NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ CHẶT CHẼ VIỆC CUNG ỨNG DỊCH VỤ THANH TOÁN QUA CÁC ĐƠN VỊ CHẤP NHẬN THANH TOÁN

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ CHẶT CHẼ VIỆC CUNG ỨNG DỊCH VỤ THANH TOÁN QUA CÁC ĐƠN VỊ CHẤP NHẬN THANH TOÁN

2024-07-12 20:04:05 255

Ngày 28/06/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 15/2024/TT-NHNN (“Thông tư 15) quy định về cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Thông tư 15 đưa ra nhiều nội dung mới đáng chú ý như sau:

1. Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ việc cung ứng dịch vụ thanh toán thông qua các Đơn vị chấp nhận thanh toán

Thông tư 15 bổ sung việc cung ứng dịch vụ thanh toán thông qua các ĐVCNTT[1] và yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ phải tuân thủ các quy định chặt chẽ như sau:

  • Có hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản trong đó làm rõ quyền và trách nhiệm của các bên trong việc cung cấp dịch vụ và bảo vệ dữ liệu cá nhân của khách hàng;
  • Hướng dẫn ĐVCNTT đầy đủ quy trình, thủ tục, biện pháp để triển khai công việc;
  • Lựa chọn phát triển ĐVCNTT; phải tiến hành công tác nhận biết, xác minh ĐVCNTT đảm bảo tính chính xác, xác thực và cập nhật thường xuyên thông tin về dữ liệu của ĐVCNTT, đồng thời tiến hành kiểm tra thực tế tại địa điểm kinh doanh để bảo đảm tính xác thực.
  • Phải ban hành các cơ chế quản lý rủi ro; đánh giá, phân loại cácĐVCNTT theo mức độ rủi ro; thường xuyên theo dõi, giám sát và có biện pháp kiểm tra, quản lý chặt chẽ hoạt động của ĐVCNTT; Xây dựng và triển khai nhận diện theo Bộ tiêu chí nhận diện các ĐVCNTT có dấu hiệu nghi ngờ gian lận, lừa đảo, vi phạm pháp luật.
  • Yêu cầu ĐVCNTT mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để nhận tiền thanh toán và cung cấp hoá đơn, chứng từ liên quan đến việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
  • Báo cáo danh sách các ĐVCNTT có dấu hiệu gian lận, giả mạo, vi phạm pháp luật bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

2. ĐVCNTT phải niêm yết công khai về việc không phân biệt giá giữa thanh toán tiền mặt và thanh toán không dùng tiền mặt

Thông tư 15 bổ sung quy định yêu cầu ĐVCNTT phải thực hiện niêm yết công khai về việc không phân biệt giá hoặc thu thêm tiền, phụ phí đối với các giao dịch thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt so với thanh toán bằng tiền mặt. ĐVCNTT phải hoàn trả lại hoặc thông qua tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để hoàn trả lại cho khách hàng số tiền chênh lệch giá, phụ phí đã thu trái quy định.

Ngoài quy định trên, Thông tư 15 cũng bổ sung các quyền hạn và trách nhiệm khác của ĐVCNTT liên quan đến vấn đề tra soát, khiếu nại và quản lý, sử dụng các thiết bị, công cụ chấp nhận thanh toán.

3. Tiếp nhận khiếu nại về dịch vụ thanh toán 24/7

Điều 6 Thông tư 15 bổ sung quy định về quy trình xử lý sai sót và điều chỉnh sai sót, tra soát, khiếu nại trong giao dịch thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó đáng chú ý là quy định yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại của khách hàng sử dụng dịch vụ, đảm bảo tuân thủ tối thiểu các quy định sau:

  • Áp dụng tối thiểu hai hình thức tiếp nhận thông tin tra soát, khiếu nại qua tổng đài điện thoại (có ghi âm, hoạt động 24/24 giờ trong ngày và 7/7 ngày trong tuần) và qua các địa điểm giao dịch hợp pháp theo quy định;
  • Ban hành mẫu đề nghị tra soát, khiếu nại (văn bản giấy và điện tử) để khách hàng sử dụng khi đề nghị tra soát, khiếu nại và đảm bảo xác minh thông tin khách hàng cung cấp;
  • Trả lời hoặc xử lý kịp thời các khiếu nại của khách hàng trong thời hạn theo thỏa thuận nhưng không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận được yêu cầu khiếu nại của khách hàng theo quy định.

Thông tư 15 có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2024.

[1] Đơn vị chấp nhận thanh toán.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi