LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG 2025: TĂNG CƯỜNG TÍNH LINH HOẠT, CHỦ ĐỘNG CỦA CHÍNH QUYỀN CÁC CẤP

LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG 2025: TĂNG CƯỜNG TÍNH LINH HOẠT, CHỦ ĐỘNG CỦA CHÍNH QUYỀN CÁC CẤP

2025-03-07 14:31:11 212

Ngày 19/02/2025, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2025. Về tổng quan, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 thể hiện rõ ràng nguyên tắc và tinh thần tinh gọn bộ máy trong tổ chức chính quyền địa phương, đồng thời tăng cường tính linh hoạt, chủ động và chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp trong thực thi công vụ, phù hợp với hoàn cảnh mới của đất nước.

1. Linh hoạt trong quyết định công tác tổ chức chính quyền địa phương các cấp

Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 vẫn quy định nguyên tắc tổ chức chính quyền địa phương theo ba cấp gồm tỉnh, huyện và xã như hiện tại. Tuy nhiên, Luật dự liệu trong trường hợp Quốc hội quyết định không tổ chức cấp chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính cụ thể nào thì chính quyền địa phương ở đơn vị đó chỉ có Ủy ban nhân dân ("UBND”) và không tổ chức Hội đồng nhân dân ("HĐND”).

2. Khuyến khích và tạo cơ chế linh hoạt trong phân quyền, phân cấp

Trước đây, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 đã đề cập đến việc phân quyền giữa cơ quan cấp trên với cấp dưới hoặc cơ quan chính quyền với cơ quan chuyên môn tại cùng cấp. Tuy nhiên, Luật giới hạn việc phân quyền chỉ được diễn ra nếu được quy định rõ trong luật và quy định rõ cấp được phân quyền không được phân cấp, uỷ quyền cho cơ quan, tổ chức khác.

Tuy nhiên, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 cho phép mở rộng phạm vi trường hợp chính quyền địa phương được phân quyền, phân cấp cho các cơ quan, tổ chức khác khi cho phép Quốc hội có thể phê duyệt thêm những trường hợp không được quy định trong Luật, đồng thời cho phép cơ quan được phân quyền, phân cấp được chủ động phân cấp, uỷ quyền lại cho cơ quan, tổ chức khác phù hợp với quy định của Luật và/hoặc Nghị quyết của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 cũng quy định về trường hợp phân cấp của cơ quan chính quyền cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thay vì chỉ phân cấp cho các cơ quan chính quyền cấp dưới hoặc các Sở, ban, ngành như quy định trước đây. Việc tổ chức hoạt động quản lý nhà nước thông qua các đơn vị sự nghiệp hoạt động theo cơ chế tự chủ sẽ tăng hiệu quả, tiết giảm chi phí và góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính, cơ chế xin cho.

3. Cho phép chính quyền cấp tỉnh được quyết định vấn đề cấp bách khi chưa có quy định pháp luật điều chỉnh

Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 quy định theo hướng chỉ quy định về nguyên tắc các nhiệm vụ, quyền hạn (thay vì quy định rõ ràng các nhiệm vụ, quyền hạn trong từng lĩnh vực cụ thể như quy định trước đây) để tạo sự linh hoạt trong hoạt động của các cơ quan nhà nước cấp địa phương.

Bên cạnh đó, Luật đề cao trách nhiệm và sự linh hoạt trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND ở cấp tỉnh khi trao cho các cơ quan này một số quyền hạn đặc thù, được áp dụng các cơ chế đặc thù chưa có quy định trong Luật để giải quyết các vướng mắc tại địa phương; cụ thể:

  • HĐND cấp tỉnh được phép căn cứ vào chủ trương của Đảng, quyết định áp dụng thí điểm các chính sách đặc thù, đặc biệt, chưa được quy định trong pháp luật để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn sau khi đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
  • UBND cấp tỉnh được ủy quyền cho Chủ tịch UBND thay mặt UBND xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách cần phải xử lý gấp thuộc thẩm quyền của UBND hoặc những vấn đề đã được UBND thống nhất về chủ trương, nguyên tắc, trừ những trường hợp Luật quy định không được uỷ quyền.
  • Chủ tịch UBND cấp tỉnh được quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách khác quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lợi ích quốc gia, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân trên địa bàn, sau đó báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Các quy định trên là các quy định mới, góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan cấp địa phương, tránh sự “phụ thuộc” vào các cơ quan cấp trung ương và tăng tính “chủ động” cho chính quyền địa phương.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2025.

Trong thời hạn 02 năm kể từ ngày Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 có hiệu lực thi hành, các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp phải được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Luật.

 

 

Bình luận:

Từ khóa: