HỢP ĐỒNG VI PHẠM ĐIỀU KIỆN VỀ HÌNH THỨC CÓ HIỆU LỰC PHÁP LÝ KHÔNG?

HỢP ĐỒNG VI PHẠM ĐIỀU KIỆN VỀ HÌNH THỨC CÓ HIỆU LỰC PHÁP LÝ KHÔNG?

2022-10-28 18:17:12 838

Ngày 14/10/2022, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 323/QĐ-CA về công bố án lệ với 04 án lệ điều chỉnh các vấn đề, lĩnh vực khác nhau. Tại đây, ATA Legal Services sẽ phân tích và làm rõ nội dung của Án lệ số 55/2022/AL về công nhận hiệu lực hợp đồng vi phạm điều kiện về hình thức.

Theo quy định pháp luật hiện hành, hợp đồng dân sự là “sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.” Về bản chất, cũng giống như các giao dịch dân sự khác, hợp đồng cũng có thể được xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt bằng các hình thức khác nhau như bằng lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, pháp luật yêu cầu hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, chẳng hạn như các giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, giao dịch bảo đảm, v.v. Việc vi phạm các quy định về hình thức này dẫn đến hậu quả hợp đồng có thể sẽ bị xác định và bị tuyên là vô hiệu, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.

Vậy những trường hợp nào mà hợp đồng vi phạm quy định về hình thức xác lập vẫn được xác định và công nhận hiệu lực. Đó chính là những trường hợp quy định tại Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể là các Hợp đồng không tuân thủ theo đúng hình thức luật định (không được lập bằng văn bản hoặc văn bản hợp đồng không được công chứng, chứng thực) mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch;

Áp dụng theo đúng quy định tại Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015 nêu trên, Án lệ số 55/2022/AL (Bản án dân sự phúc thẩm số 16/2019/DS-PT ngày 19/3/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi) cũng xác định và công nhận hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ xác lập bằng giấy viết tay không có công chứng, chứng thực và được sửa đổi, bổ sung bằng miệng nhưng đã được các bên cùng công nhận và thực hiện được hai phần ba nghĩa vụ phát sinh. Án lệ số 55/2022/AL đồng thời công nhận và giải quyết các vấn đề phát sinh và chưa được quy định cụ thể bởi pháp luật hiện hành, cụ thể:

  1. Quy định về việc Toà án công nhận hiệu lực của các hợp đồng vi phạm hình thức mà vẫn có hiệu lực tại Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015 vẫn được áp dụng để giải quyết đối với các hợp đồng, giao dịch đã xác lập trước thời điểm Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực (theo Bản án, các giao dịch giữa các bên thuộc vụ án đã phát sinh từ năm 2009);
  2. Hợp đồng, giao dịch dân sự không tuân thủ hình thức theo quy định pháp luật được hiểu là có thể cùng lúc không đáp ứng cả 2 điều kiện quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015 (cụ thể, hợp đồng này thuộc diện phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thức nhưng thực tế, các bên ban đầu chỉ giao kết bằng văn bản viết tay và sau đó thực hiện sửa đổi, bổ sung bằng miệng);
  3. Sau khi có phán quyết công nhận hiệu lực của các hợp đồng, các bên có liên quan có thể sử dụng bản án của Toà án để yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy, các hợp đồng đã giao kết giữa các bên dù bằng hình thức gì cũng không cần phải hoàn thiện hoặc ký lại theo hình thức luật định nữa.

Án lệ số 55/2022/AL được áp dụng trong công tác xét xử kể từ ngày 15/11/2022.

Bình luận:

Từ khóa: 

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi