HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP SỔ TIẾT KIỆM VẪN CÓ HIỆU LỰC TRONG TRƯỜNG HỢP VỢ HOẶC CHỒNG KHÔNG BIẾT VIỆC NGƯỜI CÒN LẠI ĐÃ KÝ KẾT HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP ĐÓ

HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP SỔ TIẾT KIỆM VẪN CÓ HIỆU LỰC TRONG TRƯỜNG HỢP VỢ HOẶC CHỒNG KHÔNG BIẾT VIỆC NGƯỜI CÒN LẠI ĐÃ KÝ KẾT HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP ĐÓ

2023-10-13 16:44:56 1202

Ngày 03/10/2023, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn 196/TANDTC-PC giải đáp một số thắc mắc trong công tác xét xử của các Tòa án nhân dân. Theo đánh giá của ATA, Công văn 196 đưa ra nhiều hướng dẫn mới trong việc áp dụng pháp luật và có giá trị cao trong thực tiễn. Tại đây, ATA sẽ cập nhật những nội dung quan trọng, đáng chú ý của Công văn 196.

1. Doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật thì ai sẽ đại diện doanh nghiệp tham gia tố tụng?

Tình huống: trường hợp đương sự là doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật nhưng Điều lệ của doanh nghiệp không quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của những người đại diện theo pháp luật này thì Tòa án xác định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp như thế nào để tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.

Giải đáp: căn cứ khoản 1, 2 Điều 12 Luật doanh nghiệp 2020, người đại diện đương nhiên cho doanh nghiệp tham gia tố tụng trong trường hợp này là:

+          Tất cả người đại diện theo pháp luật nếu không quy định rõ trong Điều lệ; hoặc

+          Một trong số những người đại diện theo pháp luật được chỉ định trong Điều lệ.

2. Hợp đồng thế chấp sổ tiết kiệm vẫn có hiệu lực trong trường hợp vợ hoặc chồng không biết việc người còn lại đã ký kết hợp đồng thế chấp đó

Tình huống: trường hợp sổ tiền tiết kiệm là tài sản chung vợ chồng, người chồng hoặc người vợ đứng tên chủ thẻ tiết kiệm thế chấp sổ tiết kiệm để vay tiền Ngân hàng và người không đứng tên không biết thì hợp đồng thế chấp sổ tiết kiệm này có hiệu lực hay không?

Giải đáp: căn cứ khoản 1 Điều 32 Luật hôn nhân và gia đình 2014, trường hợp người chồng hoặc người vợ đứng tên chủ tài khoản tiền gửi tại ngân hàng (đứng tên chủ thẻ, sổ tiết kiệm) được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó nên hợp đồng thế chấp sổ tiết kiệm có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp giao dịch với người thứ ba không ngay tình theo quy định.

3. Nguyên tắc lựa chọn tài sản bảo đảm đề xử lý thu hồi nợ

Tình huống: A vay của Ngân hàng một khoản tiền, để đảm bảo khoản vay nêu trên của A thì B, C, D, E đã đứng ra bảo đảm bằng quyền sử dụng đất riêng của mình. A vi phạm nghĩa vụ trả nợ, Ngân hàng khởi kiện yêu cầu A trả khoản vay trên, nếu không trả nợ thì yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm của B, C, D, E để thu hồi nợ. Ngân hàng không xác định được phạm vi bảo đảm cụ thể của mỗi tài sản bảo đảm cho khoản vay của A và B, C, D, E cũng không xác định được phạm vi tài sản của mình bảo đảm cho khoản vay của A. Tình huống này thì xử lý như thế nào?

Giải đáp: căn cứ khoản 2 Điều 5 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của từng tài sản và việc lựa chọn tài sản bảo đảm để xử lý thì bất kỳ tài sản nào trong số tài sản bảo đảm của B, C, D, E đều được dùng để bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ; Ngân hàng có quyền lựa chọn tài sản bảo đảm để xử lý hoặc xử lý tất cả các tài sản bảo đảm.

4. Hiệu lực của hợp đồng thế chấp khi đối tượng hợp đồng là quyền sử dụng đất bị hết thời hạn sử dụng

Tình huống: phương hướng xử lý trong trường hợp tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất nông nghiệp đã hết thời hạn sử dụng đất ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Giải đáp: căn cứ khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, trường hợp:

a) tại thời điểm ký kết hợp đồng thế chấp, quyền sử dụng đất nông nghiệp đã hết thời hạn sử dụng thì hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất vô hiệu.

b) tại thời điểm ký kết hợp đồng thế chấp, quyền sử dụng đất nông nghiệp vẫn còn thời hạn sử dụng mà sau một thời gian hết thời hạn thì phải xin gia hạn; nếu được gia hạn thì hợp đồng thế chấp quyền sử dụng tiếp tục có hiệu lực, nếu không được gia hạn thì hợp đồng bị chấm dứt do đối tượng hợp đồng không còn.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi