HẬU QUẢ DO VI PHẠM NGHĨA VỤ THÔNG BÁO TẬP TRUNG KINH TẾ?

HẬU QUẢ DO VI PHẠM NGHĨA VỤ THÔNG BÁO TẬP TRUNG KINH TẾ?

2022-08-23 14:08:05 414

Câu hỏi:

Công ty A sáp nhập vào Công ty B. Sau giao dịch, tổng tài sản của Công ty B là 3500 tỷ. Giao dịch được thực hiện từ năm 2020. Tại thời điểm giao dịch được thực hiện, các công ty chưa thực hiện thủ tục thông báo TTKT. Vậy các công ty có phải tiếp tục thực hiện thủ tục này không? Nếu không thực hiện TB TTKT thì nguy cơ/ rủi ro pháp lý mà các công ty phải gánh chịu là gì?

Trả lời:

Theo Điều 29.1(a) Luật Cạnh tranh 2018, việc sáp nhập của Công ty A vào Công ty B được coi là một hình thức tập trung kinh tế. Tuy nhiên, việc liệu các Công ty có phải thực hiện thủ tục thông báo tập trung kinh tế tại thời điểm thực hiện sáp nhập hay không phụ thuộc nhiều yếu tố. Cụ thể:

Theo Điều 13.1 Nghị định 35/2020/NĐ-CP, các doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục thông báo tập trung kinh tế cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trước khi thực hiện tập trung kinh tế nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  1. Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.
  2. Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
  3. Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế từ 1.000 tỷ đồng trở lên;
  4. Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.

Xét yếu tố tổng tài sản của doanh nghiệp tham gia giao dịch, ngưỡng 3.000 tỷ đồng được xác định đối với các doanh nghiệp theo số liệu Báo cáo tài chính năm liền kề trước khi tập trung kinh tế chứ không phải là tổng tài sản kết hợp của các doanh nghiệp sau giao dịch. Tại đây, thông tin khách hàng cung cấp chưa nêu rõ số liệu tổng tài sản trước khi sáp nhập (tập trung kinh tế) của mỗi Công ty A, Công ty B hay số liệu tổng tài sản hợp nhất của công ty mẹ mà công ty A hoặc Công ty B là thành viên. Do đó, chưa thể khẳng định giao dịch của các Công ty này thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục thông báo tập trung kinh tế theo Điều 13 Khoản 1 Điểm a Nghị định số 35/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Cạnh tranh.

Khách hàng cần cung cấp thêm thông tin để chúng tôi xem xét và xác định trường hợp này có cần phải thực hiện thủ tục thông báo tập trung kinh tế theo quy định của pháp luật cạnh tranh hay không.

Tuy nhiên, nếu thuộc trường hợp thuộc ngưỡng quy định mà các Công ty lại vi phạm nghĩa vụ, các Công ty sẽ có nguy cơ bị xử phạt theo quy định tại Điều 14 và 15 Nghị định số 75/2019/NĐ-CP ngày 26/09/2019, cụ thể:

Điều 14. Hành vi không thông báo tập trung kinh tế

Phạt tiền từ 01% đến 05% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế mà không thực hiện nghĩa vụ thông báo theo quy định tại Điều 33 của Luật Cạnh tranh.

Điều 15. Hành vi vi phạm pháp luật về tập trung kinh tế khác

  1. Phạt tiền từ 0,5% đến 01% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế đối với một trong các hành vi sau đây:
  1.  Thực hiện tập trung kinh tế khi chưa có thông báo kết quả thẩm định sơ bộ của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quy định tại khoản 2 Điều 36 của Luật Cạnh tranh, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật Cạnh tranh;
  2.  Thực hiện việc tập trung kinh tế khi Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chưa ra quyết định quy định tại Điều 41 của Luật Cạnh tranh trong trường hợp hành vi tập trung kinh tế phải thẩm định chính thức.

     2. Phạt tiền từ 01% đến 03% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế đối với hành vi sau đây:

  1. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ điều kiện được thể hiện trong quyết định về tập trung kinh tế quy định tại điểm b khoản 1 Điều 41 của Luật Cạnh tranh;
  2. Thực hiện tập trung kinh tế trong trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 41 của Luật Cạnh tranh.”

Trường hợp này, giao dịch sáp nhập đã xảy ra và các công ty chưa hề nộp hồ sơ tập trung kinh tế lên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước đó, nếu thuộc diện phải thực hiện nghĩa vụ thì sẽ bị coi là hành vi “Không thông báo tập trung kinh tế” và bị áp dụng Điều 14 Nghị định số 75/2019/NĐ-CP ở trên. Tùy vào mức độ ảnh hưởng của giao dịch đối với thị trường, giá trị giao dịch, các vi phạm của các công ty trong quá khứ…, cơ quan Nhà nước thẩm quyền sẽ cân nhắc, quyết định mức phạt tiền trong khoảng thấp nhất là 01% và cao nhất là 05% tổng doanh thu của cả Công ty A và Công ty B. Giá trị tổng doanh thu này được xác định theo Báo cáo tài chính năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng Công ty – tức Báo cáo tài chính năm 2019 (do giao dịch thực hiện năm 2020).

Trong trường hợp giao dịch sáp nhập giữa Công ty A và Công ty B thuộc diện giao dịch bị cấm, Công ty B – công ty nhận sáp nhập còn có nguy cơ bị phạt theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 75/2019/NĐ-CP:

Điều 10. Hành vi sáp nhập doanh nghiệp bị cấm

  1. Phạt tiền doanh nghiệp nhận sáp nhập từ 01 % đến 05 % tổng doanh thu trên thị trường liên quan của doanh nghiệp nhận sáp nhập và doanh nghiệp bị sáp nhập trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi sáp nhập bị cấm theo quy định tại Điều 30 của Luật Cạnh tranh.
  2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
  1.  Buộc chia, tách doanh nghiệp đã sáp nhập;
  2.  Buộc chịu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ hoặc các điều kiện giao dịch khác trong hợp đồng của doanh nghiệp nhận sáp nhập.

Như vậy, có thể thấy rằng, hành vi vi phạm nghĩa vụ thông báo tập trung kinh tế trong giao dịch M&A có thể khiến cho các doanh nghiệp gặp rủi ro pháp lý rất lớn. Do đó, vấn đề này cần phải được các doanh nghiệp hết sức chú trọng trong quá trình triển khai các hoạt động đầu tư, mở rộng hệ thống bằng phương thức mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.

Bình luận:

Từ khóa: 

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi