MẪU HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN MỚI BỔ SUNG NHIỀU NGHĨA VỤ CỦA DOANH NGHIỆP BÁN ĐIỆN

MẪU HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN MỚI BỔ SUNG NHIỀU NGHĨA VỤ CỦA DOANH NGHIỆP BÁN ĐIỆN

2023-09-08 18:29:26 1213

Ngày 31/8/2023, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 16/2023/TT-BCT (“Thông tư 16”) hướng dẫn về hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt giữa đơn vị bán lẻ điện (sau đây gọi là “Doanh nghiệp bán điện”) và khách hàng sử dụng điện phục vụ mục đích sinh hoạt (sau đây gọi là “Bên mua điện”) thay thế Thông tư số 19/2014/TT-BCT ngày 18/06/2014 và Thông tư số 38/2022/TT-BCT ngày 30/12/2022.

Thông tư 16 ban hành mẫu hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt (“Hợp đồng mua bán điện”) theo hướng tăng quyền tự do thỏa thuận cho các bên trong hợp đồng. Dưới đây là một số nội dung thay đổi tại mẫu Hợp đồng mua bán điện.

1. Doanh nghiệp bán điện chỉ được thay đổi thời gian xác định chỉ số công tơ khi được sự đồng ý của Bên mua điện

Theo Thông tư 16, ngày ghi chỉ số công tơ phải được xác định rõ trong Hợp đồng mua bán điện và do hai bên thỏa thuận. Việc công khai ngày ghi chỉ số công tơ này giúp Bên mua điện có cơ sở theo dõi, giám sát, kiểm soát việc ghi chỉ số công tơ của Doanh nghiệp bán điện, mức tiêu thụ điện theo ngày và tăng tính minh bạch trong công tác quản lý hoạt động đo, đếm điện năng. Đồng thời, doanh nghiệp bán điện sẽ dễ dàng hạch toán doanh thu tiền điện phát sinh đúng và đủ theo từng tháng, đảm bảo tuân thủ đúng quy định.

Việc ghi chỉ số công tơ được ấn định hàng tháng, nhưng có thể dịch chuyển thời điểm ghi chỉ số trước hoặc sau một ngày. Trong trường hợp cần thiết, Doanh nghiệp bán điện có thể thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ đã thỏa thuận trong Hợp đồng mua bán điện. Tuy nhiên, việc thay đổi này phải được thông báo cho Bên mua điện biết và phải được Bên mua điện đồng ý thì mới có thể thực hiện.

Quy định việc Doanh nghiệp bán điện không được tự ý điều chỉnh ngày ghi chỉ số công tơ điện này nhằm đảm bảo cho Bên mua điện trong việc chủ động bố trí người chứng kiến, xác nhận chỉ số công tơ. Từ đó, tránh các hiện tượng gian lận hoặc mâu thuẫn trong việc xác định chỉ số và giá trị tiền điện.

2. Doanh nghiệp bán điện phải phản hồi các đề nghị của Bên mua điện trong 07 ngày

Khi có bất kỳ thông tin nào cần trao đổi, nếu không có quy định khác, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị, bên nhận đề nghị phải có sự phản hồi đồng ý/không đồng ý đối với yêu cầu của bên gửi đề nghị.

Tuy nhiên, đối với trường hợp Bên mua điện không đồng ý về số tiền điện phải thanh toán, thời gian giải quyết sẽ kéo dài tối thiểu 15 ngày. Trong thời gian chờ giải quyết, Bên mua điện vẫn có nghĩa vụ thanh toán tiền điện theo chứng từ thanh toán và Doanh nghiệp bán điện không được ngừng cấp điện, trừ trường hợp Bên mua điện không trả tiền điện.

3. Các nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Doanh nghiệp bán điện

  • Thông báo giá bán lẻ điện sinh hoạt của Doanh nghiệp bán điện cho Bên mua điện trước khi ký hợp đồng hoặc khi có thay đổi giá bán lẻ điện sinh hoạt;
  • Khi nhận được thông báo của Bên mua điện về mục đích sử dụng điện dẫn đến thay đổi giá điện; thay đổi số hộ dùng chung đã đăng ký trong hợp đồng; thay đổi định mức sinh hoạt; hoặc có nhu cầu chấm dứt hợp đồng thì Doanh nghiệp bán điện có trách nhiệm kiểm tra, sửa đổi, bổ sung hoặc chấm dứt Hợp đồng mua bán điện trong 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo;
  • Thông báo cho Bên mua điện về thời điểm kết thúc hợp đồng tối thiểu 07 ngày làm việc trước ngày hợp đồng kết thúc;
  • Bảo vệ thông tin của Bên mua điện, không được phép thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của Bên mua điện cho bên thứ ba khác khi chưa được sự đồng ý của Bên mua điện;
  • Cảnh báo về khả năng gây mất an toàn sử dụng điện, ảnh hưởng xấu đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của Bên mua điện hoặc các bên có liên quan.

4. Bỏ giới hạn mức phạt vi phạm

Thông tư 16 quy định, các bên sẽ quyền tự thỏa thuận với nhau về mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng trên cơ sở phù hợp quy định pháp luật, thay vì ấn định mức phạt 8% phần giá trị nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm như hiện tại. Quy định này là phù hợp với tính chất của biện pháp phạt vi phạm – đó là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng. Do đó, các bên phải được quyền và tự chịu trách nhiệm khi thỏa thuận và lựa chọn mức phạt vi phạm khi ký kết Hợp đồng mua bán điện.

5. Bỏ thủ tục hòa giải tại Sở Công thương như một hình thức bắt buộc trong giải quyết tranh chấp giữa các bên

Theo quy định trước đây, trường hợp phát sinh tranh chấp, nếu hai bên sau khi tự thương lượng mà không đạt được kết quả thì có thể đề nghị Sở Công thương tổ chức hòa giải. Thông tư 16 chỉ quy định rằng trình tự giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật. Đối chiếu với quy định hiện hành có thể thấy, việc tổ chức hòa giải có thể thực hiện không chỉ ở Sở Công thương mà còn ở Cục Điều tiết điện lực[1]. Cụ thể:

  • Sở Công thương: Giải quyết các tranh chấp về Hợp đồng mua bán điện có cấp điện áp đến 110KV.
  • Cục Điều tiết điện lực: Giải quyết các tranh chấp về Hợp đồng mua bán điện có cấp điện áp trên 110KV.

Theo đó, tùy vào loại hợp đồng cụ thể, các bên sẽ tự thỏa thuận lựa chọn một trong hai cơ quan trên để giải quyết tranh chấp. Cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết nếu các bên không tự thương lượng được, có thỏa thuận đề nghị và phải đảm bảo chưa tiến hành các thủ tục tố tụng dân sự hoặc trọng tài thương mại.

Thông tư 16 có hiệu lực kể từ ngày 16/10/2023. Các hợp đồng đã ký trước thời điểm Thông tư 16 có hiệu lực được tiếp tục thực hiện đến thời điểm hết thời hạn ghi trong hợp đồng. Trong quá trình thực hiện, hai bên có thể thỏa thuận bổ sung các nội dung mới phù hợp với mẫu hợp đồng mới hoặc ký lại hợp đồng trước hạn theo Thông tư 16.

[1] Điều 24 Thông tư 42/2022/TT-BCT.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi