HÃNG HÀNG KHÔNG PHẢI THANH TOÁN CÁC CHI PHÍ LIÊN QUAN CHO HÀNH KHÁCH KHÔNG ĐƯỢC VẬN CHUYỂN THEO ĐÚNG THÔNG TIN ĐÃ XÁC NHẬN

HÃNG HÀNG KHÔNG PHẢI THANH TOÁN CÁC CHI PHÍ LIÊN QUAN CHO HÀNH KHÁCH KHÔNG ĐƯỢC VẬN CHUYỂN THEO ĐÚNG THÔNG TIN ĐÃ XÁC NHẬN

2023-07-21 19:01:51 880

Ngày 30/06/2023, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 19/2023/TT-BGTVT (“Thông tư 19”) sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các thông tư quy định liên quan đến vận tải hàng không, trong đó tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi của hành khách, doanh nghiệp sử dụng phương thức vận tải hàng không, cụ thể như sau:

1. Bổ sung nghĩa vụ tối thiểu của người vận chuyển (các hãng hàng không) đối với hành khách đã xác nhận chỗ, có vé trên chuyến bay nhưng không được vận chuyển theo đúng thông tin xác nhận

Trước đây Thông tư 81/2014/TT-BGTVT (“Thông tư 81”) cũng đã quy định nghĩa vụ tối thiểu của người vận chuyển đối với hành khách khi hành khách không được vận chuyển do chuyến bay bị chậm, bị huỷ, khởi hành sớm, hành khách bị từ chối bay, v.v.. Theo đó, hãng hàng không phải bảo đảm việc ăn, nghỉ, đi lại cho hành khách cũng như thực hiện các công việc khác để bảo đảm quyền lợi cho hành khách.

Tại Thông tư 19 có bổ sung thêm các nghĩa vụ tối thiểu mà hãng hàng không phải thực hiện như sau:

  1. Phải thông báo ngay cho hành khách về việc thay đổi thời gian khởi hành chuyến bay. Tuy nhiên, Thông tư không làm rõ hình thức thông báo như thế nào. Theo chúng tôi, để bảo đảm quyền lợi của khách hàng, hãng hàng không cần phải thông báo bằng chính hình thức mà hãng hàng không đã xác nhận chỗ trước đó cho khách hàng kết hợp cả những biện pháp phù hợp khác tuỳ vào tính khẩn cấp của thông báo đó;
  2. Phải xin lỗi hành khách: việc này nhấn mạnh thái độ phục vụ và chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không;
  3. Ngoài việc bảo đảm việc ăn, nghỉ, đi lại, phải chịu các chi phí khác liên quan trực tiếp phù hợp với thời gian chờ đợi tại cảng hàng không được quy định trong Điều lệ vận chuyển. Đây là một quy định mới, bổ sung thêm quyền lợi cho hành khách. Việc thay đổi quy định pháp luật sẽ giúp hành khách và các hãng hàng không có cơ chế để làm việc thuận lợi hơn và linh hoạt hơn đối với từng trường hợp. Lấy đơn cử như theo Điều lệ vận chuyển của Vietnam Airlines, hãng có chính sách: “hoàn lại những chi phí hợp lý của Hành khách về chỗ ở, ăn uống, thông tin và đi lại từ/ đến sân bay và bồi thường những thiệt hại mà Hành khách phải chịu theo quy định được thông báo công khai của Hãng.” Trong trường hợp phát sinh nghĩa vụ tối thiểu, Vietnam Airlines hoàn toàn có thể thay vì bố trí phòng nghỉ, phương tiện đi lại cho khách hàng thì đề nghị khách hàng tự bố trí và hoàn lại tương ứng, đồng thời có thể bồi thường cả những thiệt hại trực tiếp khác khi có đầy đủ cơ sở thực tiễn và pháp lý.

2. Thay đổi phương thức và cơ sở xác định chuyến bay bị chậm hoặc chuyến bay khởi hành sớm

Thông tư 81 quy định “Chuyến bay bị chậm/bị sớm là chuyến bay có giờ khởi hành thực tế (tính từ thời điểm rút chèn tàu bay) muộn hơn/sớm hơn 15 phút so với thời gian dự kiến cất cánh theo lịch bay của hãng hàng không được công bố cập nhật đến 15 giờ của ngày hôm trước ngày chuyến bay dự kiến khai thác”. Theo đó, việc xác định sẽ căn cứ vào 2 yếu tố: (i) giờ khởi hành thực tế là thời điểm rút chèn tàu bay; và (ii) lịch bay cập nhật đến 15 giờ của ngày hôm trước.

Thông tư 19 có sự điều chỉnh đối với 2 yếu tố này, cụ thể:

  1. Thời gian khởi hành thực tế: được tính là thời gian thực tế tàu bay được đẩy hoặc bắt đầu di chuyển khỏi vị trí đỗ.
  2. Lịch bay căn cứ: là lịch bay cập nhật đến 22h (giờ Hà Nội) của ngày hôm trước.

Theo đó, hành khách cần lưu ý để cập nhật lịch bay chuẩn xác, đồng thời có phương hướng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi gặp tình huống chuyến bay không xuất phát đúng lịch.

3. Giảm bớt thành phần hồ sơ, thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký xuất vận đơn hàng không thứ cấp

Khoản 1 Điều 141 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 quy định: vận đơn hàng không thứ cấp là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giao nhận hàng hóa để vận chuyển bằng đường hàng không giữa doanh nghiệp giao nhận hàng hóa và người gửi hàng, điều kiện của hợp đồng và việc đã tiếp nhận hàng hóa để vận chuyển.

Doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký xuất vận đơn hàng không thứ cấp tại cơ quan thẩm quyền. Trường hợp đáp ứng, doanh nghiệp sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký xuất vận đơn hàng không thứ cấp.

Theo đó, Thông tư 19 đã có những quy định mang tính cởi mở và tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục này, cụ thể:

  1. Cho phép việc nộp hồ sơ điện tử;
  2. Chỉ cần 2 thành phần trong hồ sơ là: 1- Văn bản đề nghị; và 2- Vận đơn hàng không thứ cấp của doanh nghiệp giao nhận. Thành phần hồ sơ tại Thông tư 19 đơn giản hơn rất nhiều so với thành phần hồ sơ nêu tại Thông tư 81 trước đó.
  3. Thời gian xem xét hồ sơ được điều chỉnh từ 05 ngày làm việc xuống còn 03 ngày làm việc;
  4. Thời gian thực hiện nộp phí không tính vào thời gian giải quyết thủ tục hành chính;
  5. Điều chỉnh thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký xuất vận đơn hàng không thứ cấp từ Cục hàng không Việt Nam sang Cảng vụ Hàng không.

Thông tư 19 có hiệu lực từ ngày 01/09/2023.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi