Ở kỳ trước ATA Legal Services đã đưa ra những điểm mới của Luật số 56/2024/QH15 (“Luật số 56”) về Luật chứng khoán và phân tích, đánh giá các quy định này. Trong phần tiếp theo này, ATA sẽ cập nhật và phân tích thêm một số điểm mới, đáng chú ý liên quan đến Luật Kế toán, Luật kiểm toán độc lập, Luật quản lý thuế và Luật thuế thu nhập cá nhân.
I. Nội dung sửa đổi Luật Kế toán: Bổ sung quy định về quyền của người làm kế toán
Bên cạnh quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán, Luật số 56 đã bổ sung thêm các quyền để miễn trừ trách nhiệm cho người làm kế toán, cụ thể bổ sung thêm quyền sau: “bảo lưu ý kiến chuyên môn bằng văn bản khi có ý kiến khác với ý kiến của người ra quyết định; báo cáo bằng văn bản cho kế toán trưởng hoặc người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán trong đơn vị; trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định thì báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người đã ra quyết định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó.”
II. Nội dung sửa đổi Luật kiểm toán độc lập:
1. Không được bố trí kiểm toán viên ký báo cáo kiểm toán cho 1 đơn vị được kiểm toán quá 5 năm liên tục.
Trường hợp ký hợp đồng kiểm toán với một doanh nghiệp kiểm toán quá 5 năm liên tục thì phải yêu cầu doanh nghiệp kiểm toán thay đổi kiểm toán viên ký báo cáo kiểm toán.
Doanh nghiệp kiểm toán không được bố trí kiểm toán viên thực hiện kiểm toán cho một đơn vị có lợi ích công chúng quá 5 năm liên tục.
Thời gian ngừng để kiểm toán viên tiếp tục ký báo cáo kiểm toán cho cùng một đơn vị/đơn vị có lợi ích công chúng được kiểm toán sẽ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
2. Tất cả các doanh nghiệp có quy mô lớn đều sẽ phải kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm:
Trước đây, theo quy định cũ, các đối tượng là doanh nghiệp phải thực hiện kiểm toán độc lập báo cáo tài chính chỉ bao gồm: (1) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; (2) Tổ chức tín dụng; (3) Tổ chức tài chính, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, môi giới bảo hiểm; (4) Công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Luật số 56 sửa đổi Luật kiểm toán độc lập đã bổ sung quy định bắt buộc tất cả các doanh nghiệp có quy mô lớn sẽ phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính. Quy định này được đánh giá là phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay có rất nhiều các doanh nghiệp có tổng tài sản và doanh thu hàng nghìn tỷ với tầm ảnh hưởng rất lớn trên thị trường nói chung nhưng không phải là công ty niêm yết, công ty đại chúng và không phải kiểm toán báo cáo tài chính. Điều này gây ra nhiều bất cập và nguy cơ tiềm ẩn rủi ro, bất ổn cho nhà đầu tư và cho thị trường. Quy định này sẽ giúp tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng trên thị trường, tránh tình trạng gian lận và tác động xấu đến thị trường.
Căn cứ xác định doanh nghiệp được coi là có quy mô lớn sẽ theo hướng dẫn của Chính phủ.
3. Tăng mức xử phạt tối đa và thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập
Luật số 56 sửa đổi một số điều của luật kiểm toán độc lập, theo đó nội dung về xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập có điểm mới đáng chú ý. Thay vì quy định mức xử phạt vi phạm và thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong từng nghị định xử phạt như trước đây, nội dung sửa đổi lần này đã bổ sung quy định về thời hiệu xử phạt và mức xử phạt tối đa trong Luật kiểm toán độc lập. Theo đó, mức xử phạt và thời hiệu theo quy định mới đã tăng rất nhiều so với mức xử phạt cũ quy định tại Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập (“Nghị định 41”). Cụ thể như sau:
Mục |
Quy định tại Luật sửa đổi |
Quy định tại Nghị định 41 |
Mức xử phạt tối đa |
· Đối với tổ chức: 02 tỷ VNĐ · Đối với cá nhân: 01 tỷ VNĐ |
· Đối với tổ chức: 100 triệu VNĐ · Đối với cá nhân: 50 triệu VNĐ |
Thời hiệu xử phạt |
05 năm |
01 năm |
4. Doanh nghiệp kiểm toán có chi nhánh bắt buộc phải có ít nhất năm kiểm toán viên đăng ký hành nghề tại trụ sở chính, không kể chi nhánh:
Theo Luật số 56, đối với các doanh nghiệp kiểm toán có chi nhánh thì bắt buộc phải đáp ứng điều kiện có ít nhất năm kiểm toán viên hành nghề đăng ký hoạt động tại trụ sở chính, không bao gồm số lượng kiểm toán viên đang hành nghề tại chi nhánh. Quy định này cũng là một điểm mới khác biệt so với nội dung cũ tại Luật kiểm toán độc lập 2011. Theo quy định trước đây chỉ yêu cầu doanh nghiệp hành nghề kiểm toán phải có ít nhất năm kiểm toán viên hành nghề, trong đó tối thiểu phải có hai thành viên góp vốn. Quy định này không phân biệt số lượng kiểm toán viên tại trụ sở chính và chi nhánh. Quy định giúp tăng tính minh bạch của quy định và đảm bảo điều kiện hoạt động của các tổ chức hành nghề kiểm toán.
III. Nội dung sửa đổi Luật quản lý thuế và Luật Thuế thu nhập cá nhân:
1. Tất cả các nhà cung cấp ở nước ngoài có phát sinh hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đều có nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế:
Trước đây, theo quy định của Luật quản lý thuế 2019, pháp luật chỉ quy định nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế tại Việt Nam đối với những nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có phát sinh hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo nội dung sửa đổi tại Luật số 56, nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế được thực hiện đối với tất cả các nhà cung cấp nước ngoài đang tiến hành hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác bất kể nhà cung cấp đó đã có hay chưa có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Quy định này có hiệu lực sẽ góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, tránh thất thu thuế.
2. Sàn thương mại điện tử có nghĩa vụ thực hiện khấu trừ, kê khai và nộp thuế thay cho người bán:
Theo quy định mới, các tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán (bao gồm cả tổ chức trong nước và nước ngoài) và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác có nghĩa vụ thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ cho hộ kinh doanh, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số.
Các đối tượng là hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc trường hợp được khấu trừ và nộp thuế thay thì sẽ có nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế trực tiếp cho cơ quan thuế.
Quy định này giúp cơ quan thuế quản lý dễ dàng hơn đối với các giao dịch thương mại điện tử, nơi mà số lượng giao dịch rất lớn và khó kiểm soát do một lượng lớn đối tượng tham gia bán hàng là cá nhân hoặc hộ kinh doanh. Việc yêu cầu các sàn thương mại điện tử khấu trừ, kê khai và nộp thuế thay cho người bán sẽ giảm thiểu tình trạng trốn thuế và nâng cao hiệu quả thu thuế.
3. Bãi bỏ quy định về quyền được phép tính lãi đối với khoản tiền thuế nộp thừa của người nộp thuế:
Theo quy định cũ của Luật quản lý thuế, luật cho phép người nộp thuế được quyền yêu cầu cơ quan quản lý thuế trả tiền lãi theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp thừa. Nguồn tiền trả lãi được chi trả từ ngân sách nhà nước cấp trung ương. Luật số 56 đã bãi bỏ quy định về tính lãi đối với khoản tiền thuế, tiền phạt nộp thừa. Do đó, kể từ 01/01/2025, người nộp thuế chỉ được nhận lại số tiền mình đã nộp thừa mà không còn quyền yêu cầu cơ quan thuế tính lãi đối với khoản tiền đó.
Luật số 56 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2025. Riêng đối với quy định về số lượng kiểm toán viên hành nghề và nghĩa vụ kiểm toán bắt buộc của các doanh nghiệp quy mô lớn sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2026. Đối với quy định về nghĩa vụ thực hiện khấu trừ, kê khai và nộp thuế thay cho người bán của các Sàn giao dịch thương mại diện tử sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/04/2025.
Bình luận: