LUẬT MỚI 2024 SIẾT CHẶT QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VÀ TĂNG CƯỜNG QUẢN TRỊ RỦI RO HỆ THỐNG CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

LUẬT MỚI 2024 SIẾT CHẶT QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VÀ TĂNG CƯỜNG QUẢN TRỊ RỦI RO HỆ THỐNG CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

2024-02-23 23:00:37 855

Ngày 18/1/2024, Quốc hội đã thông qua Luật các tổ chức tín dụng (“LCTCTD”) 2024, thay thế cho LCTCTD 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của LCTCTD năm 2017 (sau đây gọi chung là “LCTCTD 2010”). LCTCTD 2024 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2024 và được kỳ vọng tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống và xử lý, hỗ trợ kịp thời, triệt để các TCTD yếu kém. Nhằm đem đến cái nhìn rõ nét hơn về các nội dung thay đổi tại LCTCTD 2024, trong chuyên đề “LUẬT MỚI 2024 SIẾT CHẶT QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VÀ TĂNG CƯỜNG QUẢN TRỊ RỦI RO HỆ THỐNG CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG” dưới đây, ATA Legal Services sẽ tập trung so sánh và phân tích các điểm mới của LCTCTD 2024. Cụ thể như sau:

I. Bổ sung quy định tăng cường trách nhiệm của TCTD đối với khách hàng

1.1. Tăng cường quản lý, bảo vệ dữ liệu khách hàng trong lĩnh vực ngân hàng

Ngân hàng là một trong số những đối tượng có hoạt động thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân lớn nhất và cũng là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro rò rỉ, mua bán dữ liệu. LCTCTD 2010 đã có có quy định về việc bảo mật thông tin khách hàng, tuy nhiên, quy định này chưa chặt chẽ và đem lại hiệu quả đảm bảo bảo mật thông tin đối đa. Cụ thể, đối tượng được đảm bảo bí mật là các thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Như vậy, quy định này đã bỏ ngỏ các đối tượng là thông tin cá nhân của khách hàng như số điện thoại, thông tin định danh cá nhân, địa chỉ, v.v. của khách hàng. Trên thực tế, theo thống kê từ Công ty An ninh mạng Viettel, trong năm 2023 hơn 30.000 tài khoản ngân hàng bị xâm nhập. Các thông tin này có thể bị khai thác để thực hiện một số hoạt động như mời chào dịch vụ bằng cuộc gọi, tin nhắn rác, bị lợi dụng bởi tội phạm lừa đảo. Ở lĩnh vực ngân hàng, các hình thức lừa đảo chủ yếu bao gồm lừa đảo thông qua vay tiền trực tuyến, chuyển tiền quốc tế; giả mạo ví điện tử cũng như các dịch vụ liên quan đến thẻ tín dụng.[1]

Đối với vấn đề này, Nghị định 13/2023/NĐ-CP quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân được ban hành năm 2023 đã tạo hành lang pháp lý nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân với với nhiều quy định chặt chẽ về bảo vệ dữ liệu và trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Nghị định 13/2023/NĐ-CP. Theo đó, nhằm thống nhất quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực ngân hàng, LCTCTD 2024 cập nhật, bổ sung nghĩa vụ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin khách hàng theo quy định của Chính phủ, cụ thể là quy định của Nghị định 13/2023/NĐ-CP. Việc quy định luật chuyên ngành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng chính thức ghi nhận thông tin cá nhân của khách hàng là đối tượng phải bảo mật sẽ có ý nghĩa tăng cường tính nghiêm minh và hiệu lực của quy định, mang tính răn đe cao và tăng tính ràng buộc các TCTD phải tuân thủ nghiêm chỉnh trách nhiệm này.

Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung nguyên tắc về an toàn dữ liệu và đảm bảo hoạt động liên tục. Cụ thể, Điều 14 LCTCTD 2024 quy định TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm an toàn hệ thống thông tin, bảo mật dữ liệu và hoạt động liên tục theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

1.2. Nghiêm cấm gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng

Điều 15 LCTCTD 2024 bổ sung quy định nghiêm cấm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Có thể nói, đây là một trong những quy định được mong chờ hiện nay khi hoạt động cho vay của ngân hàng đã và đang bị lợi dụng như một hình thức phân phối sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm. Theo đó, quy định cấm gắn hai hoạt động là “bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc” và “cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng” với nhau đã triệt để ngăn chặn các hành vi bao gồm việc đưa việc mua bảo hiểm làm điều kiện cung cấp khoản vay, chỉ định khách hàng mua bảo hiểm tại công ty liên kết, công ty bảo hiểm đối tác, v.v. chèo kéo khách hàng vay vốn mua bảo hiểm, v.v.

Quy định này đã giải quyết một trong những vấn đề bất cập, nổi cộm trong ngành ngân hàng thời gian vừa qua. Đảm bảo hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng vay vốn.

II. Tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm soát, hỗ trợ và xử lý hoạt động của TCTD

2.1. Ngân hàng nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng phương án khắc phục dự kiến khi rơi vào trường hợp cần “can thiệp sớm”

So với LCTCTD 2010, LCTCTD 2024 bổ sung yêu cầu các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng trước phương án khắc phục dự kiến khi rơi vào trường hợp cần áp dụng cơ chế “can thiệp sớm” theo quy định[2]. Phương án này phải bao gồm các nội dung về: cơ cấu tổ chức; thực trạng tài chính, hoạt động; các biện pháp khắc phục; và lộ trình, thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng mất an toàn vốn của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định.

Phương án khắc phục dự kiến này phải được xây dựng, thông qua trước ngày 01/07/2025 hoặc trong thời hạn 01 năm kể từ ngày ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động. Ngoài ra, phương án này phải được cập nhật, điều chỉnh định kỳ ít nhất 02 năm và mỗi phương án được thông qua đều phải được gửi tới Ngân hàng nhà nước.

Trường hợp (i) TCTD được can thiệp sớm không có phương án khắc phục gửi Ngân hàng Nhà nước hoặc không điều chỉnh phương án khắc phục theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước; hoặc (ii) Trong thời hạn thực hiện phương án khắc phục, TCTD được can thiệp sớm không có khả năng thực hiện phương án khắc phục; hoặc (iii) Hết thời hạn thực hiện phương án khắc phục mà TCTD không khắc phục được tình trạng dẫn đến thực hiện can thiệp sớm, thì Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, quyết định đặt TCTD vào diện kiểm soát đặc biệt theo quy định[3].

Có thể thấy, các quy định nêu trên cho thấy nỗ lực của Nhà nước trong việc tăng cường quản lý, theo dõi, hỗ trợ đảm bảo an toàn vốn cho các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài – những đối tượng nhạy cảm đối với tình hình tài chính, tiền tệ trong nước. Việc có những kịch bản, phương án kịp thời là cần thiết để đảm bảo an toàn của toàn bộ hệ thống ngân hàng, đặc biệt khi sự chậm trễ, do dự khi xử lý các ngân hàng có vấn đề là một trong những nguyên nhân trọng yếu dẫn đến khủng hoảng hệ thống, từ đó có thể dẫn tới các tác động sâu rộng tới các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế.

Song, mặt khác, các quy định này cũng đặt ra thêm nghĩa vụ báo cáo định kỳ mà các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần lưu ý tuân thủ.

2.2. Bổ sung quy định về xử lý trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt

Khái niệm “rút tiền hàng loạt” lần đầu được nhắc tới trong LCTCTD 2024, theo đó, là việc TCTD bị nhiều người gửi tiền cùng rút tiền dẫn đến có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất khả năng chi trả theo quy định.

Theo LCTCTD 2024, việc bị rút tiền hàng loạt là một trong những trường hợp để Ngân hàng nhà nước xem xét áp dụng cơ chế “can thiệp sớm” hoặc “kiểm soát đặc biệt”, tuỳ mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên, do tính nghiêm trọng và nguy cơ cao của hành vi “rút tiền hàng loạt”, LCTCTD 2024 cũng đưa ra các biện pháp để ứng phó ngay tức thì khi TCTD gặp phải tình trạng này. Cụ thể:

a. TCTD bị rút tiền hàng loạt phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước và thực hiện ngay các biện pháp sau đây:

  • Không chia cổ tức bằng tiền mặt; tạm dừng hoặc hạn chế các hoạt động cấp tín dụng và các hoạt động khác có sử dụng nguồn tiền của TCTD; các giải pháp khác để đáp ứng yêu cầu chi trả tiền gửi cho khách hàng;
  • Thực hiện các biện pháp tại phương án khắc phục trong tình huống bị rút tiền hàng loạt theo quy định; cập nhật, điều chỉnh phương án trong trường hợp cần thiết.

b. Trường hợp TCTD đang được can thiệp sớm bị rút tiền hàng loạt thì phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước về tình trạng rút tiền hàng loạt; rà soát, đánh giá lại thực trạng để xây dựng, điều chỉnh phương án khắc phục theo quy định và thực hiện tương ứng.

c. TCTD được áp dụng biện pháp hỗ trợ sau đây khi bị rút tiền hàng loạt:

  • Bán giấy tờ có giá cho Ngân hàng Nhà nước trên nghiệp vụ thị trường mở với lãi suất 0%;
  • Thực hiện giao dịch ngoại tệ với Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm thanh khoản theo quy định;
  • Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước; vay đặc biệt từ tổ chức bảo hiểm tiền gửi; vay đặc biệt từ TCTD khác theo quy định.

2.3. Tăng cường trách nhiệm của người quản lý TCTD khi TCTD được đặt vào kiểm soát đặc biệt

Theo quy định tại LCTCTD 2010, các TCTD đặt vào kiểm soát đặc biệt là các tổ chức yếu kém, mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả, khả năng thanh toán, lỗ lũy kế hoặc có lỗ lũy kế lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính hoặc không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn theo quy định. Có thể thấy, theo quy định trước đây, những TCTD khi đặt vào kiểm soát đặc biệt đã lâm vào tình trạng khó hoặc không thể khắc phục. Tuy nhiên, quy định mới tại LCTCTD 2024 lại quy định theo hướng phòng ngừa sớm và cảnh cáo đối với các TCTD có dấu hiệu hoạt động yếu kém, thiếu tuân thủ. Theo đó, các trường hợp TCTD được đưa vào diện Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt vào kiểm soát đặc biệt được sửa đổi, bổ sung như sau:

  • TCTD được can thiệp sớm không có phương án khắc phục gửi Ngân hàng Nhà nước hoặc không điều chỉnh phương án khắc phục theo yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước;
  • Trong thời hạn thực hiện phương án khắc phục, TCTD được can thiệp sớm không có khả năng thực hiện phương án khắc phục;
  • Hết thời hạn thực hiện phương án khắc phục mà TCTD không khắc phục được tình trạng dẫn đến thực hiện can thiệp sớm;
  • Bị rút tiền hàng loạt và có nguy cơ gây mất an toàn hệ thống TCTD;
  • Tỷ lệ an toàn vốn của TCTD thấp hơn 04% trong thời gian 06 tháng liên tục;
  • TCTD bị giải thể không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ trong quá trình thanh lý tài sản.

Bên cạnh đó, LCTCTD 2024 bổ sung thêm quy định về các phương án kèm theo khi TCTD được kiểm soát đặc biệt. Các phương án bao gồm:

  • Kể từ ngày TCTD được đặt vào kiểm soát đặc biệt, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của TCTD được kiểm soát đặc biệt phải báo cáo việc sử dụng cổ phần, phần vốn góp; không được chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp; không được sử dụng cổ phần, phần vốn góp để làm tài sản bảo đảm, trừ trường hợp thực hiện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Kể từ ngày TCTD được đặt vào kiểm soát đặc biệt, dư nợ gốc, lãi của khoản vay tái cấp vốn của TCTD đó tại Ngân hàng Nhà nước được chuyển thành dư nợ gốc, lãi của khoản vay đặc biệt và tiếp tục thực hiện theo cơ chế vay tái cấp vốn của các khoản vay tái cấp vốn này; dư nợ gốc, lãi của khoản vay của quỹ tín dụng nhân dân tại ngân hàng hợp tác xã được chuyển thành dư nợ gốc, lãi của khoản vay đặc biệt và tiếp tục thực hiện theo cơ chế cho vay của ngân hàng hợp tác xã đối với quỹ tín dụng nhân dân.

Đây là bổ sung hoàn toàn mới so với quy định trước đây. Việc đưa ra các phương án áp dung ngay kể từ ngày TCTD được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt có ý nghĩa ngăn chặn hậu quả và giảm thiểu tối đa các nguy cơ có thể xảy ra đối với TCTD và khách hàng, tăng cường trách nhiệm của người quản lý, điều hành khi TCTD bị đặt vào kiểm soát đặc biệt.

2.4. Giảm giới hạn cấp tín dụng theo từng giai đoạn

LCTCTD 2024 điều chỉnh mức giới hạn cấp tín dụng của các TCTD như sau:

STT

Tiêu chí

Mức tối đa theo LCTCTD 2010

Mức tối đa theo

LCTCTD 2024

1

Tỷ lệ tổng mức dư nợ cấp tín dụng trên vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô

Đối với một khách hàng

15%

- Từ 01/07/2024 đến trước 01/01/2026: 14%;

- Từ 01/01/2026 đến trước 01/01/2027: 13%;

- Từ 01/01/2027 đến trước 01/01/2028: 12%;

- Từ 01/01/2028 đến trước 01/01/2029: 11%;

- Từ 01/01/2029: 10%.

Đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó

25%

- Từ 01/07/2024 đến trước 01/01/2026: 23%;

- Từ 01/01/2026 đến trước 01/01/2027: 21%;

- Từ 01/01/2027 đến trước 01/01/2028: 19%;

- Từ 01/01/2028 đến trước 01/01/2029: 17%;

- Từ 01/01/2029: 15%.

2

Tỷ lệ tổng mức dư nợ cấp tín dụng trên vốn tự có của TCTD phi ngân hàng

Đối với một khách hàng

25%

15%

Đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó

50%

25%

Quy định mới hướng tới giảm thiểu rủi ro cho vay phụ thuộc vào một nhóm khách hàng, hướng tới quản lý chặt chẽ hơn tỷ lệ an toàn vốn của các TCTD, tránh gây bất ổn cho hệ thống. Riêng đối với tỷ lệ cấp tín dụng của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, LCTCTD 2024 đưa ra lộ trình giảm dần tỷ lệ cấp tín dụng trong vòng 05 năm (đến năm 2029). Đây là quy định phù hợp nhằm giúp các đối tượng này, thường là các TCTD quy mô lớn, nhạy cảm tránh bị đứt gãy vốn đột ngột, gây ảnh hưởng đến thị trường vốn nói chung.

III. Tăng cường tính minh bạch trong tổ chức, quản trị, điều hành của TCTD

3.1. Điều chỉnh các quy định về góp vốn, mua cổ phần của các TCTD theo hướng siết chặt

LCTCTD 2024 bổ sung các giới hạn liên quan đến việc góp vốn, mua cổ phần của các TCTD như sau:

STT

Nội dung điều chỉnh

LCTCTD 2010

LCTCTD 2024

1

Thu hẹp giới hạn đầu tư vốn của công ty tài chính vào các doanh nghiệp, kể cả các công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính đó

Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính theo quy định vào các doanh nghiệp, kể cả các công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính đó không được vượt quá 60% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của công ty tài chính.

Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính vào doanh nghiệp, quỹ đầu tư, kể cả công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính đó theo quy định không được vượt quá 40% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của công ty tài chính.

2

Bổ sung đối tượng bị hạn chế trong hoạt động góp vốn, mua cổ phần của TCTD

TCTD không được góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, TCTD khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính TCTD đó.

TCTD, công ty con của TCTD không được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, TCTD sau đây:

a) Doanh nghiệp, TCTD khác là cổ đông, thành viên góp vốn của TCTD đó;

b) Doanh nghiệp, TCTD khác là người có liên quan của cổ đông lớn, thành viên góp vốn của TCTD đó.

3

Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông trong TCTD là công ty cổ phần

Đối với cổ đông là tổ chức (không phải cổ đông lớn)

15% vốn điều lệ của TCTD.

10% vốn điều lệ của TCTD.

Đối với người có liên quan của cổ đông (không phải cổ đông lớn)

20% vốn điều lệ của TCTD.

15% vốn điều lệ của TCTD.

Các quy định nêu trên góp phần đảm bảo an toàn vốn trong các TCTD và hạn chế tình trạng sở hữu chéo, chi phối thao túng ngân hàng, từ đó giúp hệ thống các TCTD trở nên công khai, minh bạch và an toàn hơn.

Liên quan đến việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông trong TCTD, LCTCTD 2024 cũng đưa ra hướng dẫn thi hành đối với các quy định này như sau:

  • Kể từ ngày LCTCTD 2024 có hiệu lực, các cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu nêu trên được tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.​
  • Tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một cổ đông lớn, một cổ đông và người có liên quan tại ngân hàng thương mại thực hiện nhiệm vụ phục vụ quốc phòng vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần nêu trên trước ngày LCTCTD 2024 có hiệu lực được tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu cổ phần phù hợp với quy định cũ tại LCTCTD 2010.

3.2. Mở rộng phạm vi đối tượng “người có liên quan”

Để đảm bảo an toàn trong hoạt động TCTD, minh bạch hóa việc sở hữu cổ phần của cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó, hạn chế tình trạng thao túng hoạt động của các TCTD, LCTCTD 2024 đã bổ sung một số nhóm người có liên quan bao gồm:

  • Công ty mẹ với công ty con của công ty con và ngược lại;
  • TCTD với công ty con của công ty con của TCTD và ngược lại;
  • Kiểm soát viên của công ty mẹ hoặc của TCTD;
  • Công ty hoặc TCTD với kiểm soát viên của công ty;
  • Cá nhân với ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; bác ruột, cô ruột, dì ruột, chú ruột, cậu ruột và cháu ruột;
  • Các nhóm người có liên quan khác đối với khách hàng quỹ tín dụng nhân dân theo quy định.

So với quy định về người liên quan tại các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, v.v. có thể thấy đối tượng là người có liên quan theo quy định của LCTCTD có tính bao quát hơn, đảm bảo sự rõ ràng trọng việc xác định người có liên quan và thể hiện sự kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động quản trị nội bộ các TCTD.

3.3. Siết chặt điều kiện đảm nhiệm chức vụ trong TCTD

LCTCTD 2024 bổ sung các đối tượng không được là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của TCTD, gồm:

  • Người có liên quan của thành viên Ban kiểm soát, Phó giám đốc của quỹ tín dụng nhân dân đó; và
  • Người phải chịu trách nhiệm theo kết luận thanh tra dẫn đến việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng ở khung phạt tiền cao nhất đối với hành vi vi phạm quy định về giấy phép, quản trị, điều hành, cổ phần, cổ phiếu, góp vốn, mua cổ phần, cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp, tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Tại đây, như đã phân tích, khái niệm về “người có liên quan” cũng được LTCTD 2024 mở rộng, khiến cho phạm vi các đối tượng không được đảm nhiệm chức vụ tại TCTD ngày càng đa dạng hơn.

3.4. Bổ sung yêu cầu về cung cấp thông tin đối với cổ đông, người quản lý và người có liên quan

a. Bổ sung quy định yêu cầu thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và chức danh tương đương theo quy định của TCTD phải cung cấp thêm thông tin về người có liên quan của mình (bao gồm cả người có liên quan là cá nhân và tổ chức).

b. Yêu cầu cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của TCTD phải cung cấp các thông tin pháp lý; người có liên quan; số lượng và tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và của người có liên quan của mình tại TCTD.

Các thông tin nêu trên cũng đều phải được TCTD niêm yết, lưu giữ tại trụ sở chính của mình và báo cáo Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày TCTD nhận được thông tin cung cấp. Đồng thời, định kỳ hằng năm, TCTD cũng phải công bố thông tin nêu trên với Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên, Hội đồng thành viên của mình.

3.5. Tăng cường tính khách quan trong hoạt động của Hội đồng quản trị của TCTD là công ty cổ phần

LTCTD 2024 tăng cường tính minh bạch, khách quan, độc lập trong hoạt động của Hội đồng quản trị của TCTD là công ty cổ phần thông qua việc quy định tăng cường số lượng thành viên độc lập của Hội đồng quản trị, giảm tỷ lệ người liên quan tham gia vào hội đồng quản trị.

Cụ thể, theo quy định mới Hội đồng quản trị phải có tối thiểu 02 thành viên độc lập (quy định trước đây là 01) và ⅔ tổng số thành viên phải là thành viên độc lập (quy định trước đây là ½).

Quy định mới cũng giới hạn số lượng người có liên quan tham gia vào Hội đồng quản trị TCTD là công ty cổ phần. Trước đây, cá nhân và người có liên quan của cá nhân đó hoặc những người đại diện vốn góp của một cổ đông là tổ chức và người có liên quan của những người này được tham gia Hội đồng quản trị, nhưng không được vượt quá một phần ba tổng số thành viên Hội đồng quản trị. Theo quy định mới tại LCTCTD 2024, cá nhân và người có liên quan của cá nhân đó hoặc những người đại diện phần vốn góp của một cổ đông là tổ chức và người có liên quan của những người này được tham gia Hội đồng quản trị nhưng không được vượt quá 02 thành viên Hội đồng quản trị của một TCTD là công ty cổ phần.

IV. Bổ sung quy định hướng dẫn, tạo điều kiện cho hoạt động của các TCTD

4.1. Đơn giản hoá thủ tục cấp tín dụng đối với các khoản vay có giá trị nhỏ

LCTCTD 2010 quy định TCTD phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh phương án sử dụng vốn khả thi, khả năng tài chính của mình, mục đích sử dụng vốn hợp pháp, biện pháp bảo đảm tiền vay trước khi quyết định cấp tín dụng, không phân biệt giá trị khoản vay.

Tuy nhiên, nhằm đơn giản hoá thủ tục cấp tín dụng, Điều 102 LCTCTD 2024 quy định riêng đối với một số khoản vay có giá trị nhỏ, TCTD chỉ cần yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin tối thiểu về mục đích sử dụng vốn hợp pháp, khả năng tài chính của khách hàng trước khi quyết định cấp tín dụng. Các khoản vay có giá trị nhỏ bao gồm:

  • Khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, khoản cấp tín dụng qua thẻ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
  • Khoản cho thuê tài chính, khoản cho vay tiêu dùng, khoản cấp tín dụng qua thẻ của TCTD phi ngân hàng;
  • Khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của quỹ tín dụng nhân dân;
  • Khoản cho vay của tổ chức tài chính vi mô.

Quy định này góp phần đơn giản hoá và tạo sự linh hoạt trong hoạt động cấp tín dụng tại các TCTD cho khách hàng vay các khoản vay có giá trị nhỏ, bảo đảm quyền lợi của người vay, hỗ trợ các đối tượng thu nhập thấp tiếp cận với nguồn tín dụng.

4.2. Luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của TCTD

Mặc dù LCTCTD 2010 không đề cập song một số vấn đề liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các TCTD đã được nhắc tới trong các văn bản pháp luật khác như Thông tư 09/2015/TT-NHNN về hoạt động mua, bán nợ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hay Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD; v.v.

So với Nghị quyết 42/2017/QH14, LCTCTD 2024 đã luật hóa và bổ sung thêm một Chương quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, tiêu biểu như sau:

a. Đưa ra quy định rõ ràng, thống nhất về đối tượng áp dụng quy định về xử lý nợ xấu, bao gồm:

  • Nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán và khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nhưng chưa thu hồi được nợ và đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán theo quy định;
  • Nợ xấu mà tổ chức mua bán, xử lý nợ đã mua của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhưng chưa thu hồi được nợ.

b. Kế thừa và bổ sung quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu. Theo đó, LCTCTD 2024 quy định số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được phân chia theo thứ tự ưu tiên cụ thể như sau:

  • Chi phí bảo quản tài sản bảo đảm;
  • Chi phí thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm;
  • Án phí của bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm;
  • Khoản thuế, lệ phí trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm đó gồm thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ;
  • Nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ;
  • Nghĩa vụ khác không có bảo đảm theo quy định của pháp luật.

c. Bổ sung quy định cho phép TCTD được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ nhằm thống nhất với quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản 2023.

Có thể thấy, thị trường tài chính đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của mỗi nền kinh tế song đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mang tính hệ thống. Trên thế giới cũng như Việt Nam đã từng diễn ra nhiều cuộc khủng hoảng tài chính liên quan sự yếu kém của hệ thống ngân hàng. Việc vừa kiểm soát tốt đồng thời tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của hệ thống TCTD, đặc biệt là ngân hàng luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được ưu tiên. Với những quy định mang tính siết chặt quản lý và tăng cường quant trị rủi ro như đã đề cập ở trên, LTCTD 2024 được kỳ vọng sẽ góp phần tạo nên thị trường vốn, thị trường tài chính minh bạch, ổn định, an toàn từ đó thúc đẩy sự phát triển của cả nền kinh tế.

_______________

[1] https://cafef.vn/hon-30000-tai-khoan-ngan-hang-tai-viet-nam-bi-danh-cap-du-lieu-hang-chuc-trieu-du-lieu-ca-nhan-bi-rao-ban-188231116065244952.chn

[2] Theo Điều 156 LCTCTD 2024, các trường hợp cần cân nhắc áp dụng “can thiệp sớm” của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sửa đổi, bổ sung cụ thể bao gồm:

  1. Số lỗ lũy kế của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định (quy định mới được bổ sung);
  2. Xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định;
  3. Vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả theo quy định trong thời gian 30 ngày liên tục (theo quy định cũ là 03 tháng liên tục);
  4. Vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định trong thời gian 06 tháng liên tục;
  5. Bị rút tiền hàng loạt và có báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước (quy định mới được bổ sung).

[3] Theo Khoản 1 Điều 162 LCTCTD 2024.

 

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi