LUẬT CĂN CƯỚC 2023 – NGƯỜI DƯỚI 14 TUỔI CÓ THỂ ĐƯỢC CẤP THẺ CĂN CƯỚC THEO NHU CẦU

LUẬT CĂN CƯỚC 2023 – NGƯỜI DƯỚI 14 TUỔI CÓ THỂ ĐƯỢC CẤP THẺ CĂN CƯỚC THEO NHU CẦU

2023-12-15 19:27:43 1007

Luật Căn cước công dân (“CCCD”) năm 2014 là văn bản pháp lý quan trọng trong công tác quản lý dân cư, căn cước, tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại, v.v. Tuy nhiên, qua hơn 07 năm triển khai thi hành, Luật đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Do vậy, sau thời gian nghiên cứu, soạn thảo, tiếp thu ý kiến và hoàn thiện, Luật Căn cước 2023 ra đời với nhiều sửa đổi, bổ sung, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi số ở nước ta, tạo thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng và quản lý thông tin về dân cư một cách đồng bộ, hiệu quả.

Thông qua chuyên đề này, ATA Legal Services sẽ tổng hợp những điểm mới quan trọng, đáng chú ý của Luật Căn cước 2023 trên cơ sở so sánh với các quy định tại Luật Căn cước công dân 2014, đồng thời đưa ra đánh giá về tác động, sự tiến bộ và hạn chế (nếu có) của những quy định này đối với người dân.

1. Cấp giấy chứng nhận căn cước cho người có gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch

So với Luật Căn cước công dân 2014, Luật Căn cước 2023 đã bổ sung đối tượng áp dụng là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam. Đây là người đang sinh sống tại Việt Nam, không có giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam và nước khác nhưng có cùng dòng máu về trực hệ với người đã từng có quốc tịch Việt Nam được xác định theo nguyên tắc huyết thống (sau đây gọi tắt là “người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch”).

Thực tế, hiện nay, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch là những đối tượng không có giấy tờ tùy thân nên gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại và thực hiện các giao dịch hay đứng tên sở hữu các tài sản. Bên cạnh đó, một số tổ chức, cá nhân còn cố tình lợi dụng vấn đề này để gây rối, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với nhóm đối tượng này nhằm quản lý được toàn bộ công dân và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại địa phương; tạo thuận lợi trong công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tại đây, Luật Căn cước 2023 bổ sung quy định cụ thể hướng dẫn các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch và việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho nhóm đối tượng này. Cụ thể, theo Luật Căn cước 2023, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 06 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã sẽ được cấp Giấy chứng nhận căn cước để tham gia các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam và được Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng theo quy định của pháp luật.

Do đây là đối tượng đặc biệt, khó quản lý và hạn chế trong tiếp cận thông tin nên Luật Căn cước 2023 quy định việc cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước sẽ (1) được thực hiện bằng hình thức trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước có thẩm quyền nơi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch sinh sống; hoặc (2) cơ quan quản lý căn cước có thẩm quyền nêu trên có thể tổ chức làm thủ tục cấp giấy chứng nhận căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.

2. Các thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước theo yêu cầu của công dân mà không bị bắt buộc

Luật Căn cước 2023 quy định, khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước, người dân chỉ phải cung cấp các thông tin tối thiểu trên thẻ căn cước theo quy định. Các thông tin khác về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác theo quy định không bắt buộc phải tích hợp vào thẻ căn cước mà chỉ được thực hiện khi người dân có đề nghị.

3. Các hình thức pháp lý để xác thực thông tin căn cước của công dân

Luật Căn cước 2023 lần đầu đưa ra khái niệm “căn cước điện tử” là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập. Căn cước điện tử sẽ có giá trị sử dụng tương đương thẻ căn cước. Theo đó, hiện nay, có 02 hình thức pháp lý để xác thực thông tin căn cước của công dân là thẻ căn cước và căn cước điện tử. Trong trường hợp phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.

Tại đây, Luật Căn cước 2023 quy định thông tin trong căn cước điện tử bao gồm:

  1. Thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước theo quy định, bao gồm: Nơi sinh; nơi đăng ký khai sinh; Quê quán; Dân tộc; Tôn giáo; Quốc tịch; Nhóm máu; Số chứng minh nhân dân 09 số; Ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp, thời hạn sử dụng của thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân 12 số đã được cấp; Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân, số chứng minh nhân dân 09 số, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, con, người đại diện hợp pháp, người được đại diện; Nơi thường trú; Nơi tạm trú; Nơi ở hiện tại; Số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử; Thông tin nhân dạng; Nghề nghiệp, trừ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu.
  2. Thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước (gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác theo quy định) được tích hợp theo đề nghị của công dân và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

4. Người dưới 14 tuổi có thể được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu

Theo Luật CCCD 2014, công dân phải đủ 14 tuổi trở lên mới được cấp thẻ căn cước công dân, công dân dưới 14 tuổi chỉ được cấp số định danh cá nhân. Tuy nhiên, Luật Căn cước 2023 đã cho phép công dân dưới 14 tuổi cũng có thể được cấp thẻ căn cước nếu có nhu cầu. Tại đây, Luật Căn cước 2023 cũng bổ sung quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho nhóm người dưới 14 tuổi này. Cụ thể:

  1. Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Trường hợp người dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước. Cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi;
  2. Người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học theo quy định. Người đại diện hợp pháp của người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho người đó.

Theo nhận định của ATA, việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi dự kiến sẽ đem lại thuận tiện cho người dân, khắc phục được nhược điểm của giấy khai sinh là dễ rách, hư hỏng, khó bảo quản trong khi chỉ được cấp một lần. Đồng thời, việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi cũng đem lại thuận tiện hơn trong các giao dịch do thẻ căn cước có thể tích hợp nhiều thông tin hơn so với giấy khai sinh. Bên cạnh đó, việc cho phép cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi cũng tương thích với pháp luật của nhiều nước trên thế giới, góp phần giảm thiểu được giấy tờ, thủ tục hành chính, phát huy được giá trị của việc khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu.

5. Chính thức ghi nhận việc thay đổi thẻ căn cước do chuyển đổi giới tính

Luật Căn cước 2023 bổ sung trường hợp chuyển đổi giới tính là một trong các trường hợp được cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo quy định.

Quy định này nhằm phù hợp với định hướng tại dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính hiện nay. Tính đến nay, không nhiều quốc gia công nhận chuyển đổi giới tính, vì vậy, các quy định nêu trên được cho là tiến bộ, cởi mở, tạo ra hành lang pháp lý cho các vấn đề về chuyển đổi giới tính tại Việt Nam.

6. Giảm thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước và cho phép thực hiện thủ tục cấp lại thẻ căn cước đối với trường hợp bị mất thẻ căn cước bằng phương thức trực tuyến

Theo quy định tại Luật CCCD 2014, thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ CCCD có sự khác nhau theo các khu vực, dao động từ 07 đến 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định. Tuy nhiên, Luật Căn cước 2023 giảm thời hạn này xuống đồng nhất là 07 ngày làm việc trong mọi trường hợp.

Ngoài ra, Luật Căn cước 2023 cũng cho phép riêng đối với trường hợp cấp lại thẻ căn cước do bị mất hoặc hư hỏng, không sử dụng được theo quy định, người dân có thể lựa chọn thực hiện thủ tục bằng phương thức trực tuyến trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước (thay vì chỉ được thực hiện bằng hình thức trực tiếp tại tại cơ quan quản lý CCCD theo quy định tại Luật CCCD 2014). Trường hợp này, cơ quan quản lý căn cước sử dụng thông tin ảnh khuôn mặt, vân tay đã cấp thẻ căn cước lần gần nhất và các thông tin hiện có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước để cấp lại thẻ căn cước.

Có thể thấy, các quy định nêu trên thể hiện nỗ lực của Nhà nước trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ công, góp phần đáp ứng nhanh chóng và kịp thời nhu cầu của người dân, tạo thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng dữ liệu của mình, tối ưu hóa thời gian, công sức của các bên khi thực hiện giao dịch, thủ tục hành chính.

7. Sử dụng chứng minh nhân dân và thẻ căn cước công dân được cấp trước ngày luật căn cước 2023 có hiệu lực

Theo Luật Căn cước 2023, từ ngày 15/01/2024, việc sử dụng thẻ căn cước công dân và chứng minh nhân dân được quy định như sau:

  1. Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ (trừ trường hợp thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024). Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
  2. Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
  3. Quy định về việc sử dụng căn cước công dân, chứng minh nhân dân trong các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như đối với thẻ căn cước cấp theo quy định của Luật này.

8. Việc đổi tên “thẻ CCCD” sang “thẻ căn cước” liệu có thật sự cần thiết?

Liên quan đến vấn đề này, việc bổ sung đối tượng điều chỉnh là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch cũng là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi tên từ Luật CCCD sang Luật Căn cước và từ “thẻ CCCD” sang “thẻ căn cước” tại Luật Căn cước 2023. Tuy nhiên, theo nhận định của ATA, việc đổi tên từ “thẻ CCCD” sang “thẻ căn cước” không thật sự có nhiều ý nghĩa, bởi về bản chất, đối tượng được cấp thẻ căn cước, hay thẻ CCCD vẫn chỉ là công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch chỉ được cấp giấy chứng nhận căn cước. Mặt khác, việc thay đổi tên gọi của thẻ CCCD như trên cũng dẫn đến việc điều chỉnh và cấp lại phôi thẻ mới trên diện rộng, gây phiền hà, mất thời gian và tốn kém chi phí, đặc biệt là khi Nhà nước vừa thực hiện chiến dịch khuyến khích người dân đổi sang thẻ CCCD gắn chip không lâu.

9. Quy định cứng việc số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 chữ số tại Luật liệu có thật sự hợp lý?

Về cơ bản, các Luật chỉ quy định và đưa ra các vấn đề điều chỉnh về mặt nguyên tắc, việc cụ thể hóa các quy định này sẽ được thực hiện bởi các văn bản hướng dẫn tương ứng. Theo quy định tại Luật CCCD 2014, Chính phủ quy định cấu trúc số định danh cá nhân. Tuy nhiên Luật Căn cước 2023 lại quy định cứng số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 chữ số do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập cho công dân Việt Nam. Theo quan điểm của ATA, chúng tôi ủng hộ cách quy định tại Luật CCCD 2014 bởi quy định nêu trên tại Luật Căn cước 2023 có phần quá cụ thể, không phù hợp với cách quy định của một văn bản luật.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi