NẾU KHÔNG CÓ CHỨNG CỨ KHÁC THÌ TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐƯỢC NÊU TÊN TRÊN BẢN GỐC TÁC PHẨM MẶC NHIÊN ĐƯỢC XEM LÀ TÁC GIẢ

NẾU KHÔNG CÓ CHỨNG CỨ KHÁC THÌ TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐƯỢC NÊU TÊN TRÊN BẢN GỐC TÁC PHẨM MẶC NHIÊN ĐƯỢC XEM LÀ TÁC GIẢ

2022-07-08 19:47:58 491

Đây là một nguyên tắc để xác định quyền tác giả trong các thủ tục tố tụng quy định tại Luật số 07/2022/QH15 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16/06/2022 (sau đây gọi là “Luật số 07”). Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi lần này có phạm vi khá rộng, với hơn 100 điều được sửa đổi, bổ sung. Một số nội dung quan trọng được đề cập trong Luật số 07 bao gồm:

 1. Bổ sung ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả

Luật số 07 sửa đổi Điều 25 Luật SHTT hiện hành về các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm. Trong đó, có một số nội dung mới như sau:

  • Trường hợp tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại nhưng không áp dụng trong trường hợp sao chép bằng thiết bị sao chép.
  • Tác phẩm được dùng để minh họa trong các bài giảng, ấn phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhằm mục đích giảng dạy phải sử dụng hợp lý.
  • Bổ sung quy định về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật. Đây là quy định mới nhằm bảo vệ quyền của người khuyết tật, giúp họ có cơ hội tiếp cận rộng rãi với các tác phẩm bằng các hình thức phù hợp nhất mà không xâm phạm quyền tác giả.

 2. Thay đổi định nghĩa và cách xác định nhãn hiệu nổi tiếng

 

Luật số 07

Luật SHTT (sửa đổi 2019)

Định nghĩa

Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam.

(Điểm c khoản 1 Điều 1)

Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

(Khoản 20 Điều 4)

Các tiêu chí xác định

Việc xem xét, đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng được lựa chọn từ một số hoặc tất cả các tiêu chí quy định tại Điều 75 Luật SHTT (sửa đổi 2019).

Việc xem xét, đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng khi thỏa mãn tất cả các tiêu chí quy định tại Điều 75 Luật SHTT (sửa đổi 2019).

3. Bổ sung quy định liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp

Theo Điều 112 Luật SHTT (sửa đổi 2019), kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó. Ý kiến được lập thành văn bản kèm các tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.

Luật số 07 đã bổ sung thêm về phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Quy định mới này giúp nâng cao chất lượng văn bằng bảo hộ được cấp, giảm thiểu tác động tiêu cực của cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Luật cho phép bất kỳ người thứ ba có ý kiến/phản đối về đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nhằm tạo cơ hội cho công chúng có ý kiến đối với việc trao độc quyền cho đối tượng sở hữu công nghiệp mà công chúng phải tôn trọng độc quyền đó.

4. Bổ sung cơ chế đền bù cho chủ sở hữu sáng chế của Nhà nước khi chậm trễ cấp phép lưu hành dược phẩm

Đây là quy định mới so với Luật SHTT (sửa đổi 2019). Theo Điều 131a Luật số 07, chủ bằng độc quyền sáng chế cần lưu ý một số nội dung sau:

  • Không phải nộp phí sử dụng văn bằng bảo hộ cho khoảng thời gian mà thủ tục đăng ký lưu hành lần đầu của dược phẩm được sản xuất theo bằng độc quyền sáng chế tại Việt Nam bị chậm.
  • Để không phải nộp phí trên, chủ bằng độc quyền sáng chế phải nộp cho cơ quan xác lập quyền sở hữu công nghiệp văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành dược phẩm xác nhận về việc thủ tục tục đăng ký lưu hành dược phẩm đó bị chậm trong vòng 12 tháng kể từ ngày dược phẩm được cấp phép lưu hành.
  • Điều kiện bị coi là chậm trễ trong thủ tục cấp phép lưu hành dược phẩm:

+ Trong vòng 24 tháng kể từ ngày nộp đơn xin cấp phép lưu hành mà cơ quan quản lý dược không có phản hồi nào.

+ Thời gian chậm trừ trường hợp do lỗi của người nộp đơn hoặc do nguyên nhân nằm ngoài kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Mặc dù việc thực hiện cơ chế này có thể là gánh nặng cho ngân sách nhà nước nhưng tạo ra một môi trường kinh doanh an toàn cho các doanh nghiệp, đẩy nhanh quá trình xử lý đơn xin cấp phép lưu hành dược phẩm tại cơ quan quản lý dược.

5. Bổ sung nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí

Theo Luật hiện tại, đối với tất cả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, mức thù lao trả cho tác giả đều giới hạn từ 10-15% lợi nhuận trước thuế.

Trong khi đó, Luật số 07 tách ra thành 2 trường hợp sau:

a. Đối với các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thông thường:

  • 10% lợi nhuận trước thuế mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;
  • 15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí trước khi nộp thuế theo quy định.

b. Đối với các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước:

  • Tối thiểu 10% và tối đa 15% lợi nhuận trước thuế mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;
  • Tối thiểu 15% và tối đa 20% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí trước khi nộp thuế theo quy định.

6. Thay đổi điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp

Theo quy định tại Điều 154 Luật SHTT, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật, trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam (gọi tắt là tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp) muốn kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:

Luật số 07

Luật SHTT (sửa đổi 2019)

Chỉ cần có ít nhất 01 cá nhân có Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp với danh nghĩa tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

-  Có chức năng hoạt động dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.

-  Người đứng đầu tổ chức hoặc người được đứng đầu tổ chức ủy quyền phải đáp ứng các điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp bao gồm:

+ Có chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

+ Hoạt động cho một tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

Như vậy, kể từ ngày 01/01/2023, quy định mới nới lỏng hơn về điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

7. Luật sư được ưu tiên cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp

Luật số 07 bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 155 Luật SHTT hiện hành như sau: Cá nhân là luật sư hành nghề theo Luật Luật sư sẽ được cấp Chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp khi đã tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền công nhận, trong khi đó, các đối tượng khác sẽ cần phải trải qua kỳ kiểm tra về nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp do cơ quan có thẩm quyền tổ chức theo điểm e khoản 2 Điều này.

Luật sư được cấp chứng chỉ hành nghề đại diện SHCN trong trường hợp trên sẽ được hành nghề liên quan đến 4 nhóm đối tượng gồm nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, cạnh tranh không lành mạnh và bí mật kinh doanh.

8. Nếu không có chứng cứ khác thì tổ chức, cá nhân được nêu tên trên bản gốc tác phẩm mặc nhiên được xem là tác giả

Đây là nguyên tắc giả định quyền tác giả, quyền liên quan trong các thủ tục tố tụng dân sự, hành chính, hình sự về quyền tác giả và quyền liên quan theo Điều 198a Luật số 07. Cụ thể: tổ chức, cá nhân được nêu tên theo các thông thường là tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng, nhà sản xuất tác phẩm điện ảnh, nhà xuất bản được coi là chủ thể quyền đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình chương trình phát sóng đó. Trong đó, nêu tên theo cách thông thường là “nêu tên trên bản gốc…” hoặc “bản sao tương ứng được công bố hợp pháp” trong trường hợp bản gốc không còn tồn tại.

Luật số 07 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023, trừ quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2022 và quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2024.

Bình luận:

Từ khóa: 

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi