HƯỚNG DẪN CỦA BỘ XÂY DỰNG VỀ QUY TRÌNH, THỦ TỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG THI CÔNG VÀ BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH THỰC HIỆN THEO CƠ CHẾ ĐẶC THÙ

HƯỚNG DẪN CỦA BỘ XÂY DỰNG VỀ QUY TRÌNH, THỦ TỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG THI CÔNG VÀ BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH THỰC HIỆN THEO CƠ CHẾ ĐẶC THÙ

2022-12-02 17:11:10 642

Ngày 22/11/2022, Bộ Xây dựng ban hành Công văn số 5316/BXD-GĐ 2022 ("Công văn 5316") hướng dẫn quy trình, thủ tục quản lý chất lượng thi công và công tác bảo trì công trình được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP (“Nghị định 27”).

Theo Khoản 8 Điều 3 Nghị định 27, cơ chế đặc thù được áp dụng đối với việc tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp và có sự tham gia thực hiện của cộng đồng. Các công trình thực hiện theo cơ chế đặc thù sẽ được áp dụng quy trình đơn giản, thủ tục rút gọn trong lập, thẩm định, quyết định dự án, lựa chọn nhà thầu thi công công trình và quản lý thi công, bảo trì công trình.

Một dự án đầu tư xây dựng được lựa chọn áp dụng cơ chế đặc thù cần thỏa mãn các tiêu chí quy định tại Điều 14 Nghị định 27, bao gồm:

  • Thuộc nội dung đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia.
  • Dự án nằm trên địa bàn 01 đơn vị hành chính cấp xã, do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.
  • Tổng mức đầu tư dự án không vượt quá 05 tỷ đồng.
  • Kỹ thuật không phức tạp, có thiết kế mẫu, thiết kế điển hình hoặc các thiết kế sẵn có đã áp dụng trên địa bàn cấp huyện.
  • Thuộc danh mục loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

Trên cơ sở tuân thủ quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP (“Nghị định 06”) về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, Công văn hướng dẫn chi tiết hơn về quy trình, thủ tục quản lý chất lượng thi công và bảo trì công trình thực hiện theo cơ chế đặc thù như sau:

1. Quy trình, thủ tục quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình

Trách nhiệm của chủ đầu tư và các nhà thầu: Quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình với 12 nội dung quy định tại Điều 11 Nghị định 06. Tuy nhiên, đối với các công trình thực hiện theo cơ chế đặc thù có thể rút gọn tập trung vào một số nội dung như sau:

  • Quản lý chất lượng đối với vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng;
  • Quản lý chất lượng của nhà thầu trong quá trình thi công;
  • Giám sát thi công xây dựng công trình;
  • Nghiệm thu và kiểm tra công tác nghiệm thu công trình, bao gồm:

+ Nghiệm thu giai đoạn thực hiện: Biên bản nghiệm thu có thể gộp vào nhật ký thi công xây dựng công trình nhưng phải đảm bảo đầy đủ các nội dung quy định tại Điều 21 Nghị định 06;

+ Nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình theo Nghị định 06 và Nghị định 27;

+ Trường hợp công trình thuộc đối tượng kiểm tra công tác nghiệm thu, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi thông báo khởi công xây dựng công trình tới Cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp. Cơ quan chuyên môn về xây dựng cần thực hiện kiểm tra tối thiểu 01 lần và không quá 02 hoặc 03 lần tuỳ theo phân cấp công trình;

Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

  • UBND cấp tỉnh có thể phân cấp việc kiểm tra công tác nghiệm thu các công trình theo cơ chế đặc thù cho cơ quan được giao quản lý xây dựng thuộc UBND cấp huyện;
  • Các công trình đã có thiết kế mẫu, thiết kế điển hình hoặc các thiết kế sẵn có đã áp dụng trên địa bàn cấp huyện có thể được UBND cấp tỉnh xem xét, áp dụng cơ chế đặc thù.

2. Bảo trì công trình xây dựng

Về cơ bản, chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình theo cơ chế đặc thù phải lập kế hoạch bảo trì công trình xây dựng hàng năm theo quy định chung về bảo trì công trình xây dựng tại Mục 2 Chương III Nghị định 06.

Lưu ý, các công trình cấp III trở xuống, nhà ở riêng lẻ và công trình tạm theo quy định tại khoản 4 Điều 31 Nghị định 06 không bắt buộc phải lập quy trình bảo trì riêng cho từng công trình. Theo đó, các cơ quan chuyên môn về xây dựng, theo chỉ đạo của UBND cấp tỉnh, có trách nhiệm lập quy trình bảo trì chung cho từng loại công trình có thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, thiết kế sẵn có đã áp dụng trên địa bàn cấp huyện.

3. Định mức chi phí thực hiện công tác bảo trì

Chi phí bảo trì công trình xây dựng được xác định bằng dự toán. Định mức, dự toán cho các công trình xây dựng theo cơ chế đặc thù của địa phương do UBND cấp tỉnh ban hành.

Công văn 5316 có hiệu lực kể từ ngày 22/11/2022.

Bình luận:

Từ khóa: 

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi