Ngày 29/12/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 22/2023/TT-NHNN (“Thông tư 22”) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 41/2016/TT-NHNN (“Thông tư 41”) ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, Thông tư 22 đã bổ sung nhiều quy định tạo điều kiện cho cá nhân và tổ chức vay vốn ngân hàng.
1. Tạo điều kiện thuận lợi để cá nhân được vay vốn mua nhà ở xã hội
Với mục đích hỗ trợ các cá nhân được tiếp cận nguồn vốn vay hợp pháp để mua nhà ở; Thông tư 22 quy định bổ sung một đối tượng cho vay của Khoản cho vay thế chấp nhà là Khoản cho vay để mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ (“Nhà ở xã hội”). Theo đó, Thông tư 22 cho phép cá nhân được vay vốn có bảo đảm bằng bất động sản từ Ngân hàng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài để mua Nhà ở xã hội với nhiều quy định thuận lợi, cụ thể:
a. Không yêu cầu tiến độ hoàn thành của nhà ở:
Thông tư 22 cho phép cá nhân vay vốn mua nhà ở xã hội khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Thứ nhất: nguồn tiền trả nợ không phải là nguồn tiền cho thuê nhà hình thành từ khoản cho vay của Ngân hàng;
- Thứ hai: ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có đầy đủ quyền hợp pháp để xử lý nhà thế chấp khi khách hàng không trả được nợ theo quy định của pháp luật về giao dịch đảm bảo và pháp luật về nhà ở;
- Thứ ba: nhà hình thành từ khoản cho vay thế chấp này phải được định giá độc lập (được bên thứ ba định giá hoặc được bộ phận độc lập với bộ phận phê duyệt tín dụng của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài định giá) với nguyên tắc thận trọng (giá trị không cao hơn giá thị trường tại thời điểm xét duyệt cho vay) theo quy định của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Như vậy, so với các khoản vay vốn để mua nhà bình thường thì điều kiện cho vay mua nhà xã hội mang tính thuận lợi hơn khi không yêu cầu điều kiện nhà đã được hoàn thành để bàn giao theo hợp đồng mua bán nhà.
b. Áp dụng hệ số rủi ro thấp đối với tài sản thế chấp của khoản vay:
Đối với các khoản vay mua nhà thông thường, hệ số rủi ro cao nhất lên tới 80 – 100%. Tuy nhiên, đối với các khoản vay vốn mua nhà ở xã hội, hệ số rủi ro được giảm xuống chỉ còn xấp xỉ 1/2, cụ thể:
Các khoản cho vay thế chấp nhà ở |
LTV dưới 40% |
LTV từ 40% trở lên đến dưới 60% |
LTV từ 60% trở lên đến dưới 80% |
LTV từ 80% trở lên đến dưới 90% |
LTV từ 90% trở lên đến dưới 100% |
LTV từ 100% trở lên |
DSC từ 35% trở xuống |
20% |
25% |
30% |
35% |
40% |
45% |
DSC trên 35% |
25% |
30% |
35% |
40% |
45% |
50% |
Ghi chú: “LTV” là viết tắt của Tỷ lệ bảo đảm; và “DSC” là viết tắt của Tỷ lệ thu nhập
2. Tạo điều kiện để doanh nghiệp vay vốn phát triển dự án bất động sản khu công nghiệp
Thông tư 41 quy định mức hệ số rủi ro 200% áp dụng cho tất cả các khoản tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, Thông tư 22 đã giảm hệ số này xuống mức 160% đối với các khoản tín dụng chuyên biệt tài trợ dự án kinh doanh bất động sản công nghiệp. Điều này cho thấy chính sách khuyến khích của Nhà nước ta đối với các dự án phát triển bất động sản khu công nghiệp.
3. Tạo điều kiện cho cá nhân vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
Thông tư 22 bổ sung quy định về hệ số rủi ro tín dụng đối với các khoản cho vay đối với cá nhân theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, hệ số rủi ro tín dụng trong trường hợp này chỉ là 50%.
Thông tư 22 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2024./.
Bình luận: