HIỆN NAY THỊ TRƯỜNG CÓ HÌNH THỨC CÁC NGÂN HÀNG, CÔNG TY CHỨNG KHOÁN PHÂN PHỐI CÁC SẢN PHẨM TRÁI PHIẾU CHO CÁC NHÀ ĐẦU TƯ MUA NHƯ 1 DẠNG GỬI TIỀN TIẾT KIỆM. NGHỊ ĐỊNH 65 CÓ CHO PHÉP TIẾP TỤC THỰC HIỆN HÌNH THỨC NÀY KHÔNG?

HIỆN NAY THỊ TRƯỜNG CÓ HÌNH THỨC CÁC NGÂN HÀNG, CÔNG TY CHỨNG KHOÁN PHÂN PHỐI CÁC SẢN PHẨM TRÁI PHIẾU CHO CÁC NHÀ ĐẦU TƯ MUA NHƯ 1 DẠNG GỬI TIỀN TIẾT KIỆM. NGHỊ ĐỊNH 65 CÓ CHO PHÉP TIẾP TỤC THỰC HIỆN HÌNH THỨC NÀY KHÔNG?

2022-09-23 18:11:31 317

Trước đây, thị trường trái phiếu nói chung và trái phiếu doanh nghiệp nói riêng là sân chơi riêng của các công ty, tập đoàn tài chính, ngân hàng, các quỹ đầu tư, v.v. Bởi lẽ, chỉ có các tổ chức này mới có đủ vốn, kiến thức tài chính và quản trị rủi ro để tham gia các sân chơi trị giá nghìn tỷ này.

Tuy nhiên, hiện nay thị trường đang tồn tại hình thức các ngân hàng, công ty chứng khoán phân phối các sản phẩm trái phiếu cho các nhà đầu tư mua các lô trái phiếu doanh nghiệp như một dạng tiền gửi tiết kiệm lãi suất cao. Theo đó, nhiều nhà đầu tư chứng khoán cá nhân nhỏ, lẻ tận dụng các kẽ hở của quy định để dễ dàng đáp ứng các điều kiện xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua được những lô trái phiếu phát hành riêng lẻ với lãi suất cao. Ngoài ra, cũng tồn tại các trường hợp các nhà đầu tư dưới sự hỗ trợ của các công ty chứng khoán, ngân hàng cùng chung tiền, góp vốn thông qua các nhà đầu tư chuyên nghiệp để mua trái phiếu.

Với sự ra đời của Nghị định 65/2022/NĐ-CP ("Nghị định 65"), cùng với việc đưa ra nhiều quy định chặt chẽ hơn trong việc xác định tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, các nhà đầu tư nhỏ, lẻ cũng sẽ không dễ dàng tham gia thị trường này nữa.

Theo quy định pháp luật và trên thị trường đang có 2 loại trái phiếu doanh nghiệp xét theo hình thức và đối tượng phát hành: 1. Trái phiếu phát hành ra công chúng; và 2. Trái phiếu phát hành riêng lẻ. Những hạn chế liên quan đến đối tượng được chào bán (người mua trái phiếu) và những yêu cầu cao về giá trị trái phiếu giao dịch tại Nghị định 65 chỉ áp dụng cho trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Còn các trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng và được niêm yết hiện không phải áp dụng các quy định, yêu cầu này.

Do đó, các nhà đầu tư đang sở hữu trái phiếu doanh nghiệp niêm yết sẽ vẫn được nắm giữ và mua bán, giao dịch theo nội dung đã thoả thuận với tổ chức phát hành hoặc ngân hàng, công ty chứng khoán trước đó.

Tuy nhiên, trong trường hợp trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ theo Nghị định 153/2020/NĐ-CP, về nguyên tắc, nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu sẽ cần phải xác định lại việc mình có đáp ứng các điều kiện của nhà đầu tư chuyên nghiệp theo quy định mới tại Nghị định 65 hay không. Hiện nay, Nghị định 65 chỉ đưa ra quy định nhà đầu tư phải thực hiện xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi mua trái phiếu. Còn trường hợp đã mua rồi mà không đáp ứng thì không có quy định rõ ràng. Do đó, theo chúng tôi, trừ trường hợp pháp luật quy định rõ ràng, nhà đầu tư sẽ vẫn tiếp tục được nắm giữ trái phiếu cho đến khi kết thúc kỳ hạn hoặc cho đến khi nhà đầu tư bán lại cho tổ chức phát hành hay một nhà đầu tư chuyên nghiệp khác.

Bình luận:

Từ khóa: 

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi