LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI 2024 VÀ NGHỊ ĐỊNH 159/2025/NĐ-CP: NHIỀU QUY ĐỊNH KHUYẾN KHÍCH THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN

LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI 2024 VÀ NGHỊ ĐỊNH 159/2025/NĐ-CP: NHIỀU QUY ĐỊNH KHUYẾN KHÍCH THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN

2025-07-05 09:17:08 164

Ngày 29/06/2024, Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội 2024, thay thế Luật Bảo hiểm xã hội 2014; đến ngày 25/06/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 159/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện (“Nghị định 159”) thay thế Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 (“Nghị định 134”). Theo đó, một số nội dung đáng chú ý của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 và Nghị định 159 như sau:

1. Làm rõ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội ("BHXH”) tự nguyện

Về nguyên tắc, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 vẫn xác định đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là những đối tượng không thuộc trường hợp phải tham gia BHXH bắt buộc.

Tuy nhiên, Luật BHXH 2024 và Nghị định 159 bổ sung, làm rõ các nhóm đối tượng có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm:

+ Cán bộ, công chức, viên chức và Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc.

+ Người đang được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng mà không thuộc trường hợp phải tham gia BHXH bắt buộc.

+ Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc trường hợp phải tham gia BHXH bắt buộc và không thuộc các trường hợp nêu trên.

2. Mở rộng chế độ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Luật Bảo hiểm xã hội 2014 chỉ quy định hai chế độ dành cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là chế độ hưu trí và tử tuất. Trong khi đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 bổ sung 2 chế độ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là chế độ trợ cấp thai sản và chế độ bảo hiểm tai nạn lao động.

Điều này mở rộng phạm vi và bảo đảm quyền lợi cho người tham gia, tăng tính hấp dẫn của sản phẩm và chính sách BHXH tự nguyện.

3. Tăng mức hỗ trợ đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện cho các đối tượng được hưởng hỗ trợ

So với Nghị định 134, Nghị định 159 đã tăng đáng kể mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của Nhà nước dành cho các đối tượng được hưởng hỗ trợ, cụ thể như sau:

Đối tượng tham gia

Mức hỗ trợ đóng của Nhà nước theo Nghị định 134

Mức hỗ trợ đóng của Nhà nước theo Nghị định 159

Hộ nghèo, người đang sinh sống tại xã đảo, đặc khu theo quy định

50%

30%

Hộ cận nghèo

40%

25%

Người dân tộc thiểu số

30%

Chưa có quy định

Người tham gia khác

20%

10%

Đồng thời, nhằm khuyến khích hơn việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, Nghị định 159 bổ sung quy định cho phép Ủy ban nhân dân có thể trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn ngoài mức hỗ trợ quy định tại Nghị định 159.

Tuy nhiên, trong trường hợp đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ phải hoàn trả số tiền Nhà nước đã hỗ trợ đóng; số tiền hoàn trả bằng số tiền Nhà nước đã hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội.  

4. Bổ sung trường hợp được hoàn trả một phần số tiền bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng

Theo Nghị định 159, người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau sẽ được hoàn trả một phần số tiền đã đóng trước đó nếu xảy ra sự kiện:

  • Thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc;
  • Hưởng BHXH một lần theo quy định;
  • Chết hoặc Tòa án tuyên bố là đã chết;
  • Đủ điều kiện và có đề nghị được giải quyết hưởng lương hưu theo quy định.

Số tiền hoàn trả được xác định bằng tổng số tiền đã đóng tương ứng với thời gian còn lại của phương thức đóng mà người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng và không bao gồm tiền hỗ trợ đóng của Nhà nước (nếu có).

Quy định này thể hiện tính nhân văn và cũng bảo đảm quyền lợi cho những người đã đóng BHXH tự nguyện.

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 và Nghị định 159 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2025./.

Bình luận: