Ngày 19/02/2025, Quốc hội vừa thông qua việc ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 (“Luật BHVBQPPL 2025”) thay thế cho Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2020 (“Luật sửa đổi 2020”). Theo đó, có những thay đổi đáng kể trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (“VBQPPL”) và một số điểm mới đáng chú ý liên quan đến quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong bài viết tuần này, ATA Legal Service sẽ gửi tới quý bạn đọc những điểm mới đáng chú ý của Luật BHVBQPPL 2025.
1. Những thay đổi trong hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật:
a. Bãi bỏ hai loại văn bản quy phạm pháp luật cấp xã:
Theo quy định của Luật sửa đổi 2020, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bao gồm 26 hình thức do 16 chủ thể ban hành, trong đó có các văn bản của Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân cấp xã. Để đảm bảo thống nhất với nội dung đề xuất nêu tại đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, theo Luật BHVBQPPL 2025, kể từ ngày 01/04/2025, Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ không còn thẩm quyền để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã và Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã chính thức không còn được liệt kê trong danh sách các Văn bản quy phạm pháp luật mang tính bắt buộc thực hiện.
b. Nghị quyết của Chính phủ được bổ sung vào hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật:
Luật năm 2008 quy định Chính Phủ được phép ban hành 02 loại văn bản quy phạm pháp luật là Nghị định và Nghị quyết. Tuy nhiên, với quan điểm, chủ trương đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Luật sửa đổi 2020 đã bỏ Nghị quyết của chính phủ ra khỏi hệ thống.
Sau gần 10 năm thi hành, đặc biệt khi trải qua giai đoạn bùng phát của đại dịch Covid-19, việc ban hành một Văn bản quy phạm pháp luật của Chính Phủ mang tính tức thời và có hiệu lực trong một khoảng thời gian ngắn là điều thực sự cần thiết và cấp thiết. Chính vì lý do đó, Luật BHVBQPPL 2025 đã sửa đổi theo hướng bổ sung lại xác định Nghị quyết của chính phủ là một trong những Văn bản quy phạm pháp luật mới để đảm báo tính bắt buộc chung và có hiệu lực thi hành tại khu vực nhất định để giải quyết kịp thời các vấn đề cấp bách phát sinh. Điều này cũng đã được Bộ tư pháp là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật giải thích.
Theo đó, Chính phủ ban hành nghị quyết để:
- Giải quyết các vấn đề cấp bách, quan trọng phát sinh từ thực tiễn và để áp dụng trong một thời gian nhất định, phạm vi cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ; phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn;
- Tạm ngưng, điều chỉnh hiệu lực hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần nghị định của Chính phủ đáp ứng yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân;
- Thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có pháp luật điều chỉnh thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc khác với nghị định, nghị quyết của Chính phủ.
2. Nâng cao tầm quan trọng của việc xây dựng chính sách trước khi soạn thảo ban hành Văn bản quy phạm pháp luật:
Luật BHVBQPPL 2025 quy định, đối với việc xây dựng Luật, pháp lệnh mới hoặc thay thế các văn bản hiện hành; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật có nội dung hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định; hoặc Nghị quyết thí điểm của Quốc hội thì cần tổ chức thực hiện quy trình xây dựng chính sách trước khi tiến hành soạn thảo. Trước đây, quy trình xây dựng chính sách được lồng ghép trong quá trình lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm của quốc hội và được áp dụng đối với tất cả các loại Văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành. Tuy nhiên, quá trình xây dựng chính sách chưa thực sự được chú trọng và chỉ quy định về nguyên tắc đó là việc xây dựng pháp luật phải phù hợp với chính sách của đảng và nhà nước, các cơ quan soạn thảo phải chú ý đến việc đánh giá tác động của chính sách trong khi soạn thảo luật.
Theo quy định mới này, việc xây dựng chính sách được quy định tách thành một quy trình thủ tục riêng bên cạnh việc lập chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phải thực hiện xây dựng chính sách trước khi tiến hành soạn thảo luật, pháp lệnh. Quá trình xây dựng chính sách sẽ phải trải qua các bước:
Bước 1. Xác định chính sách dựa trên chủ trương, đường lối của Đảng, kết quả tổng kết thi hành pháp luật ....
Bước 2. Đánh giá tác động của chính sách
Bước 3. Lấy ý kiến tham vấn chính sách của các tổ chức chính trị xã hội, những cơ quan của Đảng và các cơ quan xây dựng chính sách khác của nhà nước.
Bước 4. Thẩm định chính sách
Bước 5. Thông qua chính sách
3. Sửa đổi bổ sung quy định về việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự thủ tục rút gọn:
Thứ nhất, Luật BHVBQPPL 2025 đã bổ sung thêm các trường hợp banh hành văn bản quy phạm pháp luật được phép thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn, cụ thể bổ sung thêm các trường hợp sau:
- Trường hợp cần ban hành ngay văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
- Trường hợp cần điều chỉnh thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn;
- Trường hợp ban hành văn bản quy định chi tiết của văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn và trong trường hợp đặc biệt.
Thứ hai, quy định rõ thời điểm được đề nghị, quyết định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng Văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó việc quyết định áp dụng hay không áp dụng thủ tục rút gọn sẽ được thực hiện trước hoặc trong quá trình xây dựng chính sách, soạn theo văn bản quy phạm pháp luật. Đối với các Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng trình tự thủ tục rút gọn thì sẽ không phải thực hiện việc xây dựng chính sách như trước đây
4. Bổ sung quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp đặc biệt:
Quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp đặc biệt sẽ được thực hiện trong trường hợp: “Khi được cơ quan có thẩm quyền của Đảng đồng ý và trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp hoặc xảy ra sự cố, thảm họa theo quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự hoặc sự kiện bất khả kháng hoặc các vấn đề cấp bách, quan trọng, cần thiết của đất nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp đặc biệt.”
Đây là quy định mới và được đánh ra là quy định tiến bộ của luật, bù đắp những lỗ hổng pháp luật đối với những trường hợp, tình huống dự liệu có khả năng phát sinh trên thực tế nhưng chưa có quy phạm pháp luật để điều chỉnh.
5. Thay đổi quy định về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật:
* Về thời điểm có hiệu lực của văn bản:
Luật BHVBQPPL 2025 quy định tất các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương sẽ có hiệu lực không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày được thông qua thay vì quy định phân tách riêng biệt thời điểm phát sinh hiệu lực của cấp tỉnh và cấp huyện, xã như trước đây. Theo luật sửa đổi 2020 cũ, thời điểm phát sinh hiệu lực của VBQPPL cấp tỉnh là không quá 10 ngày kể từ ngày thông qua và không quá 07 ngày kể từ ngày thông qua đối với VBQPPL cấp huyện, xã.
*Về hiệu lực trở về trước của các Văn bản quy phạm pháp luật:
Trước đây theo Luật sửa đổi 2020, các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp chính quyền địa phương (bao gồm cấp tỉnh và cấp huyện) và ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt không được quy định hiệu lực trở về trước. Tuy nhiên, theo quy định mới, chỉ Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp huyện mới không được quy định hiệu lực trở về trước.
6. Trao trách nhiệm hướng dẫn thi hành văn bản quy phạm pháp luật cho cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật:
Hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện đối với văn bản quy phạm pháp luật trừ Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật có thể xem xét, hướng dẫn Văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành thông qua việc ban hành các văn bản hành chính. Trước đây, quy định này chưa được luật hóa thành quy định trong Luật sửa đổi 2020.
Luật BHVBQPPL 2025 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/04/2025./.
Bình luận: