HƯỚNG DẪN PHÂN VÙNG CHỨC NĂNG NGUỒN NƯỚC VÀ BỔ SUNG NHÂN TẠO NƯỚC DƯỚI ĐẤT

HƯỚNG DẪN PHÂN VÙNG CHỨC NĂNG NGUỒN NƯỚC VÀ BỔ SUNG NHÂN TẠO NƯỚC DƯỚI ĐẤT

2024-06-21 22:28:11 348

Ngày 16/05/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước 2023 (“Thông tư 03”) để thay thế các thông tư:

  • Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT ngày 09/9/2016 về xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt;
  • Thông tư số 31/2018/TT-BTNMT ngày 26/12/2018 về nội dung, biểu mẫu báo cáo tài nguyên nước;
  • Thông tư số 64/2017/TT-BTNMT ngày 22/12/2017 về xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa, đập dâng;
  • Thông tư số 75/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017 về bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất;
  • Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014 về đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước;
  • Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT ngày 11/7/2014 về hành nghề khoan nước dưới đất;
  • Thông tư số 56/2014/TT-BTNMT ngày 24/9/2014 về điều kiện về năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước, tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước, lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước.

Luật Tài nguyên nước 2023 bổ sung quy định mới về phân vùng chức năng nguồn nước và bổ sung nhân tạo nước dưới đất; theo đó, Thông tư 03 hướng dẫn chi tiết các vấn đề trên của Luật Tài nguyên nước 2023 như sau:

1. Các yêu cầu của việc phân vùng chức năng nguồn nước

a. Việc phân vùng chức năng nguồn nước phải được xem xét tổng thể về giá trị, lợi ích mà nguồn nước mang lại

Thông tư 03 quy định những nguyên tắc của việc phân vùng chức năng nguồn nước gồm:

  • Đảm bảo tính hệ thống trong lưu vực sông, phù hợp với ranh giới hành chính cấp tỉnh.
  • Phù hợp với hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước và nhu cầu khai thác, sử dụng nước được xác định trong quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
  • Việc phân vùng chức năng nguồn nước phải được xem xét tổng thể về giá trị, lợi ích mà nguồn nước mang lại, mức độ ưu tiên phải bảo vệ và thuận lợi trong việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ nguồn nước.
  • Hài hòa lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước giữa các khu vực, các địa phương, giữa thượng lưu và hạ lưu, giữa các đối tượng khai thác, sử dụng nước; bảo đảm việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, duy trì sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh.

b. Kết quả phân vùng chức năng nước được lập đến từng đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch

Theo đó, Thông tư 03 yêu cầu Kết quả phân vùng chức năng nguồn nước sông, suối, kênh, mương, rạch phải được tổng hợp, lập thành danh mục. Trong đó, từng đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch được phân vùng chức năng phải thể hiện các nội dung chủ yếu sau:

  • Tên của sông, suối, kênh, mương, rạch; tên lưu vực sông;
  • Chiều dài, vị trí hành chính, tọa độ điểm đầu và điểm cuối của đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch được phân vùng chức năng (hệ tọa độ VN2000, múi chiếu 30);
  • Chức năng nguồn nước của đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch.

Kết quả phân vùng chức năng nguồn nước phải được cập nhật vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

Ngoài nội dung về phân vùng chức năng nguồn nước nêu trên, các nội dung khác của Thông tư 03 cơ bản được giữ nguyên theo các quy định tương ứng đã được quy định.

2. Bổ sung nhân tạo nước dưới đất để phục hồi các khu vực, tầng chứa nước bị suy thoái, cạn kiệt

Nhằm tăng cường các giải pháp sử dụng nước hiệu quả, Thông tư 03 hướng dẫn chi tiết việc thực hiện bổ sung nhân tạo nước dưới đất. Theo đó, việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

  • Bổ sung nhân tạo nước dưới đất để phục hồi các khu vực, tầng chứa nước bị suy thoái, cạn kiệt theo kế hoạch bảo vệ nước dưới đất đã được phê duyệt
  • Bổ sung nhân tạo nước dưới đất nhằm gia tăng khả năng khai thác đối với công trình khai thác nước dưới đất của tổ chức, cá nhân;
  • Nghiên cứu khoa học, thử nghiệm giải pháp bổ sung nhân tạo nước dưới đất.

Bên cạnh đó, Thông tư 03 cũng bổ sung một số yêu cầu cụ thể như sau:

  • Công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất phải được thiết kế, tính toán phù hợp với đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất thủy văn, địa hình, chất lượng nước và khả năng giữ, trữ nước của tầng chứa nước được bổ sung nhân tạo.
  • Nguồn nước mưa, nước mặt để bổ sung nhân tạo nước dưới đất phải phù hợp với chất lượng nước của tầng chứa nước được bổ sung nhân tạo và được kiểm soát thường xuyên trong quá trình thực hiện bổ sung nhân tạo.

Thông tư 03 có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2024./.

Bình luận:

Từ khóa:  03/2024/TT-BTNMT

,  

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi