MẠN ĐÀM VỀ NGHĨA VỤ CHI TRẢ CỔ TỨC CỦA DOANH NGHIỆP

MẠN ĐÀM VỀ NGHĨA VỤ CHI TRẢ CỔ TỨC CỦA DOANH NGHIỆP

2024-01-10 16:26:55 1035

(*) Bài viết được thực hiện dựa trên hiểu biết, kinh nghiệm và quan điểm của đội ngũ Luật sư và chuyên gia của ATA Legal Services. Những quan điểm, lập luận đưa ra tại bài viết không mang ý nghĩa bảo đảm hay xác định chắc chắn việc áp dụng thành công vào các tình huống thực tiễn của khách hàng. Khách hàng cần tham vấn từng trường hợp cụ thể, xin vui lòng liên hệ trực tiếp với đội ngũ của ATA để được hỗ trợ.

Chậm trả cổ tức vẫn là một thực tiễn bắt gặp rất nhiều trên thị trường, không chỉ ở các doanh nghiệp thông thường mà ngay cả trong các công ty đại chúng, công ty niêm yết. Có thể kể tới các ví dụ điển hình như: trường hợp nợ cổ tức kéo dài trên chục năm của Công ty cổ phần Dầu khí Đông Đô (mã chứng khoán PFL)[1] hay trường hợp của Công ty CP Lilama 45.4 (mã chứng khoán L44) đã đổi ngày thanh toán cổ tức đến lần thứ 8[2]. Những trường hợp này đã tồn tại nhiều năm nhưng cả cơ quan quản lý và cổ đông đều không thể đưa ra bất kỳ hướng, phương án xử lý nào để giải quyết cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bên liên quan.

Bằng bài viết này, chúng tôi muốn đi sâu phân tích các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề chi trả, thanh toán cổ tức của các doanh nghiệp để từ đó xác định “CỔ TỨC ĐƯỢC XÁC ĐỊNH LÀ KHOẢN NỢ CỦA DOANH NGHIỆP TẠI THỜI ĐIỂM NÀO?”, từ đó đưa ra quan điểm trong việc xác định các quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan cũng như đề xuất những phương hướng hoàn thiện quy định pháp luật và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trên thị trường.

1. Quy định pháp luật liên quan đến cổ tức và vấn đề trả cổ tức

1.1. Định nghĩa cổ tức và các hình thức trả cổ tức

Theo khoản 5 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác.

Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng làm rõ thêm, cổ tức có thể được chi trả bằng tiền mặt, bằng cổ phần của công ty hoặc bằng tài sản khác quy định tại Điều lệ công ty. Nếu chi trả bằng tiền mặt thì phải được thực hiện bằng Đồng Việt Nam và theo các phương thức thanh toán theo quy định của pháp luật.

1.2. Quyền nhận cổ tức của cổ đông

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông sở hữu cổ phần có quyền nhận cổ tức của công ty, trừ trường hợp pháp luật, Điều lệ Công ty hoặc điều kiện, điều khoản liên quan đến phát hành cổ phần có quy định khác.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào loại cổ phần nắm giữ, cổ đông có thể nhận cổ tức với mức độ và hình thức khác nhau, cụ thể như sau:

a. Đối với cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức

Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức sẽ được chia cổ tức hằng năm với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm. Cụ thể, tuỳ điều kiện, điều khoản của cổ phần ưu đãi, cổ đông có thể được hưởng cổ tức như sau:

+ Cổ tức cố định: cổ đông hưởng cổ tức theo tỷ lệ (%) cố định hàng năm tính trên tổng giá trị cổ phần ưu đãi thuộc sở hữu của cổ đông. Loại cổ phần ưu đãi này cho cổ đông quyền được nhận cổ tức mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty.

+ Cổ tức thưởng: khi công ty chi trả cổ tức thì cổ đông được hưởng cổ tức theo tỷ lệ (%) cao hơn so với các cổ đông còn lại, mức chênh lệch cao hơn này có thể xác định theo nguyên tắc hoặc theo giá trị phù hợp với điều kiện, điều khoản của cổ phần. Ngoài ra, cơ sở và điều kiện để chi trả cổ tức của loại cổ phần ưu đãi này cũng phải đáp ứng tương tự với trường hợp chi trả cổ tức đối với cổ phần phổ thông.

b. Đối với cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông

Cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Trong các trường hợp này, công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;

+ Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;

+ Ngay sau khi trả hết số cổ tức, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.

c. Đối với cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi khác (không phải cổ phần ưu đãi cổ tức)

Luật Doanh nghiệp 2020 chỉ quy định cổ tức trả cho cổ phần ưu đãi được thực hiện theo các điều kiện, điều khoản áp dụng riêng cho mỗi loại cổ phần ưu đãi. Những điều kiện, điều khoản này do doanh nghiệp và cổ đông có thể tự xác định phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp và không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các cổ đông khác của doanh nghiệp đó.

1.3. Thẩm quyền quyết định việc trả cổ tức

Theo Luật Doanh nghiệp 2020, thẩm quyền quyết định trả cổ tức và mức trả cổ tức hằng năm của từng loại cổ phần thuộc về Đại hội đồng cổ đông. Tuy nhiên, Hội đồng quản trị mới là đơn vị có quyền kiến nghị mức cổ tức được trả, đồng thời cũng là đơn vị có quyền quyết định thời hạn và thủ tục trả cổ tức. Điều này xuất phát từ thực tiễn, Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc mới là đơn vị nắm được vấn đề tài chính, dòng tiền, nguồn vốn của công ty để xác định được công ty có đủ điều kiện chi trả cổ tức và chi trả ở mức nào là phù hợp, đảm bảo tài chính của công ty an toàn và phù hợp với các kế hoạch hoạt động, phát triển khác. Tuy nhiên, với thực tế các thành viên Hội đồng quản trị đa phần là những cổ đông lớn hoặc là những người được cổ đông lớn đề cử/ bầu cử nên vấn đề trả cổ tức, tỷ lệ cổ tức được trả sẽ phụ thuộc, thậm chí bị chi phối bởi các cổ đông lớn.

1.4. Trình tự, thủ tục trả cổ tức

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành, việc trả cổ tức được thực hiện theo trình tự sau:

(i).  Bước 1: Đại hội đồng cổ đông họp và thông qua kế hoạch trả cổ tức cho cổ đông và giao Hội đồng quản trị triển khai thực hiện.

     Thời hạn: Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên - trong vòng 04 – 06 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

(ii). Bước 2: Hội đồng quản trị lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả cho từng lần trả cổ tức.

      Thời hạn: Trong vòng 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức.

(iii). Bước 3: Thông báo về trả cổ tức tới cổ đông.

       Thời hạn: Trong vòng 15 ngày trước khi thực hiện trả cổ tức.

(iv). Bước 4: Thanh toán cổ tức.

Thời hạn: Việc trả cổ tức có thể được chia thành nhiều đợt, song cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên.

Trên thực tế, không phải khi nào cổ tức cũng được thanh toán đúng hạn như quy định của luật. Tuy nhiên, hiện nay chưa có một chế tài xử lý vi phạm cụ thể áp dụng đối với doanh nghiệp hoặc với những người quản lý của doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ thanh toán cổ tức đúng hạn. Trước đây, đối với doanh nghiệp có vốn Nhà nước, tại Quy chế quản lý quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg ngày 10/05/2012, Thủ tướng Chính phủ quy định nếu doanh nghiệp chậm trả cổ tức so với thời hạn quy định trong Nghị quyết đại hội đồng cổ đông từ 03 tháng trở lên thì phải chịu thêm tiền lãi quá hạn, quá 4 tháng còn phải chịu thêm lãi phạt chậm nộp. Tuy nhiên, Quyết định 21/2012/QĐ-TTg đã hết hiệu lực và văn bản thay thế là Nghị định 148/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp cũng đã không còn quy định về vấn đề nói trên.

Chính vì vậy, trên thực tế có nhiều doanh nghiệp dù đã có nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chia cổ tức nhưng mãi không chi trả. Vấn đề đặt ra là, khi việc chia cổ tức đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua thì doanh nghiệp có bắt buộc phải tiến hành chi trả và cổ tức khi đó có trở thành khoản nợ, khoản nghĩa vụ tài chính phải ưu tiên của doanh nghiệp hay không? Điều này có ý nghĩa lớn đối với doanh nghiệp cũng như cổ đông trong quá trình thực hiện trách nhiệm và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình.

Tại Chuyên đề lần này, ATA sẽ nghiên cứu, phân tích các quy định pháp luật có liên quan để cùng làm rõ vấn đề này.

2. Cổ tức có phải là một khoản nợ mà doanh nghiệp buộc phải trả cho cổ đông không?

2.1. Cổ tức cố định đương nhiên là khoản nợ của doanh nghiệp không phụ thuộc vào các điều kiện chi trả

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, cổ tức cố định là mức cổ tức mà cổ đông được đương nhiên hưởng hàng năm, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh. Do đó, trong trường hợp này, cổ tức cố định đương nhiên là khoản nợ của công ty và công ty phải chi trả theo đúng quy định.

Với quy định nói trên của Luật Doanh nghiệp 2020, chúng tôi hiểu rằng, không có bất kỳ ràng buộc, điều kiện nào của pháp luật yêu cầu doanh nghiệp phải chấp hành hoặc tuân thủ trước khi chi trả cổ tức cố định cho cổ đông. Theo đó, doanh nghiệp buộc phải chi trả cổ tức cho cổ đông mức cổ tức đã xác định đúng thời hạn đã ghi nhận tại điều kiện, điều khoản của cổ phiếu ưu đãi cổ tức, Điều lệ công ty hoặc thoả thuận giữa doanh nghiệp với cổ đông hoặc theo quy định trong Luật Doanh nghiệp 2020 nếu không có những tài liệu nói trên. Mọi sự thanh toán chậm trễ hoặc không đầy đủ đều được coi là vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ và cổ đông có quyền yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện đúng cũng như chịu trách nhiệm với những hành vi vi phạm này.

2.2. Cổ tức không cố định có phải là khoản nợ của doanh nghiệp không hoặc khi nào thì cổ tức trở thành khoản nợ của doanh nghiệp?

Đối với các cổ tức khác ngoài cổ tức cố định, bao gồm cổ tức trả cho cổ phần phổ thông, cổ tức thưởng trả cho cổ phần ưu đãi cổ tức và cổ tức trả cho các cổ phần khác không phải cổ phần ưu đãi cổ tức, việc trả cổ tức trong các trường hợp này không đương nhiên là nghĩa vụ của công ty với cổ đông mà phụ thuộc vào tình hình tài chính và kết quả kinh doanh và chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp 2020 quy định rõ các điều kiện để doanh nghiệp được chi trả cổ tức, bao gồm:

(i). Điều kiện để Đại hội đồng cổ đông thông qua Nghị quyết chi trả cổ tức:

+ Phải có lợi nhuận;

+ Khoản chi trả cổ tức phải được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của doanh nghiệp;

+ Phải được Hội đồng Quản trị đệ trình và đưa vào nội dung tại Đại hội đồng cổ đông thường niên.

(ii). Điều kiện tiến hành thanh toán cổ tức:

+ Đã có Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chi trả cổ tức;

+ Đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;

+ Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;

+ Ngay sau khi trả hết số cổ tức, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.

Như vậy, sẽ có 2 mốc thời điểm quan trọng trong trình tự, thủ tục chi trả cổ tức là: 1- thời điểm thông qua Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông về chi trả cổ tức và 2- thời điểm tiến hành chi trả cổ tức. Mỗi thời điểm gắn liền với các điều kiện và chỉ khi đáp ứng toàn bộ điều kiện đó thì cổ đông mới được thanh toán đầy đủ số tiền cổ tức đã được phê duyệt.

Vậy đặt vấn đề, doanh nghiệp đã thông qua Nghị quyết trả cổ tức thì khi đó doanh nghiệp có bắt buộc phải chi trả cổ tức cho cổ đông như một khoản nợ, một nghĩa vụ tài chính hay không? Hiện nay có nhiều quan điểm xung quanh vấn đề này. Có quan điểm cho rằng, việc Đại hội đồng cổ đông thông qua chỉ đơn thuần là thông qua về mặt chủ trương, còn việc triển khai phải phụ thuộc vào thực tiễn của doanh nghiệp. Quan điểm này thường do các doanh nghiệp, nói cách khác là những người quản lý tại các doanh nghiệp đưa ra. Ở chiều ngược lại, đối với các cổ đông – những người được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách chi trả cổ tức của doanh nghiệp lại cho rằng một khi Đại hội đồng cổ đông đã thông qua việc chi trả cổ tức thì đồng nghĩa với việc đã xác định được rõ nguồn tiền trả cổ tức nên các cơ quan thẩm quyền nội bộ của doanh nghiệp buộc phải tiến hành các công việc để chi trả khoản cổ tức theo đúng kế hoạch đã được thông qua. Khi đó, khoản cổ tức đã được xác định chi trả trong Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông được coi như một khoản nợ của doanh nghiệp đối với cổ đông.

Để xác định quan điểm nào là phù hợp, ATA sẽ phân tích các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề cổ tức, chi trả cổ tức.

a. Quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020

Khoản 4 Điều 135 quy định về thời hạn thanh toán cổ tức: “Cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên”.

Với quy định về nghĩa vụ “phải thanh toán cổ tức trong thời hạn” nêu trên, nhiều người hiểu rằng, cổ tức khi đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua thì đương nhiên trở thành nghĩa vụ thanh toán của công ty cổ phần đối với cổ đông và doanh nghiệp sẽ phải hoàn thành việc thanh toán cổ tức trong đúng thời hạn nêu trên.

Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định công ty cổ phần “chỉ được trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;

b) Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;

c) Ngay sau khi trả hết số cổ tức, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.”

Như vậy, với quy định tại Khoản 2 Điều 135, chúng tôi hiểu rằng, tại thời điểm doanh nghiệp thông qua việc chi trả cổ tức (có Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông), việc chi trả cổ tức chưa phải là nghĩa vụ thanh toán bắt buộc của doanh nghiệp. Để tiến hành thanh toán cổ tức, doanh nghiệp phải xác định việc có đáp ứng các điều kiện theo luật hay không. Cụ thể, sẽ có các bước triển khai Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại Khoản 4 Điều 135 Luật Doanh nghiệp như sau:

4. Cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Hội đồng quản trị lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất là 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức. Thông báo về trả cổ tức được gửi bằng phương thức để bảo đảm đến cổ đông theo địa chỉ đăng ký trong sổ đăng ký cổ đông chậm nhất là 15 ngày trước khi thực hiện trả cổ tức. Thông báo phải bao gồm các nội dung sau đây:

a) Tên công ty và địa chỉ trụ sở chính của công ty;

b) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân;

c) Tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức;

d) Số lượng cổ phần từng loại của cổ đông; mức cổ tức đối với từng cổ phần và tổng số cổ tức mà cổ đông đó được nhận;

đ) Thời điểm và phương thức trả cổ tức;

e) Họ, tên, chữ ký của Chủ tịch Hội đồng quản trị và người đại diện theo pháp luật của công ty.

Đồng thời, tại Điều 136 Luật Doanh nghiệp có quy định về việc “thu hồi tiền trả cổ tức” như sau: “Trường hợp việc trả cổ tức trái với quy định tại Điều 135 của Luật này, cổ đông phải hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản khác đã nhận; trường hợp cổ đông không hoàn trả được cho công ty thì tất cả thành viên Hội đồng quản trị phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị số tiền, tài sản đã trả cho cổ đông mà chưa được hoàn lại”.

Với tinh thần quy định tại Luật Doanh nghiệp như trên, có thể hiểu, khi Hội đồng Quản trị thông qua việc triển khai chi trả cổ tức và thông báo cho cổ đông trong đó xác định rõ thời điểm chi trả cổ tức thì Hội đồng Quản trị phải chịu trách nhiệm bảo đảm quyền được nhận cổ tức thực tế của cổ đông.

Như vậy, theo tinh thần trên, Luật Doanh nghiệp xác định, cổ tức trở thành nghĩa vụ tài chính, khoản phải trả của doanh nghiệp khi có Thông báo của Hội đồng Quản trị triển khai chi trả cổ tức.

b. Pháp luật về chế độ kế toán của doanh nghiệp

Tại Thông tư 200/2014/TT-BTC về chế độ kế toán doanh nghiệp, khi quy định về phương pháp kế toán đối với vấn đề cổ tức, Bộ Tài chính hướng dẫn về cơ sở và thời điểm hạch toán vào sổ sách của công ty một khoản cổ tức trở thành “khoản phải thu” (Tài khoản 138) – đối với công ty nhận cổ tức hoặc “khoản phải trả” (Tài khoản 338) – đối với công ty trả cổ tức, đều là “khi có thông báo trả cổ tức”.

Như vậy, theo pháp luật về chế độ kế toán, cổ tức được coi là nghĩa vụ thanh toán/ khoản nợ/ khoản phải trả của doanh nghiệp tại thời điểm có thông báo trả cổ tức. Quy định này hoàn toàn trùng khớp với quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020.

3. Doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ thanh toán cổ tức có phải chịu trách nhiệm không?

Theo những phân tích ở trên, pháp luật hiện đang quy định theo hướng cổ tức khi đã được thông báo chi trả sẽ trở thành nghĩa vụ thanh toán của doanh nghiệp và doanh nghiệp phải hoàn thiện việc thanh toán trong vòng không quá 06 tháng kể từ thời điểm kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật chỉ ràng buộc trách nhiệm doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp trong việc chi trả cổ tức khi không đủ điều kiện mà không ràng buộc trách nhiệm của họ cũng như không có bất kỳ chế tài nào dành cho họ khi đủ điều kiện mà không thực hiện nghĩa vụ chi trả. Do vậy, tồn tại một thực tế là, có rất nhiều doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ thanh toán cổ tức nhưng không hề bị xử phạt, thậm chí cơ quan Nhà nước cũng không “tuýt còi” do quan điểm không đủ cơ sở pháp lý.

Cụ thể, đối với các trường hợp vi phạm nghĩa vụ thanh toán cổ tức nhiều năm như được đề cập ở phần đầu bài viết này, đến nay, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vẫn chưa hề có động thái nào rõ ràng đối với các doanh nghiệp này. Thêm vào đó, ngay trong Khoản 5 Điều 11 của Quy chế về thực hiện quyền cho người sở hữu chứng khoán được ban hành kèm theo Quyết định số 09/QĐ-HĐTV ngày 10/08/2023 quy định: “chậm nhất 02 ngày làm việc trước ngày thanh toán cổ tức…, tổ chức phát hành phải chuyển đủ số tiền phải thanh toán cho người sở hữu chứng khoán lưu ký vào tài khoản tiền cho VSDC. Trường hợp chậm chuyển tiền thanh toán hoặc thay đổi thời gian thanh toán, chậm nhất 01 ngày làm việc liền trước ngày thanh toán, tổ chức phát hành phải gửi công văn thông báo cho VSDC nêu rõ lý do và chịu trách nhiệm về việc chậm chuyển tiền/ thay đổi thời gian thanh toán.” Như vậy, bản thân VSDC cũng không hề có bất kỳ một quy định nào hoặc biện pháp nào để hạn chế việc doanh nghiệp kéo dài/thay đổi thời gian thanh toán cổ tức.

4. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật bảo đảm, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thanh toán cổ tức nói riêng và bảo đảm quyền lợi của cổ đông nói chung

Thứ nhất, cần phải xác định một nguyên tắc rằng, Luật Doanh nghiệp 2020 là luật cơ bản – luật gốc để điều chỉnh về vấn đề cổ tức. Tất cả các văn bản luật chuyên ngành đều phải tuân thủ văn bản luật gốc này.

Thứ hai, xuất phát từ nguyên tắc ở trên, chúng tôi cho rằng, đối với thủ tục chi trả cổ tức tại VSDC như đã đề cập ở trên, VSDC và/hoặc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước không “tuýt còi” hoặc từ chối đối với những hồ sơ kéo dài thời hạn trả cổ tức vượt quá quy định tại Luật Doanh nghiệp là không phù hợp. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị rằng, trong quy định của VSDC hoặc các văn bản liên quan của các cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung cơ sở về giới hạn thời gian thanh toán theo quy định tại Khoản 4 Điều 135 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Thứ ba, cần làm rõ, bổ sung thêm các chế tài xử phạt hoặc các quy định mang tính ràng buộc để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp cũng như người quản lý doanh nghiệp. Theo đó, ngoài chế tài xử phạt, pháp luật cũng có thể quy định theo hướng: doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ đối với cổ đông về trả cổ tức sẽ được xác định là không bảo đảm uy tín với cổ đông và thị trường, từ đó sẽ không được đăng ký hoặc không được phê duyệt các hồ sơ đăng ký liên quan đến phát hành cổ phiếu/ tăng vốn điều lệ mới.

5. Cổ đông có thể làm gì khi doanh nghiệp/ người quản lý doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ thanh toán cổ tức hoặc các nghĩa vụ/cam kết khác

Rõ ràng, với quy định hiện hành, có thể hiểu rằng, cổ đông – cụ thể là những cổ đông đã được xác định trong danh sách hưởng cổ tức - phải được quyền yêu cầu, đòi hỏi doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thanh toán cổ tức đúng thời hạn, đúng cam kết như đã thông báo. Trên thực tế, đối với các cổ đông lớn đến mức “chi phối” doanh nghiệp, nắm trong tay quyền chủ động lựa chọn và bầu cử cán bộ quản lý doanh nghiệp cũng như chủ động trong việc thông qua các quyết sách của doanh nghiệp, cổ đông đó hoàn toàn có thể sử dụng quyền luật định để bảo đảm các quyết sách theo hướng có lợi cho chính mình.

Tuy nhiên, với các cổ đông còn lại, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ, họ sẽ không thể sử dụng các biện pháp mang tính “can thiệp” vào hoạt động nội bộ của doanh nghiệp. Khi đó, thông thường họ sẽ chỉ có thể trông cậy vào những quy định về chế tài xử phạt hay ràng buộc trách nhiệm pháp lý của các doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp.

Tại đây, khi chưa có chế tài xử phạt vi phạm hành chính, cổ đông có thể xem xét, triển khai các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình khi doanh nghiệp/ người quản lý doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ Luật định như sau:

+ Kiến nghị tới các cơ quan quản lý đối với doanh nghiệp để đề nghị cơ quan thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình hoặc thực hiện các cuộc kiểm tra, thanh tra xác định lỗi của doanh nghiệp/người quản lý doanh nghiệp trong việc chấp hành nghĩa vụ theo quy định của pháp luật (trường hợp này là việc chậm trễ chi trả cổ tức);

+ Đối với các công ty đại chúng phải thực hiện việc đăng ký thực hiện quyền tại VSDC, cổ đông có thể kiến nghị tới VSDC và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để không thông qua các hồ sơ kéo dài thời hạn trả cổ tức do vi phạm quy định pháp luật và quyền lợi của cổ đông, buộc các công ty này phải thực hiện theo đúng nội dung đã thông báo trước đó;

+ Yêu cầu Toà án có thẩm quyền để yêu cầu huỷ bỏ các Nghị quyết/ Quyết định vi phạm pháp luật (trường hợp này là các Nghị quyết/ Quyết định về việc kéo dài/ thay đổi thời hạn thanh toán cổ tức trái quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020);

+ Khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp giữa cổ đông với những người quản lý doanh nghiệp để làm rõ trách nhiệm của người quản lý trong hoạt động của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 165 Luật Doanh nghiệp 2020.

Tất nhiên rằng, để đánh giá vụ việc và triển khai được các biện pháp nêu trên không hề đơn giản. Cổ đông muốn bảo vệ quyền lợi của mình, ngoài việc nắm bắt đầy đủ thông tin về doanh nghiệp, đặc biệt là về tình hình kinh doanh, tài chính nội bộ của doanh nghiệp, thì còn phải hiểu rõ các cơ sở pháp lý liên quan để vận dụng phù hợp với trường hợp của mình. Cổ đông nên cân nhắc việc tham khảo các chuyên gia pháp lý hoặc luật sư hiểu biết về doanh nghiệp, chứng khoán, quản trị doanh nghiệp, tài chính – kế toán để có được những đánh giá toàn diện và phù hợp trước khi chính thức tiến hành các biện pháp pháp lý có liên quan.

 

[1] https://s.cafef.vn/pfl-538645/pfl-thay-doi-ngay-thanh-toan-co-tuc-dot-2-nam-2010-bang-tien.chn

[2] https://s.cafef.vn/l44-1913897/l44-doi-ngay-thanh-toan-co-tuc-nam-2012-2013.chn

 

 

 

 

 

Bình luận:

Từ khóa:  doanh nghiệp

,  

cổ tức

,  

cổ phần

,  

cổ đông

,  

nghĩa vụ

,  

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi