LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM MỚI CHÍNH THỨC CHO PHÉP NGƯỜI MUA BẢO HIỂM NHÂN THỌ VÀ BẢO HIỂM SỨC KHỎE ĐƯỢC “DÙNG THỬ” TRONG 21 NGÀY

LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM MỚI CHÍNH THỨC CHO PHÉP NGƯỜI MUA BẢO HIỂM NHÂN THỌ VÀ BẢO HIỂM SỨC KHỎE ĐƯỢC “DÙNG THỬ” TRONG 21 NGÀY

2022-07-08 16:30:53 732

Ngày 16/6/2022, Quốc hội vừa thông qua Luật kinh doanh bảo hiểm (“KDBH”) số 08/2022/QH15 thay thế Luật năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010 trước đó. Luật KDBH 2022 có nhiều điểm mới theo hướng thúc đẩy, tạo điều kiện cho hoạt động KDBH tại Việt Nam, trong đó có nhiều nội dung điều chỉnh liên quan đến hợp đồng bảo hiểm (“HĐBH”), tiêu biểu như sau:

1. Thay đổi cách phân loại loại hình bảo hiểm dẫn đến thay đổi cách phân loại các loại HĐBH tương ứng

Thay đổi cách phân loại loại hình bảo hiểm: Trước đây, pháp luật chỉ phân loại 02 loại bảo hiểm là bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ, trong đó, bảo hiểm sức khỏe được xếp chung vào nhóm bảo hiểm phi nhân thọ, cùng với các loại bảo hiểm khác như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, việc phân loại này không phù hợp bởi chế độ áp dụng bảo hiểm sức khỏe có nhiều điểm tương đồng với bảo hiểm nhân thọ hơn so với các loại hình bảo hiểm phi nhân thọ khác, bởi cùng có đối tượng được bảo hiểm hướng đến con người. Vì vậy, do tính chất khác biệt của bảo hiểm sức khỏe so với bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ, Luật KDBH 2022 đã thay đổi cách phân loại này bằng cách tách bảo hiểm tài sản ra thành một loại riêng, theo đó, hiện nay, có 03 loại bảo hiểm: (1) bảo hiểm nhân thọ; (2) bảo hiểm sức khỏe; và (3) bảo hiểm phi nhân thọ.

Thay đổi cách phân loại các loại HĐBH: Theo Điều 12 Luật KDBH 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2019, có 3 loại HĐBH được phân loại bao gồm: (1) HĐBH con người; (2) HĐBH tài sản; và (3) HĐBH trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, Điều 15 Luật KDBH 2022 đã tách bạch cụ thể hơn về đối tượng được bảo hiểm và chia HĐBH thành 5 loại sau: (1) HĐBH nhân thọ; (2) HĐBH sức khỏe; (3) HĐBH tài sản; (4) HĐBH thiệt hại; và (5) HĐBH trách nhiệm. Trong đó:

  1. HĐBH nhân thọ và HĐBH sức khỏe: được tách ra từ HĐBH con người trên cơ sở đối tượng bảo hiểm của HĐBH nhân thọ là tuổi thọ, tính mạng con người, còn của HĐBH sức khỏe là sức khỏe con người.
  2. HĐBH tài sản: có sự thay đổi về đối tượng. Theo đó, quy định cũ liệt kê cụ thể các đối tượng được bảo hiểm của HĐBH tài sản, bao gồm “vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản”[1]. Luật KDBH 2022 đã sửa đổi quy định này và khái quát hóa theo hướng đối tượng bảo hiểm của HĐBH tài sản là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự”[2].
  3. HĐBH trách nhiệm: có sự thay đổi về tên gọi (trước đây là “HĐBH trách nhiệm dân sự”) nhưng đối tượng được bảo hiểm không thay đổi – là “trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba theo quy định của pháp luật”[3].
  4. HĐBH thiệt hại: được bổ sung với đối tượng được bảo hiểm là “bất kỳ lợi ích kinh tế hoặc nghĩa vụ thực hiện hợp đồng hoặc nghĩa vụ theo pháp luật mà người được bảo hiểm phải gánh chịu khi xảy ra tổn thất”[4].

Trong từng loại HĐBH cũng có những thay đổi đáng kể, cụ thể:

  1. HĐBH nhân thọ và HĐBH sức khỏe:
  1. Quy định mới làm rõ đối tượng người được bảo hiểm là “người khác, nếu bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm”[5], bao gồm: (1) Người có quyền lợi về tài chính hoặc quan hệ lao động với bên mua bảo hiểm; và (2) Người được bảo hiểm đồng ý bằng văn bản cho bên mua bảo hiểm mua bảo hiểm sức khỏe cho mình[6].
  2. Quy định mới đề cao hơn nguyên tắc tự do thỏa thuận của các bên khi trao cho các bên trong HĐBH quyền tự thỏa thuận về các trường hợp không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm[7] (trong khi trước đây chỉ có thể thực hiện theo các trường hợp luật định).
  3. Luật KDBH 2022 bổ sung quy định về HĐBH nhóm – HĐBH bảo hiểm cho một nhóm người được hình thành không nhằm mục đích tham gia bảo hiểm. So với HĐBH cá nhân, chi phí bảo hiểm cho HĐBH nhóm sẽ thấp hơn, mặc dù người được bảo hiểm vẫn được hưởng các quyền lợi bảo hiểm như bảo hiểm cá nhân. Loại bảo hiểm này trên thực tế vẫn thường được các công ty sử dụng cho nhân viên của mình như một chương trình phúc lợi nhưng vẫn chưa có căn cứ pháp lý cụ thể cho tới khi Luật KDBH 2022 ra đời.

    b. HĐBH tài sản và HĐBH thiệu hại:

  1. Bổ sung quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm của HĐBH tài sản và HĐBH thiệt hại[9].
  2. Điều chỉnh quy định về số tiền bảo hiểm: Không chỉ là số tiền được xác định trên cơ sở yêu cầu của bên mua bảo hiểm như quy định cũ, mà số tiền đó còn phải được các bên thỏa thuận cụ thể trong HĐBH[10].

  c. HĐBH trách nhiệm: Sửa đổi quy định về giới hạn trách nhiệm bảo hiểm, theo đó, trách nhiệm bảo hiểm không chỉ giới hạn trong phạm vi các khoản tiền bảo hiểm theo quy định pháp luật như quy định cũ, mà hiện nay, còn giới hạn trong phạm vi các khoản tiền bảo hiểm mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng[11]. Nói cách khác, pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong trường hợp này, nhưng đồng thời thỏa thuận của các bên cũng cần tuân thủ quy định của pháp luật.

2. Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến bảo hiểm bắt buộc

  1. Lược bỏ quy định về một số loại bảo hiểm bắt buộc mang tính chuyên ngành như: bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật; và bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Thay vào đó, trao quyền cho các luật chuyên ngành quản lý bằng quy định mở: "bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác" đáp ứng yêu cầu nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội[12].
  2. Bổ sung quy định mang tính bảo vệ quyền lợi cho người mua bảo hiểm bắt buộc. Theo đó, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc có nghĩa vụ mua bảo hiểm bắt buộc và được lựa chọn tham gia bảo hiểm bắt buộc tại doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được phép triển khai, và các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài này không được từ chối bán khi tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ điều kiện mua bảo hiểm bắt buộc theo quy định của pháp luật[13].

3. Bổ sung quy định về thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm và bảo hiểm tạm thời trong bảo hiểm nhân thọ

Theo Điều 35 Luật KDBH 2022, đối với các HĐBH có thời hạn trên 01 năm, trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận được HĐBH, bên mua bảo hiểm có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm và được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng. Có thể hiểu, khoảng thời gian 21 ngày này là khoảng thời gian “dùng thử bảo hiểm”. Trong khoảng thời gian này, người mua bảo hiểm được cấp “bảo hiểm tạm thời”[14] (bảo hiểm tạm thời chỉ áp dụng đối với trường hợp bảo hiểm nhân thọ).

Trên thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã và đang áp dụng khoảng thời gian “dùng thử” này cho các HĐBH có giá trị lớn, thường là HĐBH nhân thọ, với thời hạn có thể là 21 hoặc 14 ngày. T. Đồng thời, quy định mới cũng trao cho bên mua bảo hiểm khoảng thời gian cân nhắc này đối với cả các HĐBH sức khỏe có giá trị lớn (thời hạn trên 01 năm) chứ không chỉ riêng đối với HĐBH nhân thọ.

4. Bổ sung nội dung bắt buộc tại HĐBH

  1. Quy định mới yêu cầu phải quy định cụ thể phạm vi hoặc quyền lợi bảo hiểm; quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm chứ không chỉ có điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm như trước đây.
  2. Không yêu cầu phải quy định thời hạn trả tiền bảo hiểm và/hoặc bồi thường nữa mà chỉ yêu cầu nội dung về phương thức bồi thường, trả tiền bảo hiểm.
  3. Ngày, tháng, năm giao kết hợp đồng không còn là nội dung bắt buộc. Tương ứng, Luật yêu cầu bắt buộc phải có nội dung về thời điểm có hiệu lực của HĐBH.

Các nội dung khác của HĐBH vẫn được giữ nguyên.

5. Bổ sung các trường hợp HĐBH vô hiệu

Trước đây, ngoài các trường hợp được quy định cụ thể trong luật, Điều 22.1 Luật KDBH 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2019 còn có quy định mở: “Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. Điều 25.1 Luật KDBH 2022 đã cụ thể hóa quy định này bằng việc bổ sung các trường hợp HĐBH vô hiệu do các nguyên nhân như vi phạm các nguyên tắc cơ bản khi giao kết hợp đồng (ví dụ: vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; bên mua bảo hiểm chưa/không đủ khả năng giao kết hợp đồng; HĐBH được giao kết do bị lừa dối, nhầm lẫn, đe dọa, HĐBH được giao kết vi phạm quy định về hình thức).

Ngoài ra, trong trường hợp vô hiệu do không có đối tượng bảo hiểm, quy định mới còn làm rõ cụ thể thời điểm để xác định căn cứ này phải là “tại thời điểm giao kết HĐBH”.

6. Bổ sung các trường hợp không được giao kết HĐBH nhân thọ, HĐBH sức khỏe cho trường hợp chết của những người khác

Theo Điều 39.2 Luật KDBH 2022, các trường hợp này được sửa đổi, bổ sung, bao gồm:

  1. Người chưa thành niên, trừ trường hợp cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó đồng ý bằng văn bản.
  2. Người mất năng lực hành vi dân sự.
  3. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
  4. Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Luật KDBH 2022 này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2023.

[1] Điều 40 Luật KDBH 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2019.

[2] Điều 43.1 Luật KDBH 2022.

[3] Điều 57 Luật KDBH 2022.

[4] Điều 43.2 Luật KDBH 2022.

[5] Điều 31.2(d) Luật KDBH 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2019.

[6] Điều 34.1 Luật KDBH 2022.

[7] Điều 40.1(đ) Luật KDBH 2022.

[8] Điều 41 Luật KDBH 2022.

[9] Điều 44 Luật KDBH 2022.

[10] Điều 45 Luật KDBH 2022.

[11] Điều 59.1 Luật KDBH 2022.

[12] Điều 8.2(d) Luật KDBH 2022.

[13] Khoản 3 và 4 Điều 8 Luật KDBH 2022.

[14] Điều 36 Luật KDBH 2022.

Bình luận:

Từ khóa: 

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi