HƯỚNG DẪN CHI TIẾT VỀ HOẠT ĐỘNG VÀ SẢN PHẨM BẢO HIỂM VI MÔ

HƯỚNG DẪN CHI TIẾT VỀ HOẠT ĐỘNG VÀ SẢN PHẨM BẢO HIỂM VI MÔ

2023-05-12 19:45:01 1074

Bảo hiểm vi mô (Microinsurance) là hình thức bảo hiểm dành cho những đối tượng thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình, cá nhân có thu nhập thấp, bảo vệ họ trước những rủi ro về thương tật, tử vong và tài sản. Đây là các chủ thể yếu thế trong xã hội, nhạy cảm trước những rủi ro rất cần được bảo hiểm nhưng lại không có điều kiện tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường. Đặc trưng của bảo hiểm vi mô là các sản phẩm bảo hiểm có phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu. Để nâng cao tỷ lệ người tham gia loại hình bảo hiểm này, khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô, góp phần thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, mới đây nhất Chính phủ đã ban hành Nghị định 21/2023/NĐ-CP ngày 05/05/2023 (“Nghị định 21”) quy định chi tiết về bảo hiểm vi mô với một số nội dung đáng chú ý như sau:

1. Quy định cụ thể về việc triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô (“SPBHVM”)

Do hướng tới đối tượng là nhóm thu nhập thấp, nhằm đảm bảo mức chi phí tham gia bảo hiểm phù hợp, dễ tiếp cận với nhóm đối tượng đặc thù, Nghị định 21 quy định mức tối đa đối với số tiền bảo hiểm và phí bảo hiểm đối với SPBH vi mô. Bên cạnh đó, thời hạn cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô được quy định cụ thể và được giới hạn hơn so với các bảo hiểm thương mại thông thường. Cụ thể:

STT

Sản phẩm bảo hiểm vi mô

Số tiền bảo hiểm tối đa

Phí bảo hiểm tối đa

Thời hạn bảo hiểm

1

Sản phẩm bảo hiểm vi mô bảo vệ các rủi ro về tính mạng và sức khỏe

Không vượt quá 05 lần thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị theo quy định của Chính phủ tại thời điểm triển khai sản phẩm[1].

Không vượt quá 5% thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn cận nghèo ở khu vực thành thị.

-  SPBHVM do doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cung cấp: Thời hạn không quá 05 năm;

-  SPBHVM do doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được cung cấp: Thời hạn từ 01 năm trở xuống;

-  SPBHVM do doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe được cung cấp:

+ Thời hạn từ 01 năm trở xuống đối với các sản phẩm bảo hiểm vi mô bảo vệ các rủi ro về tính mạng;

+ Thời hạn không quá 05 năm đối với các sản phẩm bảo hiểm vi mô bảo vệ các rủi ro về sức khỏe;

-  SPBH do tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô triển khai: Thời hạn từ 01 năm trở xuống.

2

Sản phẩm bảo hiểm vi mô bảo vệ các rủi ro về tài sản

-   Thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm;

-   Không được vượt quá giá trị thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm tham gia bảo hiểm.

Không vượt quá 5% thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn cận nghèo ở khu vực thành thị.

-   SPBHVM do doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được cung cấp: Thời hạn không quá 5 năm;

-   SPBHVM do tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô triển khai: Thời hạn từ 01 năm trở xuống.

2. Quy định cụ thể về điều kiện thành lập và hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô

Theo quy định tại Luật Kinh doanh Bảo hiểm 2022, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được thành lập nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên tham gia bảo hiểm trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ tài chính và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi tài sản hình thành từ hoạt động bảo hiểm vi mô. Trong khi các doanh nghiệp bảo hiểm thông thường cung cấp bảo hiểm cho khách hàng thì tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô cung cấp bảo hiểm vi mô cho chính các thành viên của mình. Nói cách khác, thành viên tham gia bảo hiểm vừa là chủ sở hữu của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, vừa là bên mua bảo hiểm.

a. Điều kiện thành lập:

Theo quy định tại Nghị định 21, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô khi thành lập phải đáp ứng các điều kiện cụ thể như sau:

* Điều kiện về vốn pháp định:

Tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô phải có vốn thành lập bằng Đồng Việt Nam không thấp hơn 10 tỷ đồng. So sánh với mức vốn 300 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe và mức vốn 300 tỷ đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, mức vốn pháp định của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được coi là mức vốn thấp, có khả năng đáp ứng cao.  

* Điều kiện về nhân sự:

So sánh về tiêu chuẩn, điều kiện nhân sự, có thể thấy quy định đối với tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô có điều kiện về nhân sự tương đối đơn giản so với điều kiện áp dụng với doanh nghiệp bảo hiểm.

Nhân sự

Doanh nghiệp bảo hiểm

Tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô

Tổng Giám đốc (Giám đốc)

- Có bằng đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm hoặc bằng đại học trở lên về chuyên ngành khác và có chứng chỉ bảo hiểm (trong trường hợp không có bằng đại học chuyên ngành bảo hiểm);

- Có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, trong đó có ít nhất 03 năm giữ vị trí là người quản lý, người kiểm soát của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài.

- Có bằng từ đại học trở lên về bảo hiểm, tài chính, ngân hàng. Trường hợp có bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành khác thì phải có chứng chỉ đào tạo về bảo hiểm do các cơ sở đào tạo về bảo hiểm được thành lập và hoạt động hợp pháp trong hoặc ngoài nước cấp;

- ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm.

Chủ tịch Hội đồng quản trị

- Có bằng đại học trở lên;

- Có ít nhất 05 năm trực tiếp làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng hoặc có ít nhất 03 năm giữ vị trí là người quản lý, điều hành, kiểm soát tại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng.

* Điều kiện đối với Điều lệ: 

Dự thảo điều lệ phù hợp với mục tiêu hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô và quy định tại Điều 8 Nghị định số 21/2023/NĐ-CP.

b. Điều kiện hoạt động: 

Trong thời gian hoạt động, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải luôn duy trì tối thiểu 1.000 thành viên tham gia bảo hiểm vi mô sau 06 tháng kể từ thời điểm cấp Giấy phép thành lập và hoạt động. Tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải báo cáo Bộ Tài chính nếu trong vòng sáu tháng không duy trì được số lượng thành viên tối thiểu này và có thể bị thu hồi giấy phép hoạt động nếu tiếp tục tình trạng này trong vòng 6 tháng kể từ thời điểm báo cáo.

Nghị định 21 có hiệu lực kể từ ngày 5/5/2023./.

[1]  Theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP về chuẩn nghèo đa chiều, thay thế cho Quyết định 59/2015/QĐ-TTg quy định  từ năm 2022, hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống ở thành thị và từ 1.500.000 đồng trở xuống ở nông thôn và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản dược coi là hộ cận nghèo .

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi