, không tiếp tục giao thực hiện đối với các dự án khác.
d. Tránh tình trạng Chủ đầu tư lợi dụng việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư để hợp thức hoá việc gia hạn tiến độ thực hiện các dự án chậm triển khai, kéo dài thời gian phải thực hiện của dự án; dự án đã được phê duyệt theo quy hoạch rồi lại đề xuất điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh lại dự án đầu tư;
3. Tăng cường thanh tra, giám sát các dự án đầu tư có sử dụng đất
a. Giám sát, đôn đốc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và có kết luận đối với từng dự án;
b. Tiếp tục kiểm tra, rà soát việc thực hiện của các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa đưa đất vào sử dụng sau 12 tháng kể từ ngày nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; các dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai; v.v. và các dự án đã hết thời gian gia hạn sử dụng đất 24 tháng để tiếp tục xử lý và đề xuất các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật;
c. Tập trung kiểm tra, đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế của từng dự án đầu tư;
d. Thường xuyên rà soát, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát công tác quản lý trật tự xây dựng đối với các Dự án;
e. Công khai, minh bạch thông tin đối với các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, thuế, xây dựng.
Công văn 2326 có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Bình luận: